'Cởi trói' căn bệnh hình thức Lễ khai giảng

Thứ Sáu, 04/09/2015, 12:10
Lễ khai giảng chào đón năm học mới năm nay có một điều thật đặc biệt. Đó là các trường học trên cả nước sẽ đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9 - một lễ khai giảng mà những thủ tục nhiêu khê, rườm rà, hình thức, “làm khổ học trò” sẽ bị lược bỏ..
Nếu thực hiện đúng quy định, sẽ không còn cảnh nhiều nhà trường yêu cầu học sinh tập trung nhiều ngày để luyện tập. Sẽ không còn cảnh các em nhỏ mướt mồ hôi, lếch thếch tay cờ, tay hoa đứng chờ quan khách cả tiếng đồng hồ trong nóng nực. Sẽ không còn những bài diễn văn lê thê, đầy hình thức. Và sẽ bớt đi cảnh con đi khai giảng, bố mẹ nơm nớp lo lắng vì sau ngày lễ khai giảng, nhiều em nhỏ đã kiệt sức, lăn ra ốm.

Chủ trương cả nước đồng loạt khai giảng được Bộ GD & ĐT thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được dư luận cả nước hoan nghênh, đón nhận. Một nhà văn tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi, đáng lẽ điều này phải được thực hiện từ nhiều năm trước, nhưng giờ “muộn còn hơn không”. Trong ký ức của ông và các thế hệ cùng thời, ngày khai trường vui lắm, như một kỷ niệm êm đềm, lắng sâu trong tâm khảm và cứ theo mãi suốt cuộc đời. Lắng sâu có lẽ bởi ngày khai giảng những năm xa xưa rất giản dị và ấm áp tình thầy trò.
Ngày khai giảng sẽ mãi là những kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.

Hưởng ứng về một Lễ khai giảng thống nhất trên cả nước, nhiều địa phương cũng đã có những chỉ đạo rất khẩn trương, cụ thể. Sở GD&ĐT TP Hà Nội yêu cầu, lễ khai giảng chỉ trong vòng 1 tiếng với mục đích đây phải thực sự là ngày hội khai trường của học sinh. Khai giảng sẽ có chủ đề “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, nội dung tập trung việc đón học sinh đầu cấp. Thời gian lễ khai giảng chỉ diễn ra từ 7h30 đến 8h30.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT còn yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc việc triển khai đồng phục cho học sinh. Theo đó, các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, các em chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng; không được phép để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.

Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu lễ khai giảng có cả phần “lễ” (trang trọng, súc tích, ngắn gọn) và phần “hội” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian tươi vui, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm mới. Sở yêu cầu buổi lễ phải nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới.

Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Không nên biến lễ khai giảng thành lễ “báo công” của các trường với lãnh đạo cấp trên. “Bất cứ việc gì làm trong nhà trường cũng vì lợi ích của học sinh. Lợi ích ấy vì hạnh phúc của trẻ con, tạo ra niềm vui cho con trẻ chứ đừng làm khổ chúng. Vì thế, hãy để ngày khai giảng đối với trẻ là một ngày đáng nhớ.

Thu Phương – Huyền Thanh
.
.
.