Chuyển Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông về Viettel: Có trái với chủ trương?

Thứ Hai, 18/05/2015, 08:13
"Trong bối cảnh hai tập đoàn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc điều tài sản, nguồn lực cả hữu hình và vô hình vốn sinh ra từ VNPT sang Viettel sẽ là việc làm không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mà Chính phủ đang chỉ đạo”.

Thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/7/2014, Tập đoàn VNPT đã bàn giao lại Học viện Công nghệ Bưu chính-Viễn thông (PTIT) về Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quản lý để thực hiện đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực TT-TT cho xã hội.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 năm chuyển từ mô hình quản lý thuộc doanh nghiệp về cơ quan quản lý nhà nước, thì mới đây, Bộ Quốc phòng đã có đề xuất xin chuyển Học viện về trực thuộc Tập đoàn Viettel. Mặc dù, đây mới chỉ là đề xuất và Văn phòng Chính phủ đã, đang lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành song đề xuất được cho là khá bất ngờ trên đã khiến dư luận những ngày qua “dậy sóng” với nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 25/4, Bộ Quốc phòng đã gửi tờ Trình số 3346/TTr-BQP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển nguyên trạng PTIT từ Bộ TT&TT về Viettel. Theo đó, Viettel sẽ tiếp nhận đầy đủ, trong đó gồm cả các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với sinh viên, khách hàng, đối tác (nếu có) của Học viện.

Tại tờ trình, Bộ Quốc phòng nêu rõ sự cần thiết điều chuyển nguyên trạng PTIT về Viettel là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển giáo dục -đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá…

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhu cầu về nguồn lực cho nhiệm vụ nghiên cứu của Viettel đang rất cấp bách vì Viettel đang đầu tư rất mạnh vào nghiên cứu phát triển. Bộ Quốc phòng cho rằng Viettel có thể giúp các trường, học viện, viện nghiên cứu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; đầu tư cho cơ sở vật chất của trường, viện, học viện.

Thậm chí Viettel có thể thay đổi cơ chế để tuyển được các giáo viên giỏi trên toàn cầu, có đầu ra cho đào tạo vì nhu cầu nội bộ mỗi năm của Viettel cần tuyển dụng 4.000-5.000 kỹ sư, chưa tính đến nhu cầu của thị trường ngoài Viettel; có thể đưa nhân viên Tập đoàn này từ 10 nước trên thế giới về học tập, đào tạo…       

Trao đổi với PV Báo Công an nhân dân về vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD&ĐT cho rằng: Có thể khẳng định rằng, mong muốn được tiếp nhận nguyên trạng PTIT của Vietel là không sai, không trái với chủ trương của Nhà nước, thậm chí hoàn toàn phù hợp với định hướng đổi mới tại Nghị quyết 14/2005/NQ-CP  như chuyển một số cơ sở GDĐH công lập sang loại hình tư thục; mở cơ sở GDĐH trong các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên cách triển khai để thực hiện ý định là vội vàng, không phù hợp, khiến các bên liên quan cũng như dư luận xã hội không đồng thuận.

Với bề dày thành tích trên 60 năm, PTIT đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam về bưu chính-viễn thông.

Nếu Vietel biết làm việc trước với đối tác, cũng như Bộ Quốc phòng có làm việc trước với Bộ TT-TT trước khi trình Thủ tướng thì có thể sự việc diễn ra theo hướng khác, suôn sẻ hơn. PTIT là một cơ sở GDĐH công lập trực thuộc Bộ TT&TT và nếu điều chuyển nguyên trạng, thì chỉ có thể điều chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Còn trường hợp chuyển về trực thuộc Vietel thì trên thực chất, Học viện phải chuyển đổi qua loại hình cơ sở GDĐH tư thục theo Điều 48 Luật Giáo dục. Ở trường hợp này dứt khoát phải lấy ý kiến đồng thuận của các đối tác, cụ thể ở đây là Ban lãnh đạo Học viện, cũng như Bộ TT&TT.

Cũng theo chia sẻ của ông Lê Viết Khuyến, PTIT là một trường ĐH có lịch sử hình thành và phát triển khá đặc biệt. Vào giữa những năm 90, trong điều kiện nền kinh tế nước ta bắt đầu khởi sắc, trong đó có ngành Bưu chính - viễn thông, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT hướng dẫn xây dựng thí điểm một số trường ĐH kiểu mới, theo hướng gắn các hoạt động đào tạo với nghiên cứu, ứng dụng; không nhận thường xuyên ngân sách Nhà nước mà trực thuộc các tập đoàn kinh tế mạnh.

Theo tinh thần đó PTIT trực thuộc Tổng công ty VNPT đã được thành lập vào năm 1997. Sau khi thành lập Học viện đã được VNPT, như cam kết với Chính phủ, đầu tư  nguồn kinh phí rất lớn (gấp nhiều lần ngân sách Nhà nước chi cho các trường ĐH cùng thời gian) và tiếp tục được đầu tư cho đến thời điểm Học viện chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT.

Cũng chính thành công của mô hình này đã giúp Chính phủ đưa ra hàng loạt chủ trương đổi mới tại Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020. Do vậy, ý kiến của một vài người trên các phương tiện truyền thông những ngày qua cho rằng “điều chuyển học viện về doanh nghiệp là đi ngược chủ trương”, “học viện cất cánh nhờ thoát phụ thuộc doanh nghiệp”, thậm chí coi nhẹ vai trò của VNPT trong việc ra đời và phát triển của PTIT là không đúng.

“Tại thời điểm hiện tại, PTIT vẫn đang thực hiện cơ chế tự chủ toàn bộ, hoạt động không cần tới ngân sách Nhà nước. Hay nói cách khác, Học viện đang đi theo hướng trở thành một cơ sở GDĐH tự chủ. Tuy nhiên,  Học viện muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải chủ động tìm kiếm các đối tác đầu tư chiến lược cho mình như VNPT trước đây và Vietel sắp tới, không thể chỉ dựa vào các nguồn thu hạn hẹp đang có để rồi đến lúc gặp khó khăn lại bám vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước như không ít cơ sở giáo dục đã làm” - ông Lê Viết Khuyến đề xuất.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng:

Trong những ngày qua, lãnh đạo và các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT liên tục nhận được điện thoại, đơn, thư của cán bộ, công nhân viên trong ngành, kể cả lãnh đạo Bộ TT&TT qua các thời kỳ kiến nghị giữ nguyên PTIT trực thuộc Bộ TT&TT theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Thực tế cho thấy, việc chuyển PTIT từ VNPT về Bộ TT&TT theo đề án tái cơ cấu VNPT do Thủ tướng phê duyệt không phải vì VNPT không đủ lực để tiếp tục đầu tư cho Học viện mà nhằm đảm bảo cho Tập đoàn VNPT có thể tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa.

“Do vậy, nếu nay lại chuyển Học viện từ Bộ TT&TT về Viettel, một tập đoàn có cùng ngành nghề kinh doanh tương tự như VNPT thì cán bộ, công nhân viên VNPT không khỏi hoang mang, suy nghĩ có chút gì không bình đẳng, không sòng phẳng với Tập đoàn VNPT ở đây?

Thêm vào đó, trong bối cảnh hai tập đoàn đang là đối thủ cạnh tranh trên thị trường, đều cần nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc điều tài sản, nguồn lực cả hữu hình và vô hình vốn sinh ra từ VNPT sang Viettel sẽ là việc làm không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng mà Chính phủ đang chỉ đạo”.

Huyền Thanh
.
.
.