Có hay không tiêu cực trong cộng điểm ưu tiên vào lớp 10?

Chủ Nhật, 28/05/2017, 08:45
Ngày 9-6 tới, có khoảng hơn 76 nghìn thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thi vào lớp 10 các trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội; trong đó, các trường công lập chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh khốc liệt chủ yếu tập trung vào các trường có uy tín; có trường, tỷ lệ "chọi" lên tới 1/3 (tức là cứ 3 em thì mới có 1 em trúng tuyển). 

Với tỷ lệ "chọi" cao như vậy, thì hơn kém nhau 0,25 điểm cũng là một vấn đề. Biết trước điều đó, một số phụ huynh học sinh đã tìm giải pháp "chắc chân" là chạy các điểm ưu tiên cho con...

Theo sách "Những điều cần biết về tuyển sinh vào lớp 10 THPT TP Hà Nội năm học 2017 - 2018", ngoài việc được cộng thêm điểm rèn luyện học tập trong 4 năm cấp 2; điểm ưu tiên đối với con các đối tượng chính sách, cha mẹ là người dân tộc thiểu số, sinh sống học tập tại các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn… thì còn có khá nhiều các trường hợp được cộng thêm điểm như cộng điểm đối với học sinh đoạt giải các môn văn hóa, khoa học kỹ thuật, gồm: Đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa (giải nhất cấp tỉnh cộng 2 điểm; nhì cộng 1,5 điểm, ba cộng 1 điểm); Giải văn nghệ, thể thao, bao gồm các giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành Giáo dục và đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THCS (giải nhất 2 điểm; nhì 1,5 điểm, ba 1 điểm); học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp THCS (giỏi cộng 1,5 điểm, khá 1 điểm, trung bình 0,5 điểm)…

Nguyện vọng 1 thi vào lớp 10 các trường công lập là rất cao. Ảnh minh họa.

Như vậy, diện được ưu tiên cộng điểm là khá rộng và đa dạng. Một số phụ huynh học sinh khi được hỏi đều cho rằng, ngành Giáo dục quy định ưu tiên cộng điểm cho một số đối tượng học sinh là cần thiết, qua đó nhằm động viên các em trong quá trình học tập cố gắng phấn đấu vươn lên, đồng thời khuyến khích việc rèn luyện thể chất và các môn năng khiếu cho học sinh… Song, dư luận cho rằng, chủ trương cộng điểm ưu tiên đã bị lợi dụng, hình thành đường dây "chạy" giải nhằm tạo lợi thế trong cạnh tranh vào các trường THPT công lập?

Anh T.M., trú tại quận Đống Đa, TP Hà Nội có con đang học lớp 9 tại một trường THCS tại quận Hai Bà Trưng. 

Lớp con anh T.M. có gần 50 học sinh thì có khoảng 7 em được cộng điểm ưu tiên. Theo anh T.M., không phải tất cả các trường hợp được cộng điểm ưu tiên là có tiêu cực; nhưng những trường hợp đạt giải do phụ huynh học sinh "quan hệ", "mua giải" không phải là hiếm. 

Bản thân các cháu học sinh cũng có thể phân biệt được bạn nào được bố mẹ "mua giải", bạn nào không. Bởi, có những em không có tên trong đội tuyển của trường (trừ trường hợp tự đăng ký thi trên mạng internet), nhưng cuối cấp, vẫn xuất trình giấy chứng nhận đạt giải này, giải kia? 

Có rất nhiều giải được cộng điểm, nhưng có những giải mà chính các em học sinh cũng chưa nghe thấy hoặc được nhà trường thông báo. Ví dụ như  thi giải toán trên máy tính cầm tay, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn… 

"Chạy" giải thể thao được một số phụ huynh cho là "vô thưởng, vô phạt" nhất, tức là nó an toàn, ít bị ngành chức năng "soi". Có em, không nằm trong đội tuyển thể thao của trường, không tập luyện môn thể thao đó cũng đạt giải nhì, giải ba thể thao?

Vẫn theo anh T.M., thì anh đã thử đặt vấn đề "mua" huy chương thể thao cho con để xem "họ diễn" như thế nào, và đã được ra giá từ 15 đến 20 triệu đồng, tùy giải cao hay thấp. Thường thì, các giải về thể thao dễ "chạy" hơn các giải về văn hóa. Nhưng anh T.M. đã không mua giải cho con, vì muốn con thi vào trường nguyện vọng 1 theo đúng thực lực. 

Suy nghĩ của anh T.M. cũng là suy nghĩ của rất nhiều bậc phụ huynh khác. Vì con đường học tập của các con còn ở phía trước, nếu các con biết được kết quả học tập có thể mua bán được, các con sẽ có những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của chính các con sau này. 

Để có thông tin nhiều chiều, chúng tôi dẫn câu chuyện này để hỏi một cô giáo đang dạy tại một trường PTTH ở quận Đống Đa (TP Hà Nội) thì được cô giáo này trả lời "...chuyện này đã xưa lắm rồi...".

Qua dư luận nêu trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là ngành Giáo dục cần thanh kiểm tra các giải trong diện được cộng điểm ưu tiên có đúng với thực lực, thực tế hay không. Nếu phát hiện có tiêu cực, cần hủy ngay kết quả thi đối với các em vi phạm, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, vì hành vi này có dấu hiệu của tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" phải xử lý theo qui định của pháp luật.

Theo chúng tôi, ngoại trừ  giải các em thi trên mạng, còn lại các giải khác các em phải nằm trong đội tuyển của nhà trường, được nhà trường bồi dưỡng kiến thức trong một thời gian nhất định, có trong danh sách được cử đi thi của Nhà trường. Đối với các em đạt giải thể thao thì phải có một quá trình tập luyện nhất định, chứ thành tích không thể từ trên trời rơi xuống được.

Nếu không có những quy định cụ thể để kiểm soát, thì rất có thể một chủ trương tốt sẽ bị lợi dụng, làm mất đi tính công bằng giữa các thí sinh. Đồng thời, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục; tạo ra sự gian dối trong thi cử, tạo hình ảnh không tốt cho các em học sinh đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách.

Đào Minh Khoa
.
.
.