Chuyện học ở vùng rốn lũ Hương Khê

Thứ Tư, 09/11/2016, 11:18
Trong hai đợt lũ vừa qua, mảnh đất Phương Điền, Phương Mỹ và nhiều địa phương khác trong vùng rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh) nước ngập trắng trời. Những con sông tràn nước hòa lẫn vào từng nóc nhà. Nhà trường phải đóng cửa, học sinh phải theo cha mẹ, ông bà chạy đi tránh lũ. Sự nghiệp đeo đuổi con chữ vốn vất vả nay lại càng gian khó hơn.


Phải đến tận sáng thứ 2 đầu tuần, ngày 7-11, ngôi trường Trung học cơ sở (THCS) Phương Điền mới mở cửa trở lại sau gần 4 tuần phải đóng cửa tính trong cả hai đợt lũ vừa qua. Thầy và trò của trường rạng ngời, phấn khởi được gặp lại nhau trên lớp học sau nhiều ngày xa cách. “Trong những ngày lũ vừa qua, gia đình em phải chuyển lên khu tái định cư tránh lũ của xã để ở tạm. Nay em và các bạn có thể đến trường để tiếp tục việc học, chúng em thấy rất vui”, em Nguyễn Thị Hoa, học sinh khối lớp 7 chia sẻ.

Phương Điền là một trong những xã nằm ở vùng hạ du, vùng thấp nhất của huyện Hương Khê nên khi lũ rút, nước ở các địa bàn khác sẽ dồn và đọng lại toàn bộ ở đây. Vì vậy, trong đợt lũ lần 2 bắt đầu từ ngày 1-11, xã Hương Trạch – địa phương gần nhất với thủy điện Hố Hô chỉ phải hứng chịu lũ trong khoảng gần 2 ngày, rồi sau đó, nước rút và dồn về toàn bộ khu vực xã Phương Điền, Phương Mỹ và đọng lại ở đây những 6 ngày.

Học sinh Trường Tiểu học xã Hương Trạch nhận quà cứu trợ.

Sống trong cảnh lũ, khi bốn bề xung quanh là nước, tính mạng tài sản còn bị đe dọa, thì chuyện học hành phải gián đoạn cũng là việc không thể tránh khỏi. Từ sáng 1-11, lũ chia cắt hầu hết các xã trên địa bàn nên 59 trường (mầm non, tiểu học, THCS) với 27.000 học sinh phải nghỉ học, ảnh hưởng đến tiến độ chương trình học chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.

Trường THCS Phương Điền có tổng cộng 182 học sinh. Do đặc điểm của địa phương vùng lũ, học sinh của xã Phương Mỹ ở sát bên cạnh phải học chung ở ngôi trường của xã Phương Điền. Trao đổi với phóng viên Báo CAND ngày 7-11, cô Phan Thị Thúy Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Điền cho biết, trong đợt lũ vừa qua, có 72 gia đình các em học sinh ở xã Phương Mỹ bị ảnh hưởng, trong đó có đến 58 gia đình bị ngập nặng.

Do đặc điểm trường học của hai xã miền núi gộp lại làm một nên có nhiều học sinh phải di chuyển gần 15km đến trường. Đường sá ngày thường đi lại còn vất vả, nay lũ về, với sự phân tán học sinh như vậy, việc đến trường của các em là không thể. Hơn nữa, mùa lũ về, nước chảy siết, di chuyển bằng xuồng cũng vô cùng nguy hiểm cho tính mạng của các em. Vì vậy, chuyện gieo con chữ đành phải gián đoạn theo con nước.

Những phần quà giúp các em yên lòng hơn khi ngồi trên ghế nhà trường.

Cô Phan Thị Thúy Ngân, Hiệu trưởng Trường THCS Phương Điền cho biết thêm: “Trong hai đợt lũ vừa qua, Trường THCS Phương Điền phải dừng công tác dạy và học mất hơn 3 tuần. Hiện tại, chương trình học của các em bị chậm mất 16 buổi so với khung chương trình chung. Bắt đầu từ ngày 7-11, khi khôi phục việc dạy và học, nhà trường chúng tôi đã đề ra chương trình công tác, tổ chức học bù cho các em để đuổi kịp tiến độ”.

Cùng chung hoàn cảnh với Trường THCS Phương Điền, trường Tiểu học Phương Điền cũng phải tạm ngừng công tác dạy và học nhiều ngày. Vì vậy, để phục vụ cho việc tổ chức học bù cũng như tạo điều kiện cho các em học sinh ở xa, ngay trong buổi trưa 7-11, Trường Tiểu học Phương Điền cũng đã tổ chức lại bếp ăn bán trú cho các em. Theo đó, cả trường có 50 suất ăn bán trú trong một buổi, một tuần tổ chức 4 buổi.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ngày 7-11, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Điền cho biết, trong đợt lũ lần 2 vừa mới xảy ra, có 40 gia đình của các em bị ngập.

Do chủ động ứng phó với lũ lụt nên chương trình học của trường triển khai trước đó cũng không bị chậm nhiều so với khung chương trình chính thức. Vì vậy, hiện tại, nhà trường cũng triển khai phương án dạy bù cho các em học sinh vào chiều thứ 7 hằng tuần nên cũng sẽ nhanh chóng theo kịp chương trình.

Cô Phan Thị Anh cho biết thêm, trong đợt lũ vừa qua, mỗi em học sinh được Nhà nước hỗ trợ 15kg gạo. Bên cạnh đó, đại đa số gia đình học sinh đã khó khăn, nay có lũ lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, bữa ăn bán trú của các em cũng phải khắc phục rất nhiều. Trong hoàn cảnh như vậy, sự quan tâm, chung tay giúp đỡ của của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có tấm lòng thơm thảo sẽ là điều rất cần thiết, giúp các em yên lòng hơn khi ngồi trên ghế nhà trường.

Cảnh Vũ – Trần Xuân
.
.
.