Chuyện chưa kể về cậu học trò trường làng đạt giải 3 tại Mỹ

Chủ Nhật, 21/05/2017, 08:18

Sáng 20-5, tin vui đến với Quảng Trị và cả nước, cậu học trò trường làng Phạm Huy đã vinh dự đoạt giải Ba cuộc thi Khoa học- Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) được tổ chức tại Califonia (Mỹ), với sản phẩm cánh tay robot cho người khuyết tật.

Báo chí đã đăng tải nhiều thông tin việc em tham gia kỳ thi, trong đó có diễn biến khá “gay cấn” như việc em đến phút cuối mới được Đại sứ quán Mỹ đồng ý cấp visa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều ít ai biết về cậu học trò đặc biệt này.

Huy là con một gia đình nông dân ở vùng quê thuần nông xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, Quảng Trị... 
Huy với thầy giáo hướng dẫn và sản phẩm cánh tay robot của mình.

Hàng ngày đến trường ngang qua mảnh đất Thành cổ một thời chiến tranh đổ nát, cậu học trò chứng kiến những người lính trở về thăm lại chiến trường xưa, khói khói nhang cho đồng đội, có không ít người thân thể không còn vẹn nguyên. 

Người mất đi cánh tay, người cụt chân ngang tới bẹn. Những hình ảnh bi thương ấy cứ ám ảnh cậu, kể cả những giờ học trên lớp lẫn lúc về nhà. “Người cụt chân thì còn có thể đi lại bằng nạng và chân giả, nhưng người mất tay thì rất khăn trong cuộc sống sinh hoạt. 
Cánh tay robot do Huy sáng chế.

"Từ đó, em trăn trở suy nghĩ, tìm tòi với mong muốn chế tạo được cánh tay giúp họ bớt phần nào khó khăn”, cậu học trò trường làng thổ lộ.

Trước lúc bước vào lớp 9, Huy dành cả kỳ nghỉ hè thực hiện ước muốn của mình. Với lợi thế ba em có tiệm sửa chữa xe máy, suốt ngày em nhặt nhạnh những ốc vít, Ic, dây, bình điện để chế tạo ra một cánh tay robot. 

Khi lên cấp 3, với thành tích học tập xuất sắc, Huy được chọn vào trường điểm của thị xã Quảng Trị, gần với làng quê của em. Thời gian này, em có điều kiện hơn để hoàn thiện nó bởi có những thầy cô giỏi để giúp em. Vậy là năm đầu tiên của cấp 3, em đã cho ra đời phiên bản đầu tiên cánh tay robot, tuy nó chưa được hoàn thiện lắm.
Em vinh dự đoạt giải 3 tại Mỹ.

“Tháng 8-2016, khi nghe nhà trường thông báo phát động cuộc thi sáng tạo Khoa học- Kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp, em mừng quá tìm đến thầy giáo Lê Công Long để trình bày ý tưởng của mình”, Huy bồi hồi nhớ lại. Được sự hướng dẫn của thầy Long, em bắt tay ngay vào nghiên cứu hoàn thiện tiếp các chi tiết. 

Tuy nhiên, để hoàn thiện nó đến mức tạm gọi là hoàn hảo, là một quá trình gian nan. Em kể: “Mình nghiên cứu rất kỹ về mặt lý thuyết rồi, nhưng khó nhất là tìm mua các mạch điện tử. Ở quê không có nên em đã phải đặt hàng chuyển từ Đà Nẵng ra. Riêng chi tiết phần vỏ cánh tay in 3D phải đặt từ TP.Hồ Chí Minh”.

Tôi hỏi Huy, việc nghiên cứu, chế tạo của em có tốn kém nhiều công sức và tiền của? Em cười hiền, trải lòng: “Dạ, tổng cộng chừng 2 đến 3 triệu đồng, nhưng số tiền đó với em là rất lớn. Do không có nhiều tiền nên mỗi lần gom góp chỉ mua mỗi thứ được một cái. Nhiều lúc lắp vào thử thì mạch điện cháy. Thế là phải đặt mua lại”.

Em có tự tin với sản phẩm của mình khi lần đầu tham gia cuộc thi toàn quốc? Huy không trả lời thẳng vào câu hỏi mà kể lại một kỷ niệm: “Hôm thầy trò em ra Phú Thọ tham gia cuộc thi toàn quốc, em lại gặp rắc rối, do mạch điện cánh tay robot bị cháy. Hôm đó, em và thầy thức trắng, làm lại nó mới có thể dự thi. Thi xong, em không nghĩ mình đoạt giải, mà chỉ với tâm trạng rất vui vì được tham gia thi toàn quốc. 

Nhưng không ngờ, chừng 10h trưa sau khi thi, Ban tổ chức gọi, yêu cầu chuyển bài thuyết trình sang tiếng Anh để tiếp tục thuyết trình lần nữa rồi viết tiếp báo cáo tóm tắt. Lúc đó, em cũng không nghĩ mình đoạt giải. Đến hôm sau khi tổng kết, tên mình bỗng được xướng trên sân khấu, tim em đập rộn ràng, hạnh phúc không tả được. Thầy và trò ôm nhau rất sung sướng”.

Cánh tay robot cho người khuyết tật của Huy, là một trong 8 đề tài của học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Intel ISEF tại Mỹ. Em vinh dự đoạt giải 3 trong số 1.700 học sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, Huy còn giành giải đặc biệt do một viện nghiên cứu Khoa học- Kỹ thuật của Mỹ trao tặng.

Thanh Bình
.
.
.