Chưa nên áp dụng đại trà chương trình mới ngay trong năm 2018

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:38
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể đang xin ý kiến nhân dân với nhiều điểm mới so với chương trình hiện hành. Tuy vậy, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về lộ trình thực hiện chương trình, đặc biệt là các điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện như cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Wellspring Hà Nội, người có nhiều năm gắn bó với giáo dục phổ thông xung quanh vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về dự thảo chương trình GDPT mới?

NGƯT Đặng Đình Đại: Điểm mới của chương trình GDPT mới là đã có những thay đổi so với chương trình hiện hành từ năm 2006 đối với bậc THPT. Chương trình cũng học được những cái hay ở chương trình GDPT của các nước phát triển. Đặc biệt là thay đổi về nhận thức, phương hướng đưa nền giáo dục Việt Nam phát triển theo hướng thích hợp với điều kiện của xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế.

PV: Theo ông, việc áp dụng chương trình ngay trong năm học 2018-2019 liệu có khả thi và phù hợp với điều kiện hiện nay không?

NGƯT Đặng Đình Đại: Theo tôi, nếu chương trình áp dụng đại trà từ năm 2018-2019 là khó có thể thực hiện được, còn áp dụng cho các lớp đầu cấp (lớp 6 và lớp 10) thì cũng sẽ rất khó khăn. Do đó, tôi nghĩ rằng nên thí điểm trước tại một số trường đã hội đủ các điều kiện tại một số tỉnh, thành.

Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại.

Còn lại toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông phải được tập huấn, chuẩn bị về nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất cho việc thực hiện đại trà. Thời điểm áp dụng nên chậm hơn 2018 một chút vì hiện nay vẫn chưa có chuẩn kiến thức của từng môn học, vẫn chưa định hình được SGK.

Trong khi đó, chương trình mới lại xuất hiện hàng loạt bộ môn mới hoặc những bộ môn truyền thống nhưng đã mang tên gọi mới. Đặc biệt là các trường sư phạm vẫn chưa có động thái nào cho việc thay đổi này. Nếu các trường sư phạm không đổi mới theo hướng này thì sẽ rất khó đáp ứng.

Nội dung, phương pháp cần được định hướng từ năm học 2017-2018 đối với lứa sinh viên mới tuyển với sự chỉ đạo cụ thể của Bộ GD&ĐT. Lứa này vào trường năm 2017, ra trường sớm sẽ vào 2020- 2021 thì mới kịp.

Trong khi đó, dự thảo chưa thể hiện rõ sự quan tâm đối với khối trường sư phạm đào tạo giáo viên. Do vậy, tôi cho rằng, chưa nên thực hiện đại trà vào năm 2018, kể cả chỉ với các lớp đầu cấp bởi nếu thực hiện ngay trong năm 2018 thì quỹ thời gian chuẩn bị quá hạn hẹp sẽ khó có thể làm tốt được.

PV: Một trong những mục tiêu khi xây dựng dự thảo chương trình GDPT mới là “vẽ” lại chân dung người học sinh trong thời đại mới. Theo ông, việc “vẽ” lại trong dự thảo đã phù hợp chưa?

NGƯT Đặng Đình Đại: Dự thảo hướng tới xây dựng chân dung người học sinh không phải là đồng nhất, duy nhất mà đã hướng tới sự đa dạng. Đây là nét tích cực, chú ý đến giáo dục cá thể chứ không còn rập khuôn như trước. Điều này thể hiện rõ ở các bậc học, cấp học, đặc biệt là cấp THPT, trong đó, tăng số lượng các môn học tự chọn, dựa trên năng lực bẩm sinh, định hướng nghề nghiệp của từng học sinh.

PV: Theo ông, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong dự thảo chương trình đã đậm hơn chưa hay vẫn đang mờ nhạt?

NGƯT Đặng Đình Đại: Chưa có chương trình học cụ thể của từng bộ môn nên chưa nói được gì nhiều. Tuy vậy, theo cách hiểu của tôi, giáo dục hướng nghiệp phải được thể hiện trong từng môn học.

Ngoại trừ các môn bắt buộc và môn lựa chọn bắt buộc, giáo dục nghề nghiệp phải được lồng ghép vào các môn học cụ thể. Khác với chương trình phân ban, đầu tiên dành hẳn một nội dung riêng cho giáo dục hướng nghiệp, sau đó thất bại, bị co lại và biến mất. Trong chương trình này, không còn giáo dục hướng nghiệp riêng biệt nữa.

Với việc phân như thế này, trong từng bộ môn, từng chương bài, giáo viên phải  định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, giáo dục hướng nghiệp cũng phải thể hiện rõ trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bởi qua các hoạt động này, năng lực của học sinh mới có cơ hội được bật ra. Tất nhiên, khi công bố cụ thể sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn, trong đó yếu tố quan trọng nhất để thực thi chương trình hiệu quả vẫn là đội ngũ giáo viên.

PV: Việc xuất hiện một số môn học mới, đặc biệt là các môn bắt buộc tự chọn sẽ gây xáo trộn như thế nào cho các trường trong việc sắp xếp lịch học và bố trí giáo viên, thưa ông?

NGƯT Đặng Đình Đại: Theo Dự thảo chương trình, ở bậc học định hướng nghề nghiệp môn bắt buộc tự chọn hoàn toàn mới là Mỹ thuật-Âm nhạc. Một số môn tuy mới nhưng có một phần nội dung cũ là Khoa học máy tính và Tin học ứng dụng, trước đây gọi là môn Tin học. Giáo dục kinh tế và pháp luật cũng là môn học được hình thành từ môn Giáo dục công dân và Công nghệ lớp 10; môn Thiết kế - công nghệ cũng gần giống môn Công nghệ ngày trước...

Do đó, việc thay đổi sẽ tương đối phức tạp đối với các môn tự chọn bắt buộc vì sẽ rất khó ổn định số học sinh, số lớp, đặc biệt là số giáo viên bởi số lượng học sinh đăng ký sẽ thay đổi theo từng năm. Ví dụ, năm nay môn học này được nhiều học sinh chọn nhưng năm sau cũng môn học đó, có thế chỉ có rất ít học sinh chọn. Riêng đối với các môn tự chọn không bắt buộc như Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 và nội dung giáo dục của địa phương sẽ rất khó thực hiện đại trà vì thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ 2.

Đó là chưa kể, thời lượng học môn Ngoại ngữ 2 chỉ có 60 tiết/năm liệu có kết quả không. Khi các trường không có giáo viên ngoại ngữ 2 chắc chắn sẽ thay bằng giáo dục địa phương. Điều này sẽ rơi vào tình trạng mang tiếng là tự chọn nhưng cuối cùng lại trở thành bắt buộc vì học sinh không có gì để tự chọn nữa.

PV: Việc xuất hiện thêm nhiều môn học mới sẽ nảy sinh thêm vấn đề đó là tăng biên chế giáo viên. Liệu biên chế giáo viên có bị  “phình to” ra trong khi đó, xu hướng hiện nay là đang muốn giảm?

NGƯT Đặng Đình Đại: Đây cũng là vấn đề cần tính tới, nhất là khi có những môn học tự chọn bắt buộc sẽ không có nhiều học sinh đăng ký hoặc số lượng học sinh đăng ký sẽ biến động theo từng năm nên để thực hiện phải cho các trường công lập một cơ chế mở để từng trường có điều kiện ký hợp đồng có thời hạn với giáo viên bị thiếu.

Việc giải quyết những giáo viên dôi dư do học sinh không có nhu cầu học bộ môn cũng sẽ là vấn đề nan giải mà các nhà quản lý giáo dục phải quan tâm giải quyết . Với tổng số tiết học trong 1 tuần là 30 tiết và với cách tính số giáo viên trên cơ sở tiết dạy như hiện nay, tôi cho rằng biên chế giáo viên các trường công lập không bị phình to. Nhưng sẽ có những môn dôi dư giáo viên và có môn thiếu giáo viên do học sinh lớp 11 , 12 chỉ cần học 3 môn trong các môn tự chọn bắt buộc.

PV: Theo ông, đối với các môn học có một phần mới, bài toán đào tạo lại, bồi dưỡng, thậm chí là thanh lọc giáo viên cần được giải quyết thế nào?

NGƯT Đặng Đình Đại: Tất cả các bộ môn truyền thống đều thay đổi về nội dung, phương pháp, cách đánh giá vì vậy giáo viên cần phải được bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ. Đặc biệt, giáo viên dạy giáo dục công dân phải dạy thêm kinh tế, giáo viên công nghệ cũng phải cập nhật thêm nhiều kiến thức, kỹ năng về thiết kế, do đó các giáo viên này cần được đào tạo lại.

Đặc biệt, các trường sư phạm cũng phải đi trước một bước và có kế hoạch tuyển chọn sinh viên các bộ môn này ngay từ năm học 2017-2018 để có thể chuẩn bị kịp đội ngũ cho các năm tiếp theo. Điều này sẽ tránh tình trạng đã xảy ra trong quá khứ như sử dụng giáo viên thể dục dạy cả môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh, giáo viên tiếng Trung chuyển sang dạy chính trị, giáo viên tiếng Nga chuyển sang dạy tiếng Anh...

PV: Ông nghĩ sao khi dự thảo chương trình GDPT mới quy định sau năm 2020 sẽ bỏ thi THPT quốc gia và việc xét tốt nghiệp sẽ được giao cho các trường?

NGƯT Đặng Đình Đại: Tôi cho rằng tiến bộ của dự thảo chương trình GDPT mới là tiến tới bỏ kỳ thi THPT quốc gia, giao cho các trường tự xét tốt nghiệp. Thực tế, điều này đã manh nha từ đầu những năm 1970 nhưng do nhiều ý kiến quá nên cuối cùng vẫn chưa thực hiện được. Việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiết kiệm được nhiều tiền của và công sức cho xã hội.

Thay vì phải tổ chức thi, học xong, các trường sẽ cấp giấy chứng nhận đã học xong lớp 12, hoàn thành chương trình phổ thông cho học sinh. Còn vào đại học, hãy để cho các trường ĐH - CĐ tự tuyển chọn bằng cách riêng của mình. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cần quản lý chặt điều kiện và chỉ tiêu tuyển sinh.

Tất nhiên, phương án tuyển sinh của các trường ĐH phải được Bộ GD&ĐT thông qua, có thể xét học bạ, có thể kiểm tra đầu vào. Đặc biệt, cần siết quá trình đào tạo bậc ĐH từ việc học, lên lớp cho đến khi tốt nghiệp, tránh tình trạng vào bao nhiêu ra bấy nhiêu như hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.