Xét tuyển ĐH-CĐ 2015:

' Chóng mặt' vì thí sinh nộp, rút hồ sơ

Thứ Năm, 13/08/2015, 16:00
“Hơn một nửa thời gian của đợt 1- xét tuyển ĐH-CĐ 2015 đã hết nhưng chúng tôi vẫn không nắm được cái gì! Không chỉ thí sinh bị động, mà cả nhà trường, đơn vị xét tuyển cũng bị động. Nhiều trường hợp thí sinh (TS) tới rút hồ sơ do không lượng được sức mình, nộp hồ sơ theo sở thích hoặc ảnh hưởng bởi “tâm lý đám đông”. Ông Trần Văn Châu, Phó trưởng Phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhận xét về thực trạng đang diễn ra trong công tác xét tuyển năm nay của trường.

“Vạ vật” qua đêm theo con đi rút hồ sơ

8 h sáng ngày 12/8, trước cửa phòng số 1.07 khu vực lầu 1, phòng đào tạo của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, nơi giúp thí sinh (TS) làm thủ tục xét tuyển ĐH-CĐ chật kín người. Trên khuôn mặt của TS và phụ huynh đều tỏ vẻ lo lắng. Do số lượng TS và phụ huynh tới một lúc quá đông, phòng Đào tạo yêu cầu, mọi người phải xếp thứ tự thành 3 hàng vào lần lượt. 6 cán bộ, thầy cô trực tiếp giúp các TS làm thủ tục.

Trong phòng nhỏ xíu chừng 15m², hồ sơ TS được xếp la liệt trên bàn, dưới cả sàn nhà. Bên ngoài, tại khu vực hành lang, cầu thang, rất nhiều phụ huynh đi theo con đang ngồi đợi trong tâm trạng mệt mỏi, có người ngồi nhai miếng bánh mì cho biết do nhà ở tỉnh xa nên phải đi từ rất sớm, chưa kịp ăn gì. “Khổ vì thi với cử!”- Chúng tôi nghe được không ít lời than phiền như vậy từ phụ huynh tại đây.

Anh Nguyễn Văn Tý, ngụ tại Đồng Nai, có con nộp hồ sơ Đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào trường này nói bức xúc : con tôi đạt 20 điểm, muốn vào ngành Sư phạm Anh văn. 10 ngày trước, tôi và cháu lên mạng cập nhật số liệu theo dõi bảng xếp hạng của các TS trên trang mạng của nhà trường. Hôm nay mới dám lên nộp hồ sơ, không biết khi nào mới kết thúc tình trạng hồi hộp và căng thẳng thế này!. ”.

Trong ngày 12/8 tại ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh đã có hơn 500 thí sinh tới làm thủ tục rút hồ sơ.

Hai mẹ con TS Đặng Thanh Tiền ( ngụ tại Tây Ninh) là một trong những TS tới đây sớm nhất. Chị Lê Thị Nhàn, mẹ TS này kể : “Nhà ở tận biên giới Tây Ninh, nên hai mẹ con đi từ 2 h sáng. Tới đây là 6 h sáng và chờ luôn trước cửa phòng đào tạo. Nộp giấy tờ xong, các thầy nói đợi tới 4h chiều nếu chưa rút được thì phải sáng mai”.

Chị Nhàn cho hay, con gái chị chọn ngành Sư phạm Anh Văn. Nếu tính Anh văn nhân đôi thì được 27 điểm. Tuy nhiên sau khi lên mạng thấy đã có tới 300-400 bạn có cùng nguyện vọng đạt trên 30 điểm trong danh sách nên sáng nay tới rút hồ sơ sang ĐH Sài Gòn. Chị Nhàn còn kể : “Thấy con năn nỉ quá nên tôi phải nghỉ làm lên thành phố theo nó rút hồ sơ. Tôi không đủ tiền đi thuê nhà nghỉ hay khách sạn ở thành phố. Tối nay mẹ con tôi sẽ “lòng vòng” trong bệnh viện Từ Dũ cho qua đêm, trông nhau nằm đỡ ở ghế đá, đỡ phải đi thuê khách sạn!!”.

Bị động trong công tác chuẩn bị

Ông Trần Văn Châu, Phó khoa đào tạo của trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh giải thích : “Nhà trường đã tạo điều kiện cho TS rút hồ sơ ngay trong ngày, tuy nhiên có TS 2-3 ngày mới rút hồ sơ được, thường do đánh mất biên lai thu lệ phí, không mang CMND, ghi sai tổ hợp bộ môn trong phiếu xét tuyển, hoặc nộp nhầm Phiếu xét tuyển bổ sung. Riêng những TS ở tỉnh lên, nhà trường ưu tiên trả hồ sơ trong ngày. Mấy ngày nay, phòng đào tạo làm việc tới 20 h tối để trả hồ sơ cho TS”.

Ngày 11/8 phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã phải làm việc tới 20 h tối để trả hồ sơ cho thí sinh.
Quá mệt mỏi thí sinh này tranh thủ ngủ trong thời gian đợi gọi tên vào rút hồ sơ.

Tính cho tới 16h 30 phút chiều 12/8, tại ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đã có hơn 500 TS xin làm thủ tục rút hồ sơ chuyển sang trường khác. Và tổng số TS xin rút hồ sơ khỏi trường này tới nay là 1000 hồ sơ.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng cho hay, số hồ sơ nộp vào tính tới nay đã là 10.000 hồ sơ, chỉ tiêu là 5.300, số TS tới xin rút hồ sơ cũng khá nhiều. Nhiều TS chỉ đăng ký 2 Nguyện vọng(NV), nguy cơ có khi lỡ mất cơ hội trúng tuyển vì NV 3, NV4 có thể đậu. Nhưng nhiều TS cho biết, không đăng ký hết 4 NV vì nếu có đậu ngành mình không thích thì cũng không mấy hào hứng học.

Riêng về việc chậm trễ trong công tác trả hồ sơ, một thầy giáo cho biết,  lần đầu xét tuyển như năm nay nên khó có thể nói sẽ suôn sẻ ngay, có những yếu tố khách quan nhưng một phần không nhỏ là do thực tế, công tác chuẩn bị chưa tốt, chưa có nhân sự chuyên trách cho công tác quản lý hồ sơ tối thiểu như trang thiết bị như kệ giá, hộp đựng hồ sơ phù hợp cũng chưa có. Cảnh hồ sơ rải khắp nền nhà, xếp quanh nơi ngồi của cán bộ làm thủ tục là phổ biến. Trong khi đó, chỉ cần có một cán bộ chuyên trách được hướng dẫn cơ bản cùng trang bị vài chiếc kệ, vài trăm hộp nhựa, sắp xếp theo tiêu chuẩn lưu trữ thì chậm lắm cũng chỉ 10 phút là trả được hồ sơ.

Việc chậm trong giải quyết thủ tục trả hồ sơ một phần theo ông Châu thừa nhận, phần mềm của Bộ GD-ĐT lúc được lúc không, chập chờn, có khi rớt mạng, thông tin của TS đã “up” lên rồi mà TS vẫn không truy cập được là vì vậy hoặc việc trả hồ sơ không thể nhanh hơn vì khi phần mềm của Bộ GD-ĐT “nhả” dữ liệu của TS ra thì TS mới  nộp qua trường khác được. Và rất nhiều trường hợp do TS không lượng được hết sức mình, không nghiên cứu trước các dữ liệu trên mạng của trường trước khi đem nộp hồ sơ xét tuyển.

Nộp theo sở thích trong khi việc rút hồ sơ có việc cắt dữ liệu thông tin về TS đã đăng ký với mạng của Bộ sẽ phải mất thời gian hơi lâu. Nên TS cân nhắc không nên rút vào ngày 19, 20. Tuy nhiên, thực trạng đang diễn ra thì dự báo, càng gần những ngày cuối đợt xét tuyển sẽ xảy ra tình huống tại các trường, đó là sẽ có một luồng hồ sơ “đi vào” và một luồng hồ sơ “tháo chạy”. Trong đó, số TS có điểm cao chuyển từ top trường cao hơn sẽ dồn về rất nhiều. Khi quá đông lượng TS tới rút hồ sơ sẽ khó khăn cho các trường, không bố trí nhân lực kịp.

Ghi nhận hiện tại TP Hồ chí Minh, một số trường đã có những cách khác nhau để tạo điều kiện cho TS chọn ngành, trường, có trường vừa bổ sung chức năng tra cứu theo ngành dành cho TS đăng ký xét tuyển vào trường. Theo đó, khi TS đã trúng tuyển ưu tiên 1 thì sẽ không xuất hiện ở các ưu tiên tiếp theo, hoặc rớt ưu tiên 1 nhưng trúng tuyển ưu tiên 2 thì thứ tự của TS đó sẽ không xuất hiện ở ưu tiên 3 và 4.

Tại  trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng vừa đưa vào sử dụng phần mềm lọc dữ liệu “TS ảo” hỗ trợ TS. Đồng thời trường này đã thực hiện việc gửi tin nhắn cho các TS tới rút hồ sơ nếu thấy khả năng điểm số khó có khả năng trúng tuyển.

Huyền Nga
.
.
.