Chọn nghề theo xu hướng thị trường hay năng lực bản thân?

Thứ Ba, 03/04/2018, 08:20
Trước mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng, bên cạnh những thắc mắc về quy chế thì những băn khoăn về hướng nghiệp như chọn trường như thế nào, chọn ngành gì dễ kiếm việc làm và có thể phát huy tối đa năng lực bản thân vẫn luôn là câu hỏi được nhiều thí sinh đặt ra.

Các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp cho rằng, chọn ngành nghề cần phải bám sát vào nhu cầu thị trường lao động song ngành học đó cũng phải phù hợp với năng lực bản thân thì mới dễ thành công.

Là chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tham gia nhiều buổi tư vấn cho thí sinh từ trong Nam ra ngoài Bắc, TS Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết: Năm nay, số lượng câu hỏi của thí sinh phần lớn tập trung vào lĩnh vực đang thu hút nhiều lao động như kinh tế, tài chính, du lịch, kỹ thuật, thương mại, ngôn ngữ. 

Theo TS Hà, thực tế cho thấy, chọn ngành nghề cần xem thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ chọn nghề theo thị trường không thôi thì dễ rơi vào tình cảnh của những người làm nông nghiệp là “được mùa, mất giá”. 

Nói cách khác, chỉ chọn theo thị trường thì sẽ có nhiều người cùng lao vào học và sau 4 năm học nguồn lực sẽ bão hòa, thậm chí dư thừa nên cơ hội việc làm sẽ khó, cần cẩn trọng. 

“Quan trọng nhất vẫn là thí sinh phải xác định được năng lực, tố chất và tính cách của mình. Vì những điều này sẽ theo các em lâu dài và giúp các em có thể chuyển đổi nghề nghiệp dễ dàng sau khi ra trường, kể cả trong trường hợp các em không kiếm được việc làm phù hợp với ngành học mà mình tốt nghiệp”-TS Hà chia sẻ.

Các cán bộ tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ảnh minh họa.

Lưu ý với thí sinh về việc chọn trường và chọn ngành, TS Phạm Mạnh Hà cho rằng: Hiện có rất nhiều trường và chuyên ngành khác nhau thì đầu tiên các em hãy chọn trường có truyền thống và chọn ngành đặc sắc nhất trong trường để có kinh nghiệm đào tạo. 

Bên cạnh đó, chọn trường có điều kiện trải nghiệm nghề nghiệp bởi nhiều khi vào trường ĐH rồi mới phát hiện mình có hợp với ngành nghề này hay không. Trong khi đó, đối với những trường có đào tạo theo hướng bằng kép, song bằng hay đào tạo tín chỉ sẽ cho phép các em chuyển đổi ngành nghề ngay trong trường và điều này sẽ hạn chế được việc chọn sai. 

“Khi chọn ngành, cũng cần phải xem ngành đó có phải là mục tiêu mình theo đuổi hay không. Thực tế cho thấy, ngành càng chuyên sâu bao nhiêu thì cơ hội xin việc hay chuyển đổi nghề nghiệp sẽ càng khó hơn, phức tạp hơn. 

Còn nếu ngành quá rộng, làm gì cũng được nếu sau này các em không biết mình làm cái gì thì cũng nguy hiểm. Do vậy, tối ưu nhất vẫn là chọn ngành đảm bảo vừa có tính chuyên sâu, đồng thời vừa có độ mở để khi cần có thể chuyển đổi nghề dễ dàng”- TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.

Cũng theo TS Phạm Mạnh Hà, hiện có một số ngành học được xã hội đánh giá có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường như nhóm ngành nông-lâm-ngư song chưa được phụ huynh và học sinh quan tâm. 

Thực tế cho thấy, trong các đợt tuyển sinh những năm trước, thí sinh vẫn  rất thờ ơ với ngành học này. Tuy nhiên, đây lại là ngành học có rất nhiều cơ hội kiếm việc làm bởi Nhà nước đã và đang đầu tư rất lớn vào ngành này để thúc đẩy sản xuất. 

Theo phân tích nhu cầu lao động đến năm 2020, nguồn nhân lực trong ngành nông - lâm - ngư sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa hay trên rừng mà chỉ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất với thu nhập tương đối cao. 

Ngoài ra, xây dựng cũng là một trong những ngành vẫn tiếp tục thu hút lao động. Đặc biệt, đây cũng là ngành không cần sự quen biết để xin việc, do đó, ngành học này rất phù hợp đối với những thí sinh không có điều kiện về kinh tế, quan hệ xã hội nhưng có đam mê và học lực khá.

Nhóm ngành kỹ thuật và kinh tế cũng được nhiều chuyên gia dự đoán có nhu cầu công việc cao. 

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách Khoa Hà Nội, thực tiễn tại trường ĐH Bách Khoa những năm gần đây cho thấy, một số ngành dù không được coi là “hot” như kỹ thuật dệt, công nghệ may, kỹ thuật vật liệu kim loại... lại thu hút thị trường nhân lực chất lượng cao, có nhu cầu tuyển dụng nhân lực lớn. Bằng chứng là nhiều sinh viên của ĐH Bách Khoa học những ngành này đã được các công ty, đối tác đề nghị tuyển dụng ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Mặc dù hiện nay nhiều thí sinh có xu hướng “né” các ngành xã hội vì cơ hội việc làm sau khi ra trường ít, tỷ lệ thất nghiệp nhiều. Tuy vậy, lãnh đạo của nhiều ngành xã hội cho biết, hiện vẫn có một số ngành xã hội đang khan hiếm nguồn nhân lực và có thu nhập khá cao. 

Theo TS Đinh Việt Hải, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, một số ngành xã hội có nhiều triển vọng về việc làm trong các năm tới như ngành Quốc tế học, Đông phương học, Việt Nam học, Du lịch, Văn hóa… 

Đây cũng là những ngành mà xã hội hiện đang rất cần nhân lực có chất lượng vì đa số thí sinh giỏi đều có ý định theo học các ngành kinh tế, tài chính-ngân hàng… 

Do đó, nếu có niềm đam mê ngành và có năng lực học tập tốt, chắc chắn sinh viên ra trường sẽ được có việc làm như mong muốn.

Huyền Thanh
.
.
.