6 câu hỏi về giáo dục ngoài công lập Hà Nội chưa được trả lời thoả đáng

Thứ Sáu, 06/07/2018, 19:06
Trong buổi chiều làm việc cuối cùng, ngày 6-7, kỳ họp HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã tiếp tục chất vấn về vấn đề quản lý các cơ sở giáo dục tư thục và chăm sóc sức khỏe trẻ em. 



Tuy nhiên, tất cả các 6 câu hỏi của đại biểu đều không được trả lời thoả đáng dù vấn đề giáo dục hiện được rất nhiều cử tri đặc biệt quan tâm, tác động đến đời đời sống người dân và đang có nhiều tồn tại cần khẩn trương khắc phục…

Theo đại biểu Vũ Mạnh Hải, qua giám sát của ban văn hóa-xã hội, nhận thấy có một số chủ, giám đốc chưa thực hiện đúng quy định về việc báo cáo thay đổi với cơ quan quản lý giáo dục địa phương, có trường hợp chuyển nhượng lớp học tư thục nhưng không điều chỉnh hồ sơ, không báo cáo các cấp quản lý, có nơi cấp quản lý không biết hoặc biết nhưng làm ngơ, vậy Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có biện pháp xử lý vấn đề này như thế nào?

Các đại biểu chất vấn lãnh đạo TP về quản lý sơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, theo phân cấp quản l‎ý, UBND cấp quận huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình, ngăn chặn tình trạng nêu trên. 

Sở cũng đề nghị các đơn vị theo phân cấp quản lý cần công khai tên các nhóm trẻ, công tác quản lý, chủ các nhóm trẻ và danh tính nhóm trưởng trên website, phương tiện thông tin đại chúng để người dân tham gia giám sát; hiện đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, chặt chẽ, quyết liệt với những trường hợp sai phạm. 

Theo ông Dũng, hiện 100% các trường, nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép khi có đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo quy định. Về cơ bản, các trường mầm non có đội ngũ giáo viên ổn định, được đóng bảo hiểm y tế. 

Tuy nhiên, tại một số khu đông dân cư, các trường công lập chưa đáp ứng hết nhu cầu học tập của trẻ em. Các chủ đầu tư, các khu xây dựng cao tầng chưa xây dựng các trường như cam kết ban đầu. Do đó các nhóm lớp tư thục phát triển để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh với phần nhiều là con em công nhân, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì đội ngũ giáo viên. 

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng thừa nhận, do phân cấp “tại các địa phương, đâu đó việc thẩm định vẫn còn sự coi nhẹ, nể nang” và Sở không thể kiểm tra được hết. Ông Dũng đề nghị UBND quận, huyện cần vào cuộc quyết liệt hơn…

Về câu hỏi hiện trên địa bàn Thủ đô còn thiếu 314 trường công lập. Hà Nội có 477 trường tư thục thì 386 trường phải đi thuê, mượn địa điểm, hoạt động chỉ được tạm thời, không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Trong số các trường này có không ít giáo viên không đạt chuẩn giáo dục, quan điểm của Sở như thế nào về vấn đề này? 

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, từ mầm non tới các trường phổ thông theo đúng biên chế, giáo viên hợp đồng, tư thục đảm bảo công khai đều đạt chuẩn. Cá biệt, rất ít các trường hợp có đội ngũ giáo viên chưa qua đào tạo, không đạt trình độ xuất hiện tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tuân (Tổ Tây Hồ về việc kiểm định chất lượng 71 trường ngoài công lập được công khai và xử lý như thế nào, Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin, đến nay, Sở đánh giá được 35 trường ở mức độ 1,2,3. Các trường cơ bản đạt được một số tiêu chí cứng. Sở GD&ĐT xin tiếp thu về việc còn chậm và cam kết triển khai tốt hơn công tác kiểm định và công khai nội dung này trên website của Sở.

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng trong phần trả lời chất vấn

Tất cả các đại biểu tham gia chất vấn đều chưa hài lòng với phần trả lời của Giám đốc Sở GD&ĐT. 

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề bạo hành, lạm dụng trẻ em xuất hiện ở một số trường học… Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời các băn khoăn của đại biểu đầy đủ bằng văn bản trong thời gian 20 ngày theo quy định. 

Liên quan đến câu hỏi một số trường không có giáo viên, chuyên viên ngoại ngữ, ông Chử Xuân Dũng cho biết: "Về nội dung liên kết, bổ trợ, Sở đã có hướng dẫn cụ thể về hướng dẫn thẩm định giáo trình, dạy bổ trợ cho các đơn vị.

 Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thẩm định nội dung giáo trình, các đơn vị trung tâm ngoại ngữ triển khai các nội dung dạy bổ trợ, nâng cao năng lực nghe và nói cho học sinh. Các nhà trường xây dựng đề án thông qua phòng Giáo dục và Đào tạo để đáp ứng cha mẹ học sinh theo đúng quy trình". 

Tuy nhiên, có trường hợp đơn vị sau khi cấp phép giao trắng việc đó cho đơn vị đối tác, nhà trường chưa đi sâu vào việc quản lý chặt chẽ. Vì thế, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần tăng cường hơn nữa vai trò trách nhiệm hiệu trưởng các đơn vị. 

Diệp Linh
.
.
.