NV1 trước giờ G: Nơi bội thu, nơi đợi chờ hiu hắt

Thứ Tư, 19/08/2015, 18:32
Không khí tại các trường thuộc tốp trên đang căng như dây đàn vì lượng thí sinh tới nộp, rút hồ sơ liên tục thì ngược lại, nhiều trường ĐH ngoài công lập vẫn chỉ nhận được một lượng hồ sơ rất ít ỏi.

Chơi vơi cuối dòng xét tuyển

Nhiều trường ĐH vẫn phải túc trực từ sáng đến chiều để giải đáp thắc mắc của thí sinh, phụ huynh về vấn đề tuyển sinh năm nay. Từ sáng sớm, những ngày cuối đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1, rất nhiều thí sinh, phụ huynh đi rút hồ sơ. Nhiều thí sinh điểm rất cao vẫn rút hồ sơ.

Tại trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh trên 20 điểm, thậm chí đang đứng ở vị trí an toàn vẫn rút hồ sơ ra. Anh Tây Sơn, có con thi với tổ hợp môn lên đến 24.25 điểm vẫn rút hồ sơ, bởi chưa an tâm với lý do: “rút hồ sơ ra cho chắc ăn! Đến ngày cuối rồi tính tiếp!”. Mặc dù khi rút hồ sơ, anh và con trai vẫn chưa nghĩ là rút về trường nào.

Thí sinh vẫn tấp nập nộp, rút hồ sơ tại ĐH KHXH&NV.

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh đưa ra khuyến cáo: “Những thí sinh có số điểm ở mức an toàn nên xem xét lại có nên rút hồ sơ hay không, đừng cứ thấy ai rút hồ sơ là rút theo. Theo như thống kê, điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng ở một số ngành của trường sẽ tăng như Báo chí sẽ lên 26 điểm, Quan hệ quốc tế 23.5, Tâm lý học 25.5, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành 24… những thí sinh ở ngành này nên xem xét thật kỹ lưỡng trước quyết định rút hồ sơ, vì đa số những thí sinh đều có điểm khá cao.

Một trường hợp tại ĐH Ngoại thương – cơ sở 2, thí sinh Thùy Linh đăng ký vào ngành Kinh tế đối ngoại với số điểm 25.5, tuy ở mức ổn nhưng vẫn chưa an tâm nên chọn rút hồ sơ vì nghĩ ngày tiếp theo sẽ có nhiều thí sinh khác điểm cao hơn nộp vào. Thùy Linh sẽ chọn những ngành mình thích của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh với số điểm cho rằng phù hợp.  

Trường ĐH Ngoại thương – cơ sở 2, tuy chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 900 thí sinh, với điểm chuẩn tổ hợp điểm để xét tuyển các khối A, A1, D1, D6 đều trên 20 điểm. Những ngày cao điểm cuối của đợt xét tuyển NV1 bỗng trở nên vắng lặng vì thiếu thí sinh nộp và rút hồ sơ ở một số ngành. Tại trường ĐH Nông Lâm, với chỉ tiêu lên đến 5.300 thí sinh  nhưng với phổ điểm điểm chuẩn dự kiến từ 19 – 20 điểm vẫn không thu hút được số lượng đông thí sinh. Nhất là những ngành Bản đồ học, Nông nghiệp, Chế biến lâm sản, Phát triển nông thôn.

Ghi nhận trên cho thấy, nhiều thí sinh tới phút cuối vẫn chưa xác định được vị trí của mình đứng đâu, nộp vào nơi nào phù hợp, dự báo tới phút chót đợt xét tuyển sẽ còn nhiều “biến động” cho công tác tuyển sinh.

Trường ngoài công lập vẫn ngóng chờ thí sinh

Chiều 19/8, khu vực tư vấn, tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 của Đại học dân lập Văn Lang vắng vẻ, thí sinh tới khá thưa thớt, mặc dù nhà trường đã dành hẳn một tầng cho công tác xét tuyển, bàn tư vấn luôn sẵn sàng đón chào thí sinh. Tới thời điểm này, nhà trường đã nhận khoảng 1.900 hồ sơ trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.200. Chắc chắn, trường vẫn sẽ phải tiếp tục tuyển sinh các nguyện vọng bổ sung.

Ngoài một số ngành “hot” có số hồ sơ gần đạt mức chỉ tiêu như Ngôn ngữ Anh, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa… thì rất nhiều ngành khác, số hồ sơ chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ so với chỉ tiêu, như ngành Kỹ thuật Nhiệt tuyển 80 chỉ tiêu nhưng mới nhận được 14 hồ sơ; ngành Kỹ thuật phần mềm tuyển 150 chỉ tiêu mới chỉ có 47 hồ sơ đăng ký xét tuyển; ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường tuyển 150 chỉ tiêu mới có 19 hồ sơ; ngành Kỹ thuật công trình xây dựng tuyển 200 chỉ tiêu mới có 30 hồ sơ…

Thí sinh tới nộp hồ sơ xét tuyển tại ĐH Văn Lang thưa thớt.

Một số ngành trước đây vẫn được coi là “top” như Kế toán, Tài chính ngân hàng… cũng nhận được rất ít hồ sơ: Ngành Kế toán mới nhận được 89 hồ sơ trên 250 chỉ tiêu; ngành Tài chính ngân hàng nhận được 59 hồ sơ/250 chỉ tiêu; ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nhận được 53 hồ sơ/150 chỉ tiêu…

Đại học Công nghệ TP.HCM cũng nằm trong tình trạng tương tự khi chưa có ngành nào nhận đủ hồ sơ so với chỉ tiêu. Theo số liệu được nhà trường cập nhật đến ngày 18/8, ngành nhận được nhiều hồ sơ nhất là Quản trị kinh doanh với 150 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của ngành này là 773.

Cá biệt, có một số ngành, số hồ sơ chỉ đếm trên đầu ngón tay như Kinh tế xây dựng: 2 hồ sơ; Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: 2 hồ sơ; các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất, Thiết kế thời trang cũng chỉ nhận được 5 hồ sơ; ngành Truyền thông đa phương tiện nhận được 6 hồ sơ; Tâm lý học, Kỹ thuật môi trường nhận được 9 hồ sơ…

Lãnh đạo một trường đại học ngoài công lập cho biết, khối các trường ngoài công lập luôn trong tình trạng tuyển sinh khó khăn, năm nay áp dụng kỳ thi mới dự kiến sẽ có thêm nhiều phức tạp. Thí sinh còn lưỡng lự với nhiều trường. Mặc dù số lượng thí sinh đăng ký vào các trường công lập đương nhiên sẽ đông hơn rất nhiều so với trường dân lập nhưng với số điểm dao động từ 15 – 16 điểm, thí sinh khó có cơ hội vào các trường công lập nên sẽ phải chọn các trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, năm nay, thí sinh biết điểm trước rồi mới nộp vào các trường vì vậy, nếu như những năm trước, nhiều trường CĐ tổ chức thi tuyển, đến thời điểm này đã có một số lượng khá thí sinh vào trường theo NV1. Thì năm nay một thực tế các trường ngoài công lập phải chấp nhận, là đành phải đợi đến tận tháng 11, sau khi hết thời gian cho các nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở các trường ĐH thì mới được các thí sinh chú ý đến.

Ngoài ra, năm nay có tới 198 trường ĐH tuyển sinh ĐH-CĐ bằng xét học bạ THPT nên nhiều thí sinh nếu không trúng tuyển vào ĐH bằng điểm tổ hợp các môn thì vẫn có thể trúng tuyển bằng việc xét học bạ.

Đây cũng là một yếu tố gây khó khăn thêm trong công tác tuyển sinh cho trường ngoài công lập năm nay. Dù các trường này năm nay đã đưa ra áp dụng khá nhiều cơ chế khuyển khích như học bổng, hỗ trợ học phí, ưu tiên… nhằm cố gắng “kéo” thí sinh về với trường mình.

H.Nga - T.Tùng - P.Minh
.
.
.