Xung quanh qui chế tuyển sinh 2015:

Kỳ thi tuyển sinh 2015: Chấp nhận điểm giao thời, thực tế sẽ điều chỉnh!

Chủ Nhật, 08/03/2015, 15:43
Những thắc mắc về diện mạo một kỳ thi tuyển sinh 2015 với phương thức “2 trong 1” của thí sinh rốt cục cũng được giải tỏa sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố quy chế tuyển sinh. Một điều nhận thấy rõ nhất là các yêu cầu đưa ra sát với thực tế, tạo thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh nhưng như ghi nhận từ nhiều ý kiến của phía các Nhà giáo và quản lý giáo dục tại khu vực phía Nam cho thấy, tất cả vẫn phải chờ thực tế chứng minh.

Thầy, trò không nhất thiết phải thay đổi cách dạy, cách học

Trước hết, từ những đóng góp dư luận trong thời gian xem xét bản dự thảo qui chế, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh thay thế thang điểm 20 bằng thang điểm 10, cho thí sinh mang Atlat vào phòng thi, qui định điểm liệt từ 2 chuyển thành 1; rồi qui định cho thí sinh được xét tuyển lần lượt 4 nguyện vọng với 4 giấy chứng nhận kết quả thi và yêu cầu trên giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch thì quy chế ban hành đã bỏ mã vạch, nguyện vọng 1 và 3 nguyện vọng bổ sung. Sự thay đổi này sẽ tạo điều kiện giảm ảo cho các trường cũng như hợp lý hơn hẳn những năm trước...

Tuy nhiên, sốt ruột nhất trong thí sinh và các giáo viên khối THPT hiện nay là nhiều điểm trong Quy chế tuyển sinh vẫn còn chưa sáng tỏ gây băn khoăn trong định hướng ôn thi cho thí sinh vì không nhìn ra cấu trúc đề thi ra sao, sẽ phân hóa theo mức độ từ dễ đến khó ra sao đánh giá năng lực của thí sinh.

Nội dung ôn thi trong chương trình lớp 12, nhưng cấu trúc cụ thể thì thầy trò các trường THPT cũng chưa biết.

Theo Ban giám hiệu của trường THPT Gia Định TP HCM cho biết, các thầy cô trường này chuẩn bị nhiều phương án ôn tập cho học sinh, nhằm tránh bỡ ngỡ cho học sinh.

Vừa mừng nhưng cũng vừa lo là tâm trạng chung của các HS khối 12 năm nay trước qui chế tuyển sinh mới.

Theo phân tích của một giáo viên( GV) dạy toán trường này, những năm trước, cấu trúc đề thi rất cụ thể về lượng kiến thức lớp 10, lượng kiến thức lớp 11 và lớp 12. Dựa vào đó, GV cho HS ôn tập cơ bản và ra đề nâng cao cho những HS khá, giỏi...

Năm nay do chưa cụ thể, nên thầy cô lo việc giảng dạy trên diện rộng để đảm bảo HS không bị học tủ...

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc –Hiệu trưởng THPT Nguyễn Thị Minh Khai còn đưa ra ý kiến, Bộ GD&ĐT nên cho một mẫu đề nào đó cụ thể để dựa vào đó, thầy cô có thể yên tâm hơn khi ôn tập cho HS.

Chiều ngày 8/3, PV báo CAND cũng kịp trao đổi với thầy Phan Đoàn Thái, Phó GĐ sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Bộ GD-ĐT ghi rõ đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, có nghĩa là trong đề thi vẫn có thể có chương trình lớp 10,11. Tuy nhiên, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Tôi nghĩ rằng đề thi được xây dựng với định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ của năm 2014 và các thí sinh có thể lấy trên mạng. Do đó các trường vẫn ôn tập cho học sinh các nội dung thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ như trước đây.

Và vì đây là kỳ thi hoàn toàn mới nên theo thầy Thái, giao thời phải chấp nhận, đúng-sai chưa thể khẳng định, cách tổ chức theo phương thức mới của 2015 là hay hơn những năm trước, vì thực tế nó sẽ chứng minh qua kiểm nghiệm của kỳ thi.”.

Do đó, theo thầy Thái, HS chỉ cần trả lời những câu hỏi đáp ứng các yêu cầu cơ bản là có thể đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT và các yêu cầu tương tự như kỳ thi ĐH, CĐ ở các năm trước để trúng tuyển vào ĐH,CĐ.

Để “chen chân” vào Đại học, cần lưu ý những gì?

Cũng theo thầy Thái, tuyển sinh năm 2015 cần lưu ý, đề thi sẽ tăng dần qua hàng năm các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở ở cả 4 mức độ với lộ trình từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, phù hợp với thực tiễn dạy học và chất lượng giáo dục. Và như vậy, Bộ không cần phải ra đề thi mẫu để các trường ôn tập.

Với các trường hợp, trước kỳ thi các em không đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ nhưng sau khi thi xong, vì một lý do nào đó, các em thay đổi ý định khi thấy khả năng của mình có thể đậu ĐH-CĐ, theo thầy Thái, các em dự thi tại cụm địa phương vẫn có cơ hội để vào học ở các trường ĐH, CĐ không sử sụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh, tuy nhiên, cơ hội vào học ĐH, CĐ của những em này sẽ hạn chế hơn những em thi theo cụm. Do mỗi trường ĐH được quyền tuyển sinh riêng theo đề án của trường.

Trao đổi với thầy Lê Tấn Long, giáo viên trường THPT Lý Tự Trọng, quận Tân Bình cũng cho biết, đây là lần đầu tiên ngành thực hiện kỳ thi “2 trong 1”.

Chắc chắn với HS yếu và trung bình phải nắm chắc kiến thức lớp 12 để đậu tốt nghiệp. HS khá giỏi thì kiểu gì cũng phải mở rộng và ôn lại kiến thức 10 và 11. Có như vậy mới chen chân vào các trường ĐH-CĐ.

Vấn đề cấu trúc đề thi ra sao, Bộ sẽ có tính toán liều lượng, mức độ phân hóa  phù hợp với tình hình vùng miền cả nước để có tỉ lệ tốt nghiệp phù hợp, và phân loại sâu.

Riêng Sở GD-ĐT TP HCM chắc sẽ cho nội dung ôn tập tốt nghiệp trong tháng 6. Với băn khoăn nếu đậu nguyện vọng 1 rồi mà không xét nguyện vọng bổ sung theo thầy Long sẽ buộc HS phải suy nghĩ kỹ với chọn lựa của mình, cũng như tạo điều kiện cho các trường chủ động trong việc tuyển sinh, tránh ảo và hạn chế cái cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” như các kỳ tuyển sinh trước.

Huyền Nga
.
.
.