Cảnh báo tình trạng bạo lực trong lứa tuổi học sinh

Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:42
Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra các vụ học sinh (HS) đánh nhau. Sáng 30-10, ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 21-10 xảy ra một vụ đánh nhau giữa hai nhóm HS khiến 2 HS trong nhóm bị thương phải nhập viện. 


Sự việc xảy ra vào tối 21-10, tại ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Nguyên nhân được cho là do mâu thuẫn trên mạng xã hội giữa M (học sinh lớp 11A3) với một học sinh cùng khối tên V. Hai HS này đã hẹn gặp nhau để giải quyết vào tối 21-10, nhưng khi đến địa điểm đã hẹn thì hai bên đều dẫn theo nhiều HS đi cùng, gồm cả một số học sinh khối 12 của Trường Marie Curie và một số học sinh các trường khác.

Sau khi cãi cọ, hai bên đã xảy ra mâu thuẫn, nhóm của V đã rượt đuổi và dùng hung khí chém vào mặt, tay 2 HS thuộc nhóm của M làm 2 HS này phải nhập viện điều trị.

Ông Nguyễn Đăng Khoa cho biết, sự việc xảy ra bên ngoài nhà trường, nhưng khi biết được thông tin trên, nhà trường đã chủ động trình báo với cơ quan Công an địa phương để xác minh làm rõ vụ việc. Hiện nhà trường đang chờ kết quả xác minh của cơ quan Công an, sau đó sẽ họp Hội đồng kỷ luật và xử lý những HS có liên quan theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Còn mới đây, một nữ sinh trên địa bàn quận Gò Vấp đã bị nhóm nữ sinh đánh hội đồng, cũng do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vì bị đe dọa nên nữ sinh này đã nói dối mẹ là bị té xe, chỉ khi đoạn clip ngắn quay lại sự việc bị đưa lên mạng, nữ sinh mới kể lại sự việc. Nữ sinh bị 2 nữ sinh khác tấn công liên tục vào mặt, vào đầu bằng nón bảo hiểm, bị đạp dã man vào người.

Nữ sinh Trường THCS-THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) bị đánh hội đồng.  (ảnh cắt từ clip).

Ngày 30-10, trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp) xác nhận có vụ việc trên xảy ra giữa các HS của nhà trường. Nguyên nhân vụ đánh nhau là do các em mâu thuẫn trước đó rồi hẹn nhau nói chuyện, sau đó đã ẩu đả nhau.

Theo ông Trường, vào ngày 25-10, phụ huynh có dẫn em N (học sinh lớp 11) đến trường và trình báo em N bị bạn cùng trường đánh. Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, Ban giám hiệu yêu cầu đưa em đi kiểm tra sức khỏe; đồng thời, nhà trường cũng yêu cầu phụ huynh trình báo sự việc lên Công an để điều tra.Vụ việc đã được báo cáo lên Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Trường đã cử giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp đến nhà nữ sinh bị đánh để động viên tinh thần em, chia sẻ với phụ huynh. Do có chấn thương ở mắt nên em HS này vẫn ở nhà theo dõi sức khỏe, chưa thể tới trường.

Với hai em nữ sinh đánh bạn, các em vẫn đi học bình thường, nhà trường đã cho hai em viết tường trình, kiểm điểm. Sau khi có kết qủa, công an xác minh, nhà trường sẽ có cuộc họp và đưa ra hình thức kỷ luật sau.

Chị Trần Thị Phương T. (mẹ của N) cho biết: “Cháu bị bạn đánh nhưng không dám nói với gia đình, đến khi xem đoạn clip trên mạng thì mới biết con gái bị các bạn đánh hội đồng. Con gái chị cũng cho biết, tâm lý của con bị ảnh hưởng nặng nề do những bạn đánh cháu và bị đe dọa là không được nói với ai, nếu nói thì còn bị đánh tiếp”.

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cho biết, phòng đã nắm thông tin vụ việc và báo cáo UBND quận. “Theo tôi, nạn bạo lực học đường hiện nay xảy ra ngày càng nhiều trong đó trước hết nói tới trách nhiệm của 3 bên: gia đình, nhà trường và xã hội. Hội nghị giao ban của ngành đều nhắc nhở các giáo viên, hiệu trưởng nhà trường luôn đề cao trách nhiệm trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, nên phải tăng cường triển khai công tác giáo dục tư tưởng học sinh”.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Thuỷ, trong nhà trường không có bác sĩ tâm lý. Vị trí một cán bộ chuyên trách về y tế, giáo viên tâm lý lâu nay ngành đề xuất nhiều lần mà không cho biên chế, không có cơ chế để tuyển người. Mỗi trường có 1 tổ công tác chịu trách nhiệm chăm sóc tâm lý cho học sinh nhưng hết sức hạn hẹp, mang tính kiêm nhiệm, không có người chuyên trách.

Tuy nhiên, trong công tác giáo dục đạo đức cho học trò phải phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường mới có hiệu quả. Gia đình cha mẹ phải nắm bắt được tâm lý con mình, thấy biểu hiện lạ, việc chơi với bạn bè, giao tiếp, có chuyện gì phải nắm bắt để cùng báo cáo phối hợp với nhà trường mà kịp thời ngăn chặn các xung đột (nếu có).

Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐTTP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng bạo lực học đường trên địa bàn thành phố thời gian qua đã giảm đáng kể, tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn xảy ra ở một số nơi.

Trước năm học, Sở có ban hành văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục và trường học tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh nhằm ngăn ngừa bạo lực học đường, không để xảy ra việc học sinh đánh nhau. “Hiện nay, các trường học không có biên chế giáo viên tư vấn tâm lý học đường, Sở đã nhiều lần đề nghị Bộ GD&ĐT cho tuyển biên chế vị trí này nhưng đến nay Bộ vẫn chưa cho tuyển”, bà Bùi Thị Diễm Thu cho biết.

H.Nga – Ng.Cảnh
.
.
.