Cẩn trọng, trách nhiệm trong thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6

Thứ Năm, 22/10/2020, 14:07
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn thành việc thẩm định vòng 1. Việc thẩm định vòng 2 đối với SGK lớp 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 và trung tuần tháng 11 đối với SGK lớp 6...

  • Thẩm định SGK: "Đông người nhặt thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi"
  • Chiều nay, Bộ Giáo dục công bố kết quả thẩm định SGK mới
  • Sẽ công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1 trong tháng 10


Để tránh những tranh cãi và sai sót đáng tiếc như đã từng xảy ra đối với sách giáo khoa (SGK) lớp 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, mở thêm “kênh” phản biện độc lập với Hội đồng thẩm định để tham khảo trước khi phê duyệt. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các Hội đồng, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng trong việc thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6.

Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, cho biết Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK lớp 2, lớp 6 chương trình giáo dục phổ thông mới đã hoàn thành việc thẩm định vòng 1. Việc thẩm định vòng 2 đối với SGK lớp 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 và trung tuần tháng 11 đối với SGK lớp 6. 

Cũng theo ông Nam, sau khi ban hành thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 2 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 2, Bộ GD&ĐT đã nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định của 4 NXB gồm NXB Giáo dục Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, NXB ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 2 và lớp 6 sẽ học SGK mới (ảnh minh họa).

Đã có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 2 đã được gửi về. Trong số này, môn toán có 4 bản mẫu, môn tự chọn tiếng Anh có 8 bản, các môn còn lại gồm Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, hoạt động trải nghiệm mỗi môn có 3 bản mẫu. 

Đối với SGK lớp 6, Bộ GD&ĐT nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó, trừ môn Tin học có 6 bản mẫu, Tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, các thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tiếp nhận và nghiên cứu độc lập các bản mẫu SGK trong 15 ngày. Trong quá trình thẩm định, các Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 lần lượt nghe đại diện nhóm tác giả SGK trình bày quan điểm, ý tưởng biên soạn, thảo luận, trả lời câu hỏi của hội đồng và trình bày các học liệu bổ trợ đi kèm SGK. Sau đó, các Hội đồng cũng nghe thành viên trình bày nhận xét về từng bản mẫu, thảo luận và thống nhất ý kiến về kết luận chung của hội đồng với từng bản mẫu SGK, bỏ phiếu đánh giá chất lượng từng bản mẫu. 

Việc thẩm định diễn ra không quá 5 ngày đối với một bản mẫu. Nguyên tắc thẩm định là chuẩn mực và dứt khoát về mặt chuyên môn, công khai, minh bạch, công bằng giữa các nhóm tác giả và không chịu tác động từ bên ngoài. Ông  Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cũng cho biết: 1/3 số thành viên của Hội đồng thẩm định SGK lớp 6 là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học ở cấp THCS. 

Chính vì thế, các thầy - cô giáo khi thẩm định cần mạnh dạn cho ý kiến để giúp hội đồng đưa ra các ý kiến thẩm định bản mẫu SGK xác đáng, phù hợp với thực tiễn dạy học và tâm lý lứa tuổi học sinh.

Rút kinh nghiệm từ việc thẩm định SGK lớp 1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã đặt ra các yêu cầu cụ thể đối với Hội đồng thẩm định SGK lớp 2 và lớp 6. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Hội đồng thẩm định cần tập trung kĩ càng trong việc đánh giá để đưa ra những sản phẩm chất lượng cao. 

Quá trình thẩm định càng nghiêm túc bao nhiêu, uy tín của Hội đồng càng tốt bấy nhiêu và sản phẩm SGK sẽ được xã hội trân trọng, ghi nhận. Thẩm định cũng phải gắn với tinh giản chương trình. Những ngữ liệu, nội dung kiến thức đưa ra phải thiết thực với hoàn cảnh xã hội và các vùng miền. 

Ngữ liệu, phương ngữ, ngôn ngữ sử dụng cần thân thiện phổ thông, dễ sử dụng… giúp cho học sinh nhanh chóng tiếp cận và mang tính giáo dục cao. “Hội đồng thẩm định cần kiên định với quyết định của mình. Nếu thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, báo cáo lãnh đạo Bộ để thực hiện theo cái đúng. Sách có lỗi thì kiên quyết loại bỏ nhưng không vì thế làm giảm độ mở của sách. 

Hội đồng Thẩm định cũng cần tăng cường trách nhiệm trong việc giải trình với xã hội, với cộng đồng các vấn đề liên quan đến chất lượng SGK. Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng thẩm định trước hội đồng bởi đây là người dẫn dắt, định hướng trong quá trình thảo luận, thẩm định SGK”- ông Độ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK. Do chương trình phổ thông mới thiết kế theo hướng mở nên các Hội đồng thẩm định phải vận dụng linh hoạt các tiêu chí để đánh giá khách quan, chính xác nhưng tôn trọng các ý tưởng sáng tạo và triết lý của mỗi bản mẫu SGK. 

“Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để bổ sung các quy định về việc tổ chức thực nghiệm khi biên soạn SGK, việc tổ chức đọc phản biện độc lập các bản mẫu SGK khi hội đồng thẩm định đánh giá “đạt” và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các lực lượng xã hội trước khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. 

Việc trưng cầu ý kiến này được thực hiện trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, tương tự như quy trình lấy ý kiến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”- ông Độ cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.