Bộ GD&ĐT cần công khai minh bạch nguyên tắc công nhận văn bằng

Thứ Năm, 21/09/2017, 17:59
Tại Hội thảo “Góp ý sửa đổi các luật về giáo dục” tổ chức tại Hà Nội ngày 21-9, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD&DT nên cung cấp danh sách các trường đã được công nhận để trước khi làm hồ sơ du học, người học có thể tham khảo và yên tâm.


Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng cần công khai minh bạch nguyên tắc công nhận văn bằng.

“Với các trường hợp người học văn bằng nhưng về Việt Nam không được công nhận, họ vi phạm khi kê khai thiếu trung thực là không oan ức. Nhưng họ cũng gặp rủi ro về nghề nghiệp, bởi thực chất có học chứ không phải làm giả văn bằng”- ông Khuyến nói.

Ông Lê Viết Khuyến cũng cho rằng, không thể từ một trường hợp cá nhân mà khái quát rằng hình thức trực tuyến là kém chất lượng. Cách học này phù hợp và được ca ngợi vào thời đại cách mạng 4.0, là tương lai của giáo dục thể kỷ 21. Tuy nhiên, cách tổ chức như thế nào để có chất lượng tốt mới là điều đáng nói.

Theo phân tích của ông Khuyến, một trong những lý do khiến tấm bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không được đánh giá về chất lượng, đó chính là thời gian đào tạo tiến sĩ chỉ vỏn vẹn trong 21 tháng, nếu tính cả các kỳ nghỉ lễ theo quy định của các trường đại học tại Mỹ. Trong khi đó, theo phân loại tiêu chuẩn quốc tế về giáo dục của UNESCO, thời gian đào tạo tiến sĩ ít nhất phải kéo dài 3 năm, toàn thời gian. Việc quy định thời gian đào tạo tối thiểu này nhằm đảm bảo được cường độ làm việc dành cho người học trình độ tiến sĩ.

Được biết, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo quyết định số 77/2007 do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 20-12-2007 và Thông tư số 26/201do Bộ GD&ĐT ban hành ngày 15-7-2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 77.

Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp: Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng. 

Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng).

Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng. 

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Tuy vậy, Bộ GD&ĐT không bắt buộc tất cả mọi công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Có nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động, hoặc các cơ quan chức năng, sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.

H.Thanh
.
.
.