Cần chú trọng ý nghĩa thực của ngày khai giảng năm học mới
Tại TP Hồ Chí Minh, ngày 31-8 vừa qua, một trường THCS ở quận Bình Thạnh đã tổ chức khai giảng kết hợp với lễ khánh thành cơ sở mới. Trước thực tế khá... lộn xộn này, nhiều người cảm thấy băn khoăn, có cần tổ chức ngày khai giảng năm học mới nữa hay không bởi sự kiện này có còn ý nghĩa gì khi ngày đó lại không phải là ngày đầu tiên học sinh tới trường, tâm trạng náo nức của mỗi học sinh gặp lại thầy cô, bạn bè sau 3 tháng hè trong ngày khai trường không còn nữa...
Ngày 5-9, ngày khai giảng, chính thức bắt đầu năm học mới đã ăn sâu vào tâm khảm của nhiều người. Trong ký ức của thế hệ 7x, 8x trở về trước, ngày khai giảng năm học mới luôn gắn với rất nhiều kỷ niệm và những kỷ niệm đó không thể phai nhòa. Ngày ấy, mỗi học sinh đều cảm thấy tràn đầy niềm hân hoan là được mặc quần áo mới cha mẹ mua cùng cặp sách thơm nức mùi giấy, được đến trường gặp bạn bè, thầy cô và chào đón năm học mới. Ngày khai trường là ngày có ý nghĩa rất thiêng liêng, không chỉ với học sinh mà với cả phụ huynh và cả cộng đồng.
Học sinh dự khai giảng năm học mới. Ảnh minh hoạ |
Chị Hồng, nhà ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Tôi nhớ ngày xưa lúc đi học, ngày mai khai giảng năm học mới là đêm nay tôi ngủ không được, trong lòng cứ sao sao lạ lắm, nào là được mặc áo mới, được gặp bạn bè, gặp thầy cô giáo. Còn bây giờ, học đã đời cả tháng trời rồi mới khai giảng, tui thấy mấy đứa con, cháu tui chẳng còn háo hức gì cả mà thậm chí còn không muốn đi dự ngày khai giảng. Khai giảng là sự kiện quan trọng cho một năm học vậy mà học sinh chẳng cảm thấy háo hức, buồn thật”.
Có con đang học tại một trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình, anh Quyết bức xúc: “Bây giờ chương trình học nhiều quá nên cho học sinh học trước cả nửa tháng, vậy sao không giảm tải bằng việc cắt giảm chương trình vốn được đánh giá là quá nặng cho phù hợp thời gian quy định. Hoặc nên dành thời gian trước ngày khai giảng tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, hướng dẫn học sinh chuẩn bị những việc cần thiết cho năm học mới, rồi sau lễ khai giảng bắt đầu học chính thức cho đầy đủ ý nghĩa".
“Thời gian qua đã có trường hợp học sinh tự tử vì bị áp lực trong học tập. Chương trình học rất nhiều, các em không có thời gian nghỉ ngơi hay tham gia các hoạt động xã hội, học kỹ năng sống. Rồi sự kỳ vọng của cha mẹ học cho bằng bạn bằng bè gây cho các em một áp lực rất nặng nề. Theo tôi cần giảm tải chương trình phổ thông để cho các em có thời gian nghỉ ngơi và nghỉ hè đến ngày khai giảng mới bắt đầu đi học. Không nên học rồi mới khai giảng, thành ra ngày này không có ý nghĩa gì cả”, chị Hoa, nhà ở huyện Bình Chánh nói.
Một lãnh đạo của trường THCS trên địa bàn quận Bình Tân chia sẻ: “Từ trước đến nay, ngày khai giảng là 5-9 đã trở thành truyền thống. Do vậy, không thể bỏ ngày này. Còn việc học sinh đến trường học trước mới khai giảng, nhà trường không đặt nặng chương trình học chính khóa mà chủ yếu là những công tác chuẩn bị giúp học sinh quen trường lớp, bạn bè, nhất là những học sinh đầu cấp”.
Theo vị hiệu trưởng này là không đặt nặng chương trình học cho học sinh, tuy nhiên lại nặng cho giáo viên. Cô Trần Kim L., giáo viên một trường THPT trên địa bàn quận 12 cho biết, hết năm học thì giáo viên chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp lớp 12, rồi đi tập huấn, bồi dưỡng,… chưa được nghỉ hè bao nhiêu thì lại vào năm học mới. “Tiếng là giáo viên được nghỉ hè 3 tháng nhưng thực chất nghỉ rất ít”, cô L. nói.
Tiến sĩ Lê Văn Phương, nguyên Hiệu trưởng một trường THCS ở Vĩnh Long cho biết: “Nội dung chương trình học ở phổ thông hiện nay khá nặng nên các trường phải tổ chức học trước, khai giảng sau. Điều này làm mất đi ý nghĩa của ngày khai giảng và sự háo hức của tuổi học trò”.
“Học trước khi khai giảng là giáo viên dạy trước, học sinh học trước chương trình để từ đó có khoảng thời gian thừa ở cuối kì, cuối năm tập trung cho việc luyện thi, ôn tập cho các kì thi. Bên cạnh đó, do khung thời gian và nội dung giảng dạy Bộ GD&ĐT đã quy định nên nhà trường tìm cách tăng số tuần học. Không chỉ ở bậc học phổ thông mà cả bậc đại học bây giờ đều học trước khai giảng sau. Làm như vậy, ngày khai giảng năm học mới không còn ý nghĩa nữa”, Thạc sỹ Nguyễn Minh Chính, nguyên giảng viên Khoa sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ tâm sự.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, học trước rồi mới khai giảng phản ánh việc các trường chỉ tập trung nhồi nhét kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh mà không chú ý đến việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Do đó, học sinh có thể rất giỏi lý thuyết trong sách giáo khoa nhưng lại lơ ngơ trong đời sống, học sinh không đủ thời gian để trải nghiệm đời sống nên làm cho trẻ đi học không thấy vui mà như là nghĩa vụ rất nặng nề, áp lực, không hiệu quả.
Việc học trước, khai giảng sau bắt nguồn từ thực tế một số địa phương bị lũ lụt, nhà trường cho học sinh học trước để tránh thiên tai, đảm bảo chương trình học. Một số địa phương cho học sinh học trước ngày khai giảng để sau khi kết thúc năm học, giáo viên có thời gian tập trung ôn thi cuối cấp, thi tốt nghiệp lớp 9, lớp 12 và thi đại học.
Từ đó, việc học trước, khai giảng năm học mới sau đã lan truyền đến hầu hết các trường học trong cả nước. Hầu hết những người được chúng tôi hỏi đều có cùng đề xuất rằng để ngày khai giảng thật sự có ý nghĩa, ngành giáo dục cần giảm tải nội dung giảng dạy để học sinh có đủ thời gian nghỉ hè và sau tiếng trống khai trường ngày 5-9, mới bắt đầu năm học mới.