Cách thi đảm bảo chống tiêu cực, nhưng cần thêm những đánh giá khách quan

Chủ Nhật, 07/06/2015, 09:02
An toàn, tiết kiệm, chấm dứt tiêu cực, xóa sổ nạn “ném phao”, đề thi tích hợp, từng bước xóa bỏ nạn học tủ, học lệch của học sinh là những điểm sáng của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) vào Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 30/5 đến 2/6.

Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, nhiều chuyên gia giáo dục đã bày tỏ sự ủng hộ, hoan nghênh về tinh thần đổi mới của kỳ thi. Đồng thời cho rằng, đây là một phương thức thi tiến bộ, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) biết rút kinh nghiệm tốt có thể áp dụng cho các trường ĐH khác cũng như kỳ thi THPT quốc gia trong năm tới. Báo CAND đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết những cảm nhận và đánh giá ban đầu của mình về kỳ thi ĐGNL vào ĐHQGHN lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Cá nhân tôi rất hoan nghênh tinh thần đi đầu trong đổi mới thi cử của ĐHQGHN khi tổ chức kỳ thi này. Với phương thức thi ĐGNL cho tuyển sinh ĐH lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, ĐHQGHN đã bắt kịp với xu hướng của thế giới bởi đây là kiểu thi được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến đã làm. Đây cũng là cách thi cử bảo đảm chống tiêu cực và phản ánh đúng trình độ, năng lực của thí sinh. Học sinh không thể gian lận, không thể trông chờ vào các yếu tố bên ngoài như tài liệu hay “phao thi” mà phải học tập chăm chỉ và có kiến thức tổng hợp. Một cái được khác nữa là nếu xét về mặt tiết kiệm thì kỳ thi ĐGNL tiết kiệm hơn rất nhiều so với kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ như trước kia.

Thay vì thi 2 ngày, thí sinh chỉ còn phải thi 1 buổi, khi thi xong, kết quả thi sẽ do máy chấm, thí sinh sẽ được biết điểm ngay, mọi can thiệp sau thi đều không thể được. Điều này vừa hạn chế được tiêu cực sau thi, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí khác cho thí sinh, nhà trường và xã hội.

PV: Ngoài việc hạn chế tiêu cực trong thi cử thì cách thi này có góp phần làm thay đổi việc “học tủ”, học “lệch” vốn đang rất phổ biến hiện nay không, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Dù chưa được tiếp cận trực tiếp với đề thi, nhưng qua những gì mà các phương tiện truyền thông đại chúng phản ánh trong những ngày qua, đặc biệt là phần phỏng vấn trực tiếp thí sinh tại phòng thi và các khu vực thi, tôi cho rằng, cách thi, phương thức thi này là tiến bộ, hiện đại, góp phần thay đổi cách học và dạy của cả giáo viên và học sinh. Trong đó, toàn bộ các câu hỏi đều soạn theo phương pháp trắc nghiệm, nó tích hợp tất cả chứ không phải là một môn. Điều này đảm bảo thời gian thi ngắn hơn, việc chấm thi cũng khách quan hơn do chấm bằng máy thay vì phụ thuộc vào trình độ người chấm thi.

Đặc biệt, với phương pháp thi tích hợp này, thí sinh không còn phải học thuộc lòng, học tủ. Các câu hỏi đánh giá năng lực thí sinh thông qua sự hiểu biết, ứng dụng sáng tạo chứ không qua bài toán, bài văn cụ thể. Hơn nữa, thí sinh được đánh giá tổng hợp cả tự nhiên và xã hội chứ không cần phải thi theo khối A, B, C, D như trước. Do vậy, tình trạng học lệch theo khối A, B, C khá phổ biến của thí sinh ngay từ năm lớp 10 như hiện nay cũng từng bước được hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng, đây là một phương thức thi tiến bộ, nếu chúng ta rút kinh nghiệm tốt, hoàn toàn có thể phổ biến và nhân rộng được cho các trường ĐH khác dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.

PV: Theo ông, còn có điều gì cần bổ sung, rút kinh nghiệm khi đây là kỳ thi ĐGNL lần đầu tiên được tổ chức?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện tại ĐHQGHN chưa có thống kê một cách đầy đủ, chi tiết về toàn bộ điểm thi. Nhưng theo phân tích dữ liệu, kết quả tại các điểm thi tỷ lệ trên 70% tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên. Điều này cho thấy đề thi ĐGNL của ĐHQGHN phản ánh tương đối chính xác trình độ của thí sinh dự thi và những thí sinh chọn thi vào ĐHQGHN phần lớn là các em tự tin và có học lực khá.

Tuy vậy, để có thể đưa ra những định lượng chính xác, chi tiết hơn, tôi cho rằng ĐHQGHN nên công bố một vài đề thi mẫu trong ngân hàng đề thi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các nhà chuyên môn, giáo viên và học sinh phân tích, mổ xẻ và đánh giá.

Đồng thời, bên cạnh việc công bố những thí sinh đạt điểm cao nhất, cũng cần công bố cả những thí sinh đạt điểm thấp nhất để có cái nhìn chính xác hơn về mức độ khó, dễ cũng như khả năng sàng lọc trình độ học sinh của đề thi. Ngoài ra, còn một điều khiến tôi băn khoăn là liệu mức độ khó dễ của các nhóm câu hỏi trong đề thi có tương đương nhau nhằm đảm bảo độ công bằng cho các thí sinh dự thi hay không? Đây cũng là một vấn đề đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Hà Nội.

PV: Với những điểm đột phá như vậy, liệu chúng ta có thể áp dụng cách thi mới này vào tuyển sinh ĐH cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia những năm tới không, thưa ông?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Hiện nay, chúng ta đang hướng tới một kỳ thi tương đối ổn định, nên tôi nghĩ theo hướng của trường ĐHQGHN cũng là một hướng đi tốt. Còn chia cụm loại 1, loại 2, thi các môn tốt nghiệp, ĐH và theo khối A, B, C như cách làm hiện nay thì hết sức rắc rối, không khoa học và cũng chưa chắc phản ánh đúng năng lực, nhận thức của các em. Trong đó, việc thi theo khối A, B, C như chúng ta hiện nay, thế giới đã bỏ lâu rồi.

Do đó, việc các trường ĐH áp dụng và nhân rộng mô hình này trong công tác tuyển sinh riêng vào ĐH trong những năm tới là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình này vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia phổ cập trên toàn quốc thì cần phải có những đánh giá chính xác, cụ thể và toàn diện hơn. Bởi lẽ, để tổ chức phương án thi này, vấn đề khó khăn nhất vẫn là khâu làm đề thi, làm sao có thể tạo ra bộ đề nguồn đủ lớn, có khả năng phân hóa trình độ thí sinh dự thi ĐH và tốt nghiệp. Và điều quan trọng hơn là cân bằng được độ khó của các nhóm câu hỏi, từ đó máy tính có thể tổ hợp từ bộ đề nguồn để ra các đề có độ khó, dễ tương đương nhau nhằm đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Để làm được điều này, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT buộc phải đứng ra xây dựng một bộ đề nguồn chung cho toàn quốc.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh
.
.
.