Bỏ biên chế trong ngành giáo dục: Lo hiệu trưởng lạm quyền

Thứ Ba, 23/05/2017, 08:36
Thông tin sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được giáo viên trên cả nước đón nhận với nhiều tâm trạng khác nhau từ bất an, lo lắng cho đến thất vọng.

Trước ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ về việc từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập đã khiến rất nhiều giáo viên trong hệ thống các trường công lập tâm tư, lo lắng.

Bởi lẽ, việc thay công chức, viên chức bằng các hợp đồng “có vào - có ra” nếu không có các điều kiện đảm bảo đi kèm thì chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực khiến giáo viên ngày càng thêm áp lực và khó có thể yên tâm gắn bó với nghề.

Thông tin sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được giáo viên trên cả nước đón nhận với nhiều tâm trạng khác nhau từ bất an, lo lắng cho đến thất vọng.

Cô Lê Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Mai, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết: Giáo viên là một ngành rất đặc thù, không như các ngành nghề khác mà có thể không làm công ty này thì xin sang công ty khác. Nếu giáo viên nào bị cắt hợp đồng thì cơ hội kiếm tìm việc làm phù hợp sẽ hết sức khó khăn, nhất là với những người lớn tuổi, có thâm niên trong ngành.

Do đó, cô Liên cho rằng, thay vì bỏ biên chế, chuyển sang hợp đồng với mục đích nhằm nâng cao chất lượng, các nhà quản lý giáo dục có thể chọn phương án khác tối ưu hơn như tổ chức các kỳ thi sát hạch công tâm để đánh giá năng lực  giáo viên theo định kỳ. Lúc ấy, nếu giáo viên nào không đủ điểm thì cho nghỉ. Với cách làm này, giáo viên sẽ có trách nhiệm nâng cao trình độ và năng lực.

“Chỉ khi nào thực sự xây dựng được đội ngũ những người hiệu trưởng giỏi và công tâm thì hãy tính đến chuyện bỏ biên chế cũng chưa muộn. Còn nếu ngành giáo dục vẫn kiên quyết bỏ biên chế giáo viên khi chưa đủ các điều kiện đảm bảo đi kèm thì chẳng khác gì trao toàn quyền cho hiệu trưởng. Ai dám đảm bảo rằng khi giao cho hiệu trưởng toàn quyền quyết định thì những người thật sự có tài sẽ thay thế con ông cháu cha và chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên?”-cô Liên đặt vấn đề.

TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: Chính sách bỏ công chức viên chức trong nhà trường để hi vọng cải tổ chất lượng giáo dục là không hợp lý bởi điều khiến giáo dục không đảm bảo chất lượng và hiệu quả không nằm trong việc viên chức hay công chức mà ở chính môi trường làm việc của giáo viên.

Việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu giáo viên.

Theo TS Hương, đại bộ phận giáo viên hiện nay đang phải sống trong một môi trường làm việc với áp lực hết sức nặng nề, thậm chí là quá sức so với khả năng chịu đựng. Họ phải chịu nhiều cấp, nhiều tầng quản lý, từ cấp cơ sở như Ban giám hiệu, tổ bộ môn cho đến các cấp cao hơn như Phòng, Sở, Bộ.

Cùng với đó là sự giám sát rất chặt chẽ của phụ huynh, của xã hội, đặc biệt là báo chí. Trong khi đồng lương thì thấp mà công việc lại nhiều, đặc biệt là các loại việc không tên như tham gia từ các cuộc thi từ giáo viên dạy giỏi cho đến các cuộc thi văn nghệ, làm sáng kiến kinh nghiệm rồi đến cả các hoạt động của địa phương, phường, xã. Chính những công việc không tên này đã khiến giáo viên mất nhiều tâm sức và mệt mỏi.

“Do vậy, thứ níu chân giáo viên công lập hiện giờ có lẽ chủ yếu là ở hai chữ biên chế. Bởi với một số quyền lợi đi kèm như bảo hiểm, thâm niên, biên chế được coi như là một thứ “bảo hiểm” để các thầy, cô đứng lớp ở các trường công lập có phần yên tâm công tác và cống hiến. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục diễn ra trong điều kiện rất khó khăn như hiện nay, rất cần những chính sách có lợi cho người thầy để họ dốc sức, để họ thấy được vai trò quan trọng của mình. Còn người thầy lên lớp còn thêm hoang mang, lo lắng cắt hợp đồng lúc nào thì khó toàn tâm toàn ý lắm. Đó là chưa kể, việc bỏ biên chế giáo viên trong điều kiện trao về tay hiệu trưởng tất cả các quyền, từ quyền tuyển chọn đến chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Và ai dám đảm bảo rằng, số giáo viên được các hiệu trưởng tuyển dụng là dựa trên điều kiện thực tế hay là do hiệu trưởng mong muốn và số giáo viên được giữ lại trường hoàn toàn là người có thực tài?”-TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Vũ Thu Hương, vấn đề mấu chốt để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay không phải là lương hay biên chế mà chính là môi trường làm việc của giáo viên cần được cải thiện. Và vấn đề bỏ biên chế giáo viên chỉ có thể thực hiện được khi tất cả các cơ sở giáo dục công lập đều chuyển sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Bởi chỉ có tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì người hiệu trưởng mới có thể thực hiện việc tuyển dụng giáo viên một cách khách quan, công bằng.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Việc bỏ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng có ưu điểm lớn nhất là để cho giáo viên phải luôn luôn nỗ lực, cố gắng và không được phép chểnh mảng.

Bởi lẽ thực tế hiện nay vẫn có một bộ phận giáo viên không thực sự say mê với nghề, không tâm huyết, chỉ lên lớp cho có, hết giờ thì về nhà, không có trách nhiệm mà vẫn nhận lương. Do đó, nếu thay biên chế bằng chế độ hợp đồng cũng sẽ buộc giáo viên phải liên tục vận động để tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, do nghề giáo viên rất đặc thù, vất vả hơn những nghề khác bởi ngoài thời gian lên lớp, còn công tác chủ nhiệm, liên lạc với phụ huynh nếu học sinh gặp vấn đề, rồi chấm bài, soạn bài ở nhà. Vì thế, nếu chuyển sang chế độ hợp đồng thì buộc phải có cơ chế tiền lương hợp lý để giáo viên có thể yên tâm sống bằng nghề.

Hơn nữa, một loạt vấn đề đặt ra là khi không còn viên chức, công chức thì giáo viên hưởng lương từ đâu? Rồi hiệu trưởng có thể nhận giáo viên năm nay nhưng sang năm không nhận nữa, có thể cho giáo viên nghỉ giữa chừng hay thế nào, những việc này ai giám sát và giám sát bằng cơ chế nào để đảm bảo khách quan, công bằng?

Bên cạnh đó, còn một số vấn đề khác có thể phát sinh như nếu số giáo viên có chất lượng yếu, không được ký hợp đồng sẽ phải giải quyết thế nào để đảm bảo an sinh xã hội; những giáo viên giỏi khi thấy những trường khác lương cao hơn, chế độ đãi ngộ lớn hơn, họ sẵn sàng ra đi mà không gắn bó với trường nữa khiến đội ngũ giáo viên trong một cơ sở giáo dục sẽ rơi vào tình trạng mất ổn định... 

Vì thế, PGS Văn Như Cương cho rằng, việc bỏ biên chế trong ngành giáo dục cần được tính toán thận trọng, kỹ lưỡng và thực hiện theo một lộ trình khoa học, minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên - những người đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Huyền Thanh
.
.
.