Bấn loạn trước giờ 'chốt sổ'

Thứ Tư, 19/08/2015, 22:37
Đúng 5h chiều ngày 20/8, các trường đại học (ĐH, và Cao đẳng (CĐ) trên toàn quốc sẽ “khoá sổ” nộp hồ sơ, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các thí sinh chỉ còn khoảng 24 giờ đồng hồ nữa để quyết định “số phận” của mình trong cuộc đua vào ĐH, CĐ năm 2015.


Ngày 19/8, số thí sinh đến trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội nộp hồ sơ đông hơn so với 2 ngày trước đó. Thí sinh Nguyễn Anh Quỳnh ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Vào tối 18/8, trên website của trường ĐH Kinh tế quốc dân đăng tải thông tin điểm chuẩn dự kiến một số ngành của trường từ 23 điểm giảm xuống còn 20 điểm do số lượng thí sinh ào ạt đến rút hồ sơ nên hôm nay em đến tìm hiểu để đưa ra quyết định”.

Cũng giống như suy nghĩ của Quỳnh, rất nhiều thí sinh khác có ngưỡng điểm từ 20 đến 24 cũng đã đến đây với hy vọng có thể tìm được một “vé” chắc ăn vào trường.

GS. TS Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Số thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển trong ngày hôm nay gấp nhiều lần so với số các em đến rút hồ sơ, trong đó ngưỡng điểm phổ biến là 23-24 điểm. Đây là cũng ngưỡng điểm khá an toàn đối với một số ngành không quá “hot” của trường.

Tuy nhiên, các ngành này điểm chuẩn dự kiến có sự biến động liên tục trong 3 ngày hôm nay do số lượng TS nộp vào, rút ra thay đổi từng giờ. Hiện nay nhà trường cập nhật liên tục điểm chuẩn dự kiến vào cuối ngày nên các thí sinh cần theo dõi sát diễn biến để đưa ra quyết định kịp thời vì thời gian nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 không còn nhiều nữa”.

Tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, xu hướng thí sinh đến nộp hồ sơ vào đang áp đảo so với số rút ra. TS Nguyễn Phong Điển, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Diễn biến điểm chuẩn dự kiến những ngày qua cho thấy, một số ngành “hot” như điện tử viễn thông và Công nghệ thông tin, điểm chuẩn đang có xu hướng tăng nhẹ do trong 3 ngày gần đây có thêm nhiều thí sinh điểm cao tiếp tục nộp hồ sơ. Nhiều khả năng điểm chuẩn dự kiến các ngành này sẽ tăng từ 8,7 lên 9 điểm”.

Thí sinh chờ đợi nộp hồ sơ xét tuyển tại trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Tại trường ĐH Y Hà Nội, bên cạnh việc một số thí sinh mấp mé điểm đỗ đến rút hồ sơ thì vẫn có một số thí sinh điểm cao đến nộp hồ sơ khiến cho điểm chuẩn dự kiến vào trường ở một số ngành dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ.

Tính đến hết ngày 18/8, đã có 270 trường hợp rút hồ sơ song số hồ sơ còn lại vẫn vượt chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Nếu như dự kiến điểm trúng tuyển của ngành Bác sĩ đa khoa cách đây 3 ngày, đang ở mức 27,5 điểm với tiêu chí phụ là môn Toán từ 9 điểm trở lên, thì sang tới ngày 18/8 đã có thêm tiêu chí môn Sinh từ 8.75 điểm trở lên.

Các ngành còn lại, điểm chuẩn dự kiến cũng đang có sự thay đổi từng giờ. Trong đó, riêng ngành Y học cổ truyền và Dinh dưỡng điểm trúng tuyển dự kiến đã tăng từ 0,5 đến 1 điểm trong 3 ngày qua.

Tại Đại học Ngoại thương Hà Nội và Học viện Ngoại giao, một số thí sinh điểm cao tiếp tục đến nộp hồ sơ trong ngày 19/8 cũng đang khiến cho điểm chuẩn dự kiến vào trường có thể sẽ tăng nhẹ ở một số ngành.

Trong 3 ngày gần đây, để tạo điều kiện cho thí sinh cập nhật thông tin khi mà thời điểm đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 sắp đi vào giai đoạn cuối, nhiều trường ĐH đã cập nhật thông tin xét tuyển vào cuối ngày thay vì 3 ngày/lần như trước đây. Tuy nhiên, nhiều thí sinh và phụ huynh cho rằng, với diễn biến rút-nộp hồ sơ thay đổi liên tục như hiện nay, đặc biệt là hiện tượng nhiều thí sinh điểm cao “găm” hồ sơ để nộp vào những ngày cuối cùng đã khiến cho bảng xếp hạng về điểm số giữa các thí sinh xáo trộn và khả năng đỗ-trượt vào phút cuối là vô cùng khó đoán. 

Thực tế cho thấy, một thí sinh điểm cao nộp vào sẽ làm cho thứ hạng thay đổi. Sẽ có thí sinh trước đó đỗ nhưng nay có thí sinh khác vào nên dễ thành bị trượt.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thìn, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao cho biết: “Những thí sinh đợi đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ sẽ rất khó định lượng được cơ hội trúng tuyển. Điều này chỉ thuận lợi với những em điểm cao thực sự, nhưng lại gây rủi ro cho những thí sinh đang ở ngưỡng xét tuyển an toàn. Rất có thể điểm chuẩn sẽ tăng đột biến và những em mới một, hai hôm trước còn đang chắc mình trúng tuyển, sẽ bị văng ra. Do quá sát thời gian nên việc rút hồ sơ ra để nộp sang trường khác không kịp nên vẫn có nguy cơ điểm cao mà vẫn trượt. Điều này sẽ rất đáng tiếc vì điểm số của các thí sinh này không hề thấp”.

Trong khi đó, kinh nghiệm từ các năm gần đây cho thấy, đa phần các trường ĐH top đầu và top giữa phần lớn đều tuyển từ 70-80 % chỉ tiêu trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Do vậy, các em điểm cao nhưng vẫn trượt chỉ còn có thể tìm cơ hội trong các đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung ở các trường top dưới hoặc các trường top giữa và top đầu tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các thí sinh này không còn nhiều cơ hội để vào được những ngành học mà mình yêu thích.

Sẽ khóa dữ liệu về đăng ký xét tuyển từ 17h ngày 20/8 
để hạn chế tiêu cực

Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ về việc đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1. Theo đó, 17h ngày 20/8 là thời hạn cuối cùng các trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển. Sau 17h 20/8 cho đến 18h ngày 22/8, hệ thống sẽ tạm thời khóa dữ liệu, không cung cấp dữ liệu thí sinh cho các trường, không để đơn vị nào can thiệp việc tính toán để chỉnh sửa, chuyển đổi nguyện vọng, thậm chí chuyển hồ sơ sang trường khác như thí sinh, phụ huynh lo ngại.

Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT phải tổng hợp yêu cầu thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh và cập nhật lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của bộ để chuyển dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ trước 20h ngày 20/8.

Huyền Thanh
.
.
.