Băn khoăn về nguồn nhân lực từ “bài toán” chỉ thi tốt nghiệp THPT

Thứ Sáu, 09/11/2018, 08:30
Thông tin được coi là "hot" trong mùa tuyển sinh 2017-2018, có tới gần 30% học sinh (HS) lớp 12 trên cả nước đăng ký thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp chứ không xét vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), thậm chí bỏ cả việc xưa nay thường diễn ra sau khi kết thúc mùa tuyển sinh là nộp hồ sơ vào trung cấp.

Thực trạng nhiều khu công nghiệp cũng đang tuyển công nhân chỉ cần tốt nghiệp THPT hoặc THCS là được đi làm ngay. Tuy nhiên, sự chọn lựa "đi tắt đón đầu" này của các bạn trẻ đã đặt ra vấn đề đáng suy ngẫm về chất lượng nhân lực đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

“Bài toán” chỉ thi tốt nghiệp THPT

Nguồn nhân lực trên thị trường lao động đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ bởi tác động nhiều yếu tố trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0. Trong khi các chủ DN "nhìn ra" vấn đề, còn người lao động mà chủ yếu là nhiều bạn trẻ hiện nay lại đang có suy nghĩ coi nhẹ vấn đề tay nghề, bỏ ngoài tai việc học những kỹ năng cần thiết.

Chiều 6-11, vừa rời khỏi một chương trình tư vấn nghề nghiệp cho HS cấp III tại một trường học TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh chia sẻ với chúng tôi: "Trong nhiều cuộc tư vấn nghề nghiệp, thật ngạc nhiên là nhiều bạn trẻ hiện nay cho rằng, đào tạo ĐH-CĐ quá rối loạn nên chẳng cần chọn con đường vào ĐH mà chỉ thi tốt nghiệp phổ thông. Có học thêm nghề cũng không cần thiết".

Ông Cường nói thêm: “Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động mạnh như vũ bão tới thị trường nhân lực Việt Nam nhưng nhiều bạn trẻ hoàn toàn thờ ơ, có bạn thực sự "mờ mịt" về một vấn đề thời sự nóng hổi và quá sát sườn với mình như vậy! Nhiều em giơ tay phát biểu cho rằng, chỉ cần một mức lương công nhân khu công nghiệp chừng 3-4 triệu/tháng là được rồi. Song, về lâu dài, nền kinh tế thời kì hội nhập sẽ không còn đáp ứng với việc lao động thiếu trình độ, kỹ năng và không có tư duy tiến bộ, chắc chắn sẽ bị đào thải nhanh chóng".

Cũng theo ông Cường, kết thúc đợt tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2018, thống kê số thí sinh không xét tuyển vào trung cấp trên cả nước tại nhiều địa phương có tỉ lệ cao vọt. Sẽ không thể trách các bạn trẻ của chúng ta đã có hướng lựa chọn trên do dựa vào thực tế Cử nhân, Thạc sĩ thất nghiệp "treo bằng" đi làm công nhân, Grabike,... quá nhiều.

Tuy nhiên, việc hiện nay có rất nhiều bạn trẻ chọn con đường đi Trung cấp, bỏ ĐH-CĐ cho rằng được nhiều cái tiện lợi: Rút ngắn lại được 3-4 năm đi học, đi làm luôn để có thu nhập, đồng thời lại tiết kiệm được hàng trăm triệu học phí của cha mẹ. Song, đây có phải là “bài toán” khôn ngoan hay không?

Sinh viên trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh) trong cuộc thi giỏi tay nghề 2018.

Công dân 4.0 và nhân lực cho một nền công nghiệp hiện đại

Bạn trẻ tên Ngân (ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) như bao bạn trẻ khác khi có trong tay tấm bằng đại học với chuyên ngành đào tạo thiết kế nội thất đã tưởng tượng mình sẽ làm đúng nghề, ý tưởng nội thất cho những ngôi nhà xinh xắn...

Thế nhưng, sự việc xoay vần, cô không thể xin được việc như ý muốn mà phải làm tạm thời một công việc hoàn toàn khác chuyên ngành để có tiền thuê nhà, chi tiêu ăn uống. Công việc đơn điệu, đứng phi lê cá đông lạnh của một công ty xuất khẩu khiến cô vừa chán chường, vừa hay ốm đau bệnh tật vì lạnh trong khu cấp đông của xưởng do cô viêm xoang không chịu nổi.

Phần khác như Ngân kể, khi tiếng chuông reng vào ca, tất cả đứng vào đúng vị trí như được lập trình sẵn. Trước mắt là những thau đựng cá đầy ắp, dù mỏi mệt cũng phải ráng làm thật nhanh cho kịp dây chuyền. Ngày này qua tháng khác, 8 tiếng liên tục như vậy mỗi ngày trôi qua đều là thao tác đó.

Sau hơn 1 năm, Ngân hết chịu nổi đồng thời tìm được một công việc khác đúng chuyên ngành đào tạo với mức lương rất ổn nhưng phải chấp nhận làm việc tại Vũng Tàu. Giờ ngẫm lại quãng thời gian thử nghiệm thực tế ấy cô còn kinh hoàng về sức tàn phá của nghề nghiệp mà biến cô trở thành một cái máy vô tri vô giác.

Trao đổi thêm với chúng tôi, Phó Hiệu trưởng của một trường nghề trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cái chúng ta cần là những lao động có tay nghề cao và sở hữu công nghệ hiện đại chứ không phải những người công nhân đứng theo dây chuyền làm một công việc rập khuôn, nhàm chán.

Trong đó cái cốt tử bạn trẻ của chúng ta phải có là dù làm công nhân cũng phải có tay nghề cao và sở hữu công nghệ hiện đại. Chỉ tốt nghiệp có tấm bằng cấp III rồi không học lên, dù là trung cấp nghề, trường nghề thì là điều rất đáng lo ngại trước đòi hỏi của chất lượng lao động thời kì mới.

Có thể nói, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã âm thầm xuất hiện ở nhiều nhà máy với hình thức từ ít đến nhiều, nhưng người lao động lâu nay ít để ý, một phần là chưa hiểu thấu đáo, một phần là thấy nó không ảnh hưởng gì lớn lắm đến thu nhập gia đình. Nhưng nay, khi tầm mức đầu tư đa quốc gia đã khiến các doanh nghiệp đưa vào quy trình sản xuất nhiều các dây chuyền tự động, nhiều người lao động nhận ra thì đã khá muộn.

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường lao động Anphabe, dự báo, tỷ lệ nghỉ việc năm 2018 sẽ là 20%, trong đó 19% nhân viên cảm thấy thiếu gắn kết và quyết định ra đi, 1% nhân viên dù gắn kết nhưng vẫn ra đi vì có cơ hội tốt hơn. Tỷ lệ này được cho là cao nhất trong vòng 3-5 năm qua. Tình trạng người lao động thay đổi việc là ngày càng phổ biến.

Theo nhận định của Cục Việc làm (Bộ LĐ, TB&XH), nhân lực lao động Việt Nam đang phải đứng trước nhiều thách thức trước cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt là việc tham gia của máy móc vào sản xuất sẽ khiến một lượng lớn con người mất đi việc làm. Viễn cảnh diễn ra đó là nhiều công việc mới xuất hiện sẽ thành lạ lẫm với một số người. Ngược lại, một số công việc cũ biến mất lại sẽ thành cơn khủng hoảng với một số người khác.

Trước hết, các thành phần gồm: Công nhân nhà máy, nhân viên thu ngân, dân lái xe taxi, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ có nguy cơ cao nhất bị thế hệ máy móc 4.0 "hớt" mất chỗ làm. Sẽ có nhiều cơ hội đến với công việc mới có nguồn thu nhập ổn định, tốt hơn nhưng lại đòi hỏi mỗi lao động phải tự thay đổi, bằng sự nỗ lực học tập, sự lăn xả trong công việc, sự thích nghi để tồn tại và để… sống!

Huyền Nga
.
.
.