Tự chủ cho các trường đại học - những rào cản cần tháo gỡ

Bài 2: Những “nút thắt” cần gỡ bỏ để trường đại học phát huy sáng tạo

Thứ Năm, 24/05/2018, 08:15
Mặc dù Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã rất chú trọng vấn đề tự chủ, cố gắng tạo ra hành lang pháp lý cho việc thực thi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), nhưng thực tế cho thấy, quyền tự chủ vẫn chưa thật sự phát huy được hết tác dụng vì còn những rào cản cần tháo gỡ.

Như bài trước chúng tôi đã đề cập, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 có 23 trường đại học công lập được chọn thí điểm. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, các trường thí điểm tự chủ đã có cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng. 

Về tài chính, tổng thu giai đoạn tự chủ của các trường so với giai đoạn trước tự chủ tăng 16,6%; nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động thường xuyên và không thường xuyên giảm 16,51%, nhưng nguồn cho xây dựng cơ bản tăng 85,1%. Cơ cấu chi của các trường thí điểm tự chủ có thay đổi, trong đó tăng khoảng 40% chi học bổng cho sinh viên...

Đại học Bách khoa Hà Nội là 1/23 trường tham gia thí điểm tự chủ. Trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường được giao thực hiện thí điểm tự chủ đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường. 

Ngay sau đó, trường tập trung xây dựng và triển khai chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào các giải pháp tăng cường tiềm lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, phát triển nghiên cứu và chuyển giao tri thức, nâng cao vị thế, ảnh hưởng và gia tăng năng lực cạnh tranh của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước và trong khu vực. 

Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, thay đổi quan trọng nhất, trực tiếp từ việc thực hiện cơ chế tự chủ đó là sự thay đổi về hệ thống quản trị nhà trường và sự đổi mới nhận thức trong tập thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ viên chức.  

Bên cạnh đó là tăng tính chủ động và trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân đối với chất lượng và hiệu quả mọi mặt hoạt động của trường. Nhà trường cũng được chủ động hơn rất nhiều trong việc tuyển dụng cán bộ, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các đối tác quốc tế và doanh nghiệp. 

Uy tín và chất lượng đào tạo của trường tiếp tục được giữ vững và nâng cao, không chỉ thể hiện qua việc trường đạt chuẩn kiểm định châu Âu vào tháng 6-2017, sự đánh giá cao của giới tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp và sức thu hút đầu vào đối với học sinh giỏi THPT. 

Tất nhiên, “những điều đó không phải là thành quả của riêng giai đoạn 1 năm rưỡi qua, nhưng trong điều kiện trường không được nhận ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước thì đó có thể coi là thành công bước đầu, khẳng định quá trình đổi mới cơ chế hoạt động đang đi theo đúng hướng” - PGS.TS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Vấn đề tự chủ cho các trường Đại học đòi hỏi phải có hành lang pháp lý đồng bộ, nhất quán để phát huy hiệu quả mạnh mẽ.

Cũng theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, mức độ và phạm vi của tự chủ đại học được quy định rất khác nhau ở các nước. Ngay trong một số quốc gia liên bang cũng khác nhau giữa các bang, nhưng có một điểm chung là đều được nhìn nhận từ 4 góc độ: tổ chức, nhân sự, học thuật và tài chính. 

Tự chủ về học thuật ở nước ta có thể coi là đạt mức cao, nhưng về tổ chức và tài chính thì các trường đại học ở các nước khác nhìn chung được trao quyền tự chủ cao hơn nhiều. Chính vì vậy mà những văn bản luật pháp về giáo dục đại học ở các nước đều khá ngắn gọn, không quy định chi tiết để các trường được quyền chủ động; những nguyên tắc chung được quy định khá bền vững với thời gian. Một số mô hình tự chủ đại học của nước ngoài chúng ta có thể tham khảo là mô hình của Anh, của Wales và của Malaysia.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện tự chủ tại các trường vẫn còn có một số hạn chế, bất cập. Theo Bộ GD&ĐT, một số trường khi mở ngành/chuyên ngành chưa đảm bảo điều kiện mở ngành theo quy định. 

Số lượng các chương trình/ngành đào tạo được mở mới trong vòng 2 năm khá lớn, trong bối cảnh số lượng giảng viên và cơ sở vật chất chưa cải thiện với tốc độ mở ngành tương ứng. Có trường chú trọng tăng số ngành mở mới (để đảm bảo quy mô) mà chưa chú trọng tăng cường chất lượng đào tạo. 

Nhiều trường chưa thực hiện thẩm định chương trình đào tạo (trước khi tuyển sinh) theo quy định; chưa thực hiện tổ chức thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng. Không ít trường chưa xây dựng quy định, quy trình tự chủ mở ngành đào tạo, chưa rà soát, hoàn thiện quy định về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo các quy định hiện hành từ thời điểm trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77. 

Do đó việc thực hiện mở ngành chưa thực sự khoa học và chưa có căn cứ vững chắc. Thực tế khảo sát cho thấy, không phải cơ sở GDĐH tự chủ nào cũng tuân thủ mọi quy định liên quan tới việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Một số trường chưa đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất như diện tích sàn xây dựng và tiêu chí sinh viên/giảng viên theo quy định, hoặc xác định chỉ tiêu hoặc tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

Từ những hạn chế, bất cập trên cho thấy, tự chủ chưa thực sự trở thành động lực giúp các cơ sở GDĐH phát huy khả năng chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường cạnh tranh và đa dạng hoá các loại hình giáo dục trong hệ thống GDĐH.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho biết,vướng mắc căn bản nhất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ. Các quy định này không thể vượt qua các luật hiện hành như Luật Giáo dục đại học, Luật Khoa học công nghệ, Luật Đầu tư công, Luật Viên chức… 

Các quy định về hướng dẫn tự chủ chưa theo kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ. Tự chủ chưa gắn với đổi mới quản trị đại học qua đó, việc sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả và chất lượng đào tạo chưa nâng cao. Trách nhiệm, vai trò của hội đồng trường chưa được thực hiện nghiêm túc… Tất cả những vấn đề trên là rào cản để thực hiện quyền tự chủ một cách đích thực của các cơ sở GDĐH. 

Đồng quan điểm trên, theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn, “rào cản lớn nhất đối với tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay nằm ở lĩnh vực nhân sự và tài chính, trong đó nhiều vấn đề nằm trong quy định của các luật khác”. 

Cụ thể, “điểm nghẽn về nhân sự và tài chính”, đó là Quy định chức danh nghề nghiệp của giảng viên áp dụng theo Luật Viên chức (giảng viên hạng I, hạng II, hạng III) vênh so với quy định về chức danh giảng viên trong Luật Giáo dục đại học 2012 (giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên và trợ giảng). 

Không chỉ Đại học Bách khoa, một số trường cũng chưa được chủ động trong việc quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn, phương thức tổ chức thi và xét tuyển, bổ nhiệm các chức danh giảng viên và các chức danh viên chức khác. Đặc biệt, việc thu chi tài chính và sử dụng tài sản còn vướng nhiều quy định trong các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lý tài sản công… 

Các quy định của luật pháp về việc đầu tư và thành lập doanh nghiệp trong nhà trường cũng chưa đủ, chưa rõ ràng để tạo cơ chế phù hợp cho các trường đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ và dịch vụ.

Thu Phương
.
.
.