Bài 1: Tác hại không thể đong đếm
- Nhức nhối nạn bạo lực học đường
- Làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường?
- Truy nguyên nhân bạo lực học đường
Nói vậy để thấy rằng, các đấng sinh thành khi hay biết con mình bị đánh đau xót biết nhường nào. Nhiều người còn không dám xem clip vì sợ không thể chịu đựng nổi khi "chứng kiến" con mình bị đánh đập dã man chỉ biết ôm đầu cam chịu. Đau đớn về thể xác rồi cũng qua đi nhưng dư chấn tinh thần có lẽ sẽ theo đứa trẻ suốt quãng đời còn lại…
Chỉ trong tháng 3/2021 có gần 10 vụ bạo lực học đường (BLHĐ) được đưa lên mạng xã hội. Đáng chú ý nhất là một clip dài hơn 5 phút ghi lại cảnh một nữ sinh bị đánh hội đồng ngay trong lớp học, trong khi các bạn cùng lớp chẳng ai can ngăn mà còn cầm điện thoại quay lại.
Để sự việc không bị lộ ra ngoài, các học sinh này còn chốt cửa, liên tục đánh vào đầu, vào mặt nữ sinh càng lúc càng dữ dội hơn. Sau khi clip đăng tải, vụ việc được xác định xảy ra tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.
Năm ngày sau, hai nữ sinh trực tiếp đánh bạn bị đình chỉ học tập một tuần, bị xếp loại hạnh kiểm yếu năm học 2020-2021. Đối với 5 học sinh có hành vi cổ vũ, quay video vụ đánh nhau sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, xếp loại hạnh kiểm yếu trong học kỳ 2 của năm học 2020-2021. Còn 8 học sinh chứng kiến bạn đánh nhau trong lớp nhưng không ngăn cản hoặc báo với thầy cô mà thờ ơ, vô cảm đứng xem bị khiển trách trước lớp. Nguyên nhân vụ đánh được xác định xuất phát từ việc nói xấu nhau trên Facebook.
Bé N. (quê Long An), học sinh lớp 7 đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh. |
Ngày 30/3, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh tiếp nhận một trường hợp uống thuốc tự tử là học sinh lớp 7. Em tên là N.T.N, 13 tuổi, sống với bố và bà nội ở tỉnh Long An. Trước khi hành động dại dột, N. có mâu thuẫn với một số bạn học cùng. Nhóm bạn này tẩy chay cô bé, bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội. Buồn chán, nghĩ quẩn, em đã uống thuốc trừ sâu tự tử.
Có mặt ở Khoa chăm sóc tích cực, cha của N. như người vô hồn, đau khổ, tuyệt vọng. Để ông không phải gục ngã, lãnh đạo khoa mời ngay chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện đến để giúp ông ổn định tinh thần. Khi bình tĩnh trở lại, ông cho biết mình có hai đứa con gái, N. là con đầu lòng. Sau khi hôn nhân tan vỡ, N. sống với cha và bà nội, em gái ở cùng mẹ. Năm lớp 6, N. từng bị bạn học tẩy chay, bắt nạt và ngất xỉu 1 lần trong trường. Vụ việc sau đó được giải quyết ổn thỏa nhưng không ngờ tình trạng bạo lực tinh thần lại tiếp diễn.
Sau một thời gian điều trị, N. đã qua cơn nguy kịch và có dấu hiệu phục hồi tốt. Cha em mừng khôn tả nhưng ông vẫn lo về khả năng hồi phục tâm lý của con mình. Ông nói giải pháp tạm thời là ông có thể chuyển con sang trường khác học…
"Nhìn những em bé xung quanh mình thoi thóp giành giựt sự sống, nhìn cha và bà nội quan tâm lo lắng cho mình, N. tỏ ra hối hận. Em hứa với chuyên gia tâm lý và các bác sĩ điều trị khi về nhà sẽ chăm ngoan học giỏi, phụ giúp cha và bà nhiều hơn, yêu bản thân nhiều hơn.
Tôi cũng đã nói với em, mỗi người trẻ hãy trân quý bản thân mình, trân quý sự sống của mình. Không có một lý do nào trên đời đáng để ta tự hủy hoại chính mình. Hãy học cách yêu thương bản thân mỗi ngày, khi đó sẽ thấy mọi áp lực bên ngoài chỉ là thử thách. Khi cảm thấy bế tắc, có 2 cách để giúp mình vượt qua là quay về với bên trong của mình để tìm ra sức mạnh của bản thân và thứ hai là tìm đến người xung quanh giúp đỡ" - bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ (Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Vũ, chính bố mẹ là những người bạn thân nhất, gợi mở tốt nhất cho tâm hồn đang bị trói buộc và những câu chuyện thầm kín nhất của con trẻ, nên hãy trò chuyện với con hàng ngày để hiểu con hơn…
Theo chuẩn UNICEP phân loại có hai hình thức BLHĐ là bạo lực vật chất và bạo lực tinh thần. Không ít trường hợp học sinh vì chịu không nổi áp lực dẫn tới hành vi không kiểm soát được bản thân là tự tử như trường hợp em N. Còn đối với trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ nhỏ, khi lớn lên dễ mắc phải những hành vi tội ác so với trẻ bình thường. Còn nhà trường nơi xảy ra hành vi bạo lực khiến không khí học txập trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi bao trùm. Phụ huynh cũng cảm thấy bất an khi cho con mình đi học và mất niềm tin dần vào môi trường giáo dục lành mạnh.
Mặc dù sự tác hại ghê gớm, không thể đong đếm được nhưng vẫn còn khá nhiều ban giám hiệu nhà trường có sai lầm tai hại khi cho rằng học sinh chưa đánh nhau hoặc đánh nhau ngoài trường chưa phải là BLHĐ. Từ quan niệm đó dẫn đến việc học sinh khi bị bạo lực tinh thần nhưng chưa lần nào bị đánh vẫn nghĩ mình chưa bị bạo lực nên không chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè, dẫn đến BLHĐ ngày càng gia tăng và mức độ càng nghiêm trọng hơn.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có hơn 14.000 trường THCS và THPT và ngày nào cũng có vài vụ đánh nhau được ghi nhận. Trên thực tế con số đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi có rất nhiều vụ đánh nhau (thường ở bên ngoài trường) nhưng bị nhà trường ém nhẹm do sợ bị ảnh hưởng thành tích thi đua. Chỉ khi nào vụ việc khá nghiêm trọng, được tung lên mạng xã hội thì nhà trường mới miễn cưỡng thừa nhận đó là học sinh trường mình. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến BLHĐ chưa thuyên giảm.
Một nghiên cứu của UNESCO về BLHĐ trên cơ sở giới tại Việt Nam ở 4 trường THCS và THPT với 3.689 người (trong đó có 2.636 học sinh) kết quả cho thấy có 41% nam, 28% nữ gặp vấn đề về bạo lực thể chất trong nhà trường; 32% nam, 25% nữ gặp phải vấn đề về bạo lực lời nói; 33% nam, 39% nữ bị bạo lực xã hội. Học sinh nam có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực thể chất cao hơn nữ với tỷ lệ 64,7%, nữ 54,1%. |