Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Áp lực rất lớn và tôi sẽ cố gắng hết sức

Thứ Năm, 08/04/2021, 11:37
Ngày 8/4, Quốc hội thông qua nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT). Vị trí “tư lệnh ngành” giáo dục luôn được coi là ghế nóng, nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và dư luận. Điều người dân quan tâm và kỳ vọng là tân Bộ trưởng có quyết sách gì để đưa giáo dục phát triển. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, tân Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi cởi mở với PV Báo CAND.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhận vị trí “ghế nóng”, tâm trạng và cảm xúc của ông lúc này ra sao? Ông có cảm thấy áp lực hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đây là vinh dự lớn đối với cá nhân tôi khi tôi được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao phó trọng trách này. Nhưng tôi không tránh khỏi ít nhiều lo lắng, lo lắng vì mình sẽ hoàn thành trọng trách lớn đó như thế nào, có đáp ứng được kỳ vọng mà Đảng, nhân dân gửi gắm hay không. Do đó tôi thấy không phải áp lực mà là rất áp lực. Khi tôi nhận nhiệm vụ mới, tôi nhận được nhiều tin nhắn chia sẻ hơn là chúc mừng, điều đó khiến tôi cảm động và áp lực cũng được san sẻ, nhưng tôi nghĩ áp lực sẽ là động lực khiến cho cá nhân tôi, cho ngành GD&ĐT, cho những nhà quản lý, giáo viên phải không ngừng hoàn thiện, đổi mới giúp chúng tôi vượt lên, đáp ứng kỳ vọng đó. Bản thân tôi sẽ cố gắng hết sức.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Nhưng tôi còn suy nghĩ, áp lực rất lớn là khi kỳ vọng chưa được đáp ứng nhiều, còn khi chất lượng GD&ĐT tốt hơn, quyền lợi của giáo viên, học sinh, sinh viên và các bên liên quan được bảo đảm, tôi nghĩ áp lực sẽ giảm dần, những người làm giáo dục chúng tôi sẽ cảm thấy nhiều niềm vui hơn với nghề và công việc của mình.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về giáo dục Việt Nam hiện nay, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: GD&ĐT của Việt Nam hiện nay đang nằm trong quá trình chuyển đổi mà chúng ta gọi là đổi mới căn bản, toàn diện. Trong những năm qua, GD&ĐT đã đi qua những chặng đường đổi mới ở những khâu, những phương diện, những khung quan trọng, ở cả bậc giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Đất nước đang phát triển, GD & ĐT cũng phải đổi mới để hoàn thành sứ mệnh của mình. Tôi quan niệm, thời gian tới, GD & ĐT sẽ tiếp tục đổi mới đi vào chiều sâu, tiếp tục hoàn thiện ở những khung, trụ cột lớn mà giai đoạn trước đã thực hiện, giai đoạn này sẽ là sự tiếp nối, hoàn thiện.

PV: Ở cương vị tân Bộ trưởng, theo ông ngành giáo dục đang có những thuận lợi gì và có thách thức nào cần vượt qua?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi cho rằng, sau 35 năm đất nước đổi mới, GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả to lớn, như đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Ngành giáo dục có một thuận lợi cơ bản nhất là sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT với quan điểm chỉ đạo của Đảng GD & ĐT là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Một thuận lợi nữa là hành lang pháp lý cho đổi mới GD & ĐT đang từng bước được hoàn thiện khi vừa qua, Quốc hội đã thông qua hai bộ luật là Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Thêm nữa, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, có vị thế trên trường quốc tế, giúp chúng ta học tập được kinh nghiệm quản trị, các mô hình đào tạo tiên tiến của nhiều nước. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng là một lợi thế giúp giải nhiều bài toán cho giáo dục, như bài toán chuyển đổi số. Bên cạnh đó, còn một thuận lợi đóng vai trò rất quan trọng nữa là chúng ta có đội ngũ nhà giáo tâm huyết, yêu nghề, số lượng giáo viên đạt chuẩn ngày càng tăng…Đây là những tiền đề quan trọng để chúng tôi đi tiếp, trên cơ sở kết thừa, phát huy những kết quả to lớn của giai đoạn trước.

Còn về thách thức, có rất nhiều, trong đó có một thách thức mà chúng tôi quyết tâm vượt qua đó là tâm lý sợ đổi mới của không ít nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, hay còn gọi là sức ỳ.

PV: Bắt tay vào điều hành một trong những lĩnh vực nóng nhất, Bộ trưởng sẽ quan tâm nhất lĩnh vực gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: GD&ĐT là lĩnh vực lớn, người đứng đầu sẽ phải quan tâm và bao quát, nên khó có thể nói sẽ quan tâm đến một việc cụ thể nào nhất. Là một nhà giáo có mấy chục năm gắn bó với giáo dục, các công việc của ngành tôi cũng không xa lạ, nhưng trên một cương vị mới, tôi sẽ nắm bắt tìm hiểu và phân loại hai nhóm việc: Nhóm việc trước mắt, cấp bách, việc nóng phải làm ngay (như Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới hay việc triển khai chương trình GDPT) và nhóm việc lâu dài của nền giáo dục… Có những việc nóng nhưng chưa hẳn là việc lớn, tôi cũng sẽ tìm hiểu giải quyết ngay. Nhưng có những việc lớn, lâu dài khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng sẽ bắt tay vào ngay như: Tôi sẽ cùng với đồng nghiệp xây dựng chương trình hành động và ban hành chiến lược phát triển giáo dục của ngành GD&ĐT để triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

PV: GD & ĐT thời gian qua có nhiều vấn đề nảy sinh, vậy điều gì khiến ông trăn trở?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để củng cố nâng cao vị thế cần có, phải có, nên có của người giáo viên. Nhưng tôi biết đây là việc lớn, việc rất khó, vì nó vừa là vấn đề của ngành GD&ĐT, của chính nhà giáo, nhưng cũng cần sự ủng hộ từ người dân, phụ huynh và cả về phương diện quy phạm pháp luật; cần các quy định, thể chế, cần gia tăng luật để thực hiện mục tiêu đó. Giáo viên phải nêu gương trong vấn đề dạy người trong khi vị thế của nhà giáo chưa cao, chưa được bảo vệ thì sẽ khó thực hiện tốt nhiệm vụ dạy người. Giáo dục là phải vì con người. Đây là việc tôi sẽ làm.

Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu, là tiền đề để những người kế thừa sẽ hoàn thiện, bước tiếp, đưa giáo dục phát triển

PV: Vừa qua câu chuyện SGK lớp 1 gây ồn ào dư luận. Ông sẽ làm gì đối với các bộ SGK tiếp theo?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Viết SGK sẽ có hàng trăm người tham gia, quy trình phức tạp, nhiều công đoạn, tôi sẽ rà soát xem xét thấu đáo, khi đó tôi sẽ có câu trả lời. Nhưng tôi cho rằng, chất lượng SGK phải đặt lên hàng đầu.

PV: Thưa Bộ trưởng, nhiều năm qua, dư luận xã hội luôn phiền lòng cho rằng, trẻ em Việt Nam đi học quá vất vả. Ông có giải pháp gì để giảm áp lực, gánh nặng cho học sinh? Chúng ta đã tạo được môi trường sư phạm thực sự hạnh phúc cho học sinh hay chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Điều quan trọng nhất là trẻ em đi học phải vui, phải hào hứng, thích học. Chúng ta đã có Chương trình GDPT mới đã được ban hành, là bước đổi mới rất quan trọng, vấn đề là cách triển khai ra sao, việc tổ chức dạy và học như nào cho phù hợp. Quan trọng là cách làm. Tôi sẽ cho rà soát chương trình để có cơ sở trước khi đưa ra đánh giá, đưa ra giải pháp. Còn về “môi trường hạnh phúc” mà nhà báo nêu là ý tưởng hay, là mục tiêu tốt đẹp nhưng bất kỳ mục tiêu nào cũng phải có thời gian và có bước đi. Cần nhìn rõ những việc cần làm để đạt mục tiêu đó, và cần quyết tâm. Tôi nghĩ có quyết tâm thì sẽ làm được.

PV: Nhiều người băn khoăn, Bộ trưởng là một nhà quản lý điều hành giáo dục đại học, ít kinh nghiệm về giáo dục phổ thông, vậy ông sẽ làm thế nào để chèo lái cả con thuyền giáo dục?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nếu tôi trưởng thành từ môi trường giáo dục phổ thông, mọi người sẽ hỏi tôi không hiểu đại học thì sẽ quản lý ngành ra sao? Tôi nghĩ khó có thể tìm được một chuyên gia am tường tất cả. Vấn đề là tự nhận thấy mình thiếu gì, có chịu học hỏi để hoàn thiện hay không? Tôi nghĩ bất kỳ ai khi bước vào vị trí mới đều phải học, tôi sẽ học, các thầy cũng phải học, quản lý cũng phải học, vấn đề là khi điều hành cần có phương pháp, tư duy khoa học và có một tấm lòng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.