85 nghìn học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10
Ngày 2-6 và 3-6, học sinh sẽ chính thức làm bài thi với 4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và Lịch sử. Năm nay, toàn thành phố có 169 điểm thi với hơn 3.500 phòng thi; gần 11.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động để phục vụ kỳ thi. Đây là kỳ thi có tính cạnh tranh cao do chỉ có khoảng 62% học sinh lớp 9 có cơ hội vào học tại các trường THPT công lập.
Tuyệt đối không mang điện thoại vào phòng thi
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý: Ngay sau khi phát đề thi, thí sinh phải kiểm tra tình trạng đề có bị mờ, nhoè phải lập tức báo cáo cán bộ coi thi. Nếu sau phát đề 10 phút đối với môn Ngoại ngữ, 5 phút đối với đề Lịch sử thí sinh phải tự chịu trách nhiệm.
Thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau 2/3 thời gian làm bài thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi đó. Thí sinh bị ốm trong thời gian đang thi, cán bộ coi thi đề nghị cán bộ giám sát đưa thí sinh đến phòng y tế và lập biên bản xác nhận. Nếu trong suốt buổi thi đó, thí sinh ốm không làm được bài thi, thí sinh tự nguyện không nộp bài thi, coi như thí sinh đó vắng thi.
Học sinh Hà Nội làm thủ tục đăng ký dự thi vào lớp 10 trong sáng ngày 1-6. |
“Thí sinh tuyệt đối không mang mọi tài liệu và vật dụng cấm vào phòng thi. Theo quy chế thi, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, nếu bị phát hiện, thì dù có dùng hay không vẫn bị đình chỉ. Trường hợp chuông báo thức kêu, thí sinh cũng ngay lập tức bị đình chỉ, điều này đồng nghĩa với việc hủy kết quả của kỳ thi. Đây là điều các em không được phép quên khi tham dự kỳ thi này”-ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các điểm thi phải kiểm soát chặt chẽ việc mang thiết bị thông minh vào phòng thi của không chỉ thí sinh mà cả cán bộ coi thi tránh tình trạng "lọt đề" như đã từng xảy ra trong kỳ thi năm trước do một giáo viên mang điện thoại vào phòng chụp rồi truyền đề thi ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội (Đông Anh).
Cảnh giác hành vi gian lận thi bằng thiết bị công nghệ cao
Để hạn chế tối đa hình thức gian lận này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Công an TP.Hà Nội tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi. Trung tá Nguyễn Khánh Ly, Phòng PA03, Công an TP Hà Nội cho biết: Kinh nghiệm từ các kỳ thi gần đây cho thấy, lực lượng Công an đã phát hiện rất nhiều thiết bị tinh vi của các đối tượng gian lận.
Có thể liệt kê ra một số loại phổ biến như thiết bị thu phát có dây hóa trang trong áo, tai nghe nhỏ bằng hạt đậu, rất khó nhìn ra. Mặc dù nhìn bề ngoài, các thiết bị này chỉ như đồng hồ đeo tay, cúc áo nhưng thực ra lại có chức năng như camera giấu kín, có thể chụp đề gửi ra ngoài.
Cũng có thiết bị không đây chỉ bằng thẻ ATM nhưng thẻ này được hóa trang vào các cổ áo. Thiết bị này có lỗ lắp khe sim, luôn ở chế độ kết nối không dây, có cục wifi để trong túi đựng hành trang thí sinh để khu vực bên ngoài phòng thi.
“Khi thấy thí sinh có dấu hiệu nghi ngờ như trời nóng mà thí sinh mặc quần áo dài tay, thí sinh có biểu hiện gãi tai (đối với thí sinh đưa thiết bị vào trong tai sẽ thường gây ngứa tai), cán bộ coi thi lập tức báo điểm trưởng điểm thi ngay để kịp thời xử lý”-Trung tá Nguyễn Khánh Ly chia sẻ.
Công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về kỳ thi vào lớp 10 Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, có gần 11.000 cán bộ, giáo viên và nhân viên đã được huy động để tham gia tổ chức kỳ thi ở các khâu. Trong đó riêng đội ngũ giáo viên làm công tác coi thi là hơn 7.600 người, được điều động từ các trường THCS và THPT trên địa bàn. Để bảo đảm tính nghiêm túc trong khâu coi thi, Sở GD&ĐT Hà Nội quy định đổi chéo giám thị giữa các quận, huyện, thị xã với nguyên tắc giáo viên không coi thi học sinh của trường thuộc địa bàn mình công tác. Đặc biệt, để đảm bảo tiếp nhận thông tin tố cáo, khiếu nại kịp thời liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố số điện thoại đường dây nóng: 0888.996.977. Đường dây sẽ hoạt động đến hết tháng 7-2019. PV |