400 cơ sở đào tạo, 600 ý tưởng tham gia Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia

Thứ Sáu, 18/12/2020, 19:20
Chiều 18/12, tại Trường Đại học (ĐH) Thủy lợi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia học sinh sinh viên lần thứ 3 năm 2020.

Ngày hội Khởi nghiệp để tiếp tục thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665)

Ngày hội Khởi nghiệp 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trường ĐH Thủy lợi và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức, trong 2 ngày 21 và 22/12/2020 tại Trường ĐH Thủy lợi.

Điểm nhấn của Ngày hội năm 2020 là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV_Startup 2020)” với sự tham gia của hơn 400 trường ĐH, cao đẳng, trung cấp và các trường THCS, THPT tham gia, tiếp cận được gần 20 triệu học sinh, sinh viên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi thông tin báo chí về Ngày hội Khởi nghiệp.

Cuộc thi dành cho HSSV có đội tuổi từ 12 - 24 tuổi, đang theo học tại các trường ĐH, trường cao đẳng Sư phạm, trung cấp, THCS, THPT trên toàn quốc. Cuộc thi được phát động từ tháng 7 năm 2020, đến nay đã nhận được gần 600 bài dự thi (tăng gấp đôi so với năm 2019).

Trong đó, có 72 dự án xuất sắc nhất được lọt vào Vòng bình chọn và vòng Chung kết của cuộc thi. Đặc biệt, năm 2020, nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp cấp trường hoặc cấp tỉnh để lựa chọn ra các dự án xuất sắc nhất tham dự vòng toàn quốc, trong đó có 3 dự án xuất sắc của học sinh THCS.

Nhiều dự án đã được các bạn học sinh, sinh viên triển khai bước đầu đã thành công, được triển khai và chuyển sang giai đoạn có lãi, các chỉ số doanh thu, lợi nhuận có mức độ tăng trưởng khá ấn tượng.

Buổi họp thông tin về Ngày hội khởi nghiệp học sinh sinh viên có nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về các chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, về những dự án khởi nghiệp của những năm trước có được ứng dụng vào thực tiễn hay không?, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị và học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc tổ chức Ngày hội là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Đề án 1665.

Theo cơ sở dữ liệu hiện nay của các dự án đã tham gia dự thi ở vòng sơ loại, đặc biệt là nhóm các dự án vào vòng chung kết của hai “Ngày hội khởi nghiệp” trước, đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đồng hành thường xuyên theo dõi để hỗ trợ các em về nguồn vốn, chuyên gia, hỗ trợ đào tạo để các em có thể nâng cấp dự án của mình.

Một số dự án đã hiệu quả như cao trị bỏng của học sinh Hà Tĩnh đã được đưa ra thị trường, có đơn vị hỗ trợ cho sản phẩm này xuất khẩu đi nước ngoài; hay dự án “platform”, cũng đã được đầu tư, đi vào sử dụng. Có những sản phẩm trực tiếp tạo ra các nền tảng học trực tuyến rất kịp thời phục vụ việc dạy và học trong thời gian qua.

Phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tạo môi trường rèn luyện và trưởng thành cho giới trẻ.

Về chính sách, theo ông Bùi Văn Linh, ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án 1665 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất Bộ Tài chính phê duyệt ban hành Thông tư 126 về sử dụng ngân sách phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp của các cơ sở giáo dục.

Theo Thông tư 126, các hoạt động khởi nghiệp trong học sinh sinh viên trở thành hoạt động bắt buộc và bền vững, trở thành hoạt động chuyên môn của các nhà trường, chứ không chỉ là “phong trào”. Các trường sẽ thành lập quỹ để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ…

Đề án 1665 có không gian và đối tượng rộng khắp, bao phủ toàn bộ các nhà nghiên cứu khoa học, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục toàn quốc, tiếp cận khoảng 16 triệu học sinh sinh viên. Hiện có khoảng 30 trường đại học có các trung tâm nhận được kinh phí hỗ trợ từ Đề án 844 về hệ sinh thái khởi nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.

Các trường đại học nhận thấy giá trị của khởi nghiệp là hoạt động chuyên môn, thường xuyên, tạo ra thương hiệu nhà trường và hơn hết, tạo ra môi trường “từ cấp thấp đến cấp cao” để học sinh sinh viên rèn luyện, có trải nghiệm. Như vậy, giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho học sinh sinh viên sẽ thấm nhuần trong hoạt động giáo dục”, ông Bùi Văn Linh chia sẻ.

Thu Phương
.
.
.