Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần IX:

Những giọng nói khác biệt

Thứ Hai, 26/09/2016, 09:09
Khi nhắc đến thế hệ viết trẻ, có một số ý kiến cho rằng đây là một thế hệ viết - chưa - được - định hình. Nghĩa là họ mờ nhạt, là chưa có gì để… nói cả.


Chỉ còn ít ngày nữa, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Hà Nội, câu chuyện văn trẻ lại trở thành điểm nóng của không khí văn chương cả nước. 

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần XIII (Ảnh: Tư liệu).

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc được khai mạc từ ngày 28 - 29/9 tại Hà Nội, quy tụ hơn 100 đại biểu trên cả nước. Tinh thần đề ra là tác giả thuộc các thể loại văn, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật, sinh năm 1980 trở về sau, đại diện cho các vùng miền trong toàn quốc, đã đoạt giải thưởng các cuộc thi sáng tác, có sách được xuất bản. Đại biểu lớn tuổi nhất sinh năm 1980 và đại biểu nhỏ tuổi nhất sinh năm 2001.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đáng lưu ý là hai tọa đàm xung quanh câu chuyện văn trẻ, bao gồm "Văn trẻ  - Nhập cuộc và sáng tạo", "Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân".

Hai tọa đàm mang tính chuyên môn này sẽ trao đổi, bàn thảo một số nội dung liên quan đến ý thức, thái độ, công việc sáng tác và tác phẩm của người trẻ trước thời cuộc, trước thực tế xã hội, cũng như những vấn đề tìm tòi, đổi mới nghệ thuật và nỗ lực làm mới, “làm khác” trong sáng tác trẻ.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy: Đừng tạo ra khuôn mẫu cho người viết trẻ

Theo nhìn nhận của tôi, đại đa số người viết trẻ đều lao động nghiêm túc, đến với chữ nghĩa một cách chân thành. Một vài thứ chiêu trò, một vài sản phẩm văn chương, một vài hiện tượng mượn chữ nghĩa để làm việc này việc khác chỉ là rất ít và nó có thể tạo ra sự hiếu kì nhất thời nơi công chúng nhưng rồi sẽ qua mau.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.

Còn lại, phần đông vẫn là những người trẻ miệt mài lao động và lặng lẽ với chữ nghĩa. Tôi nghĩ điều này sẽ được chứng minh dễ dàng.

Người ta cứ nói văn chương thời trang, văn chương thị trường nhưng thời trang thì đã sao, thị trường thì đã sao! Kể cả ai đó đi theo dòng văn học này kiên trì, bền bỉ và có những thành công nhất định thì cũng đáng trân trọng chứ. Mong muốn một nền văn học có đỉnh cao là dễ hiểu nhưng không có nền thì làm sao tạo được đỉnh?

Con đường của những nhà văn thành danh đều đi qua tuổi đôi mươi, và sau này chắc hẳn họ sẽ nhiều lần bật cười khi nghĩ lại thời ấy họ đã có những ý nghĩ như thế, đã làm những việc rồ dại như thế và chẳng ai thấy phải cần một chút mảy may xấu hổ.

Tuổi hai mươi muốn đội đá vá giời để đến tuổi năm mươi muốn làm chiếc lá là điều bình thường. Bởi thế đừng đặt vấn đề những người viết trẻ đang viết gì ở tuổi hai mươi. Thời gian là người thầy và cũng là chiếc sàng khắc nghiệt hắt họ sang bên lề chữ nghĩa nếu họ không đủ nội lực để trụ lại.

Dù có lầm lạc, dù có nhầm lẫn nhưng quan trọng là họ vẫn đang bước, và sự lầm lạc nếu có đó sẽ khiến họ bước những bước thận trọng hơn ở chặng sau của văn nghiệp. Hãy để những cánh chim ấy vẫy vùng tìm đến với vùng trời của riêng mình, vì tất cả cũng trong một bầu trời này mà thôi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Tôi đọc những người trẻ, thấy mình già nua

Tôi vừa đọc tác phẩm của mấy chục nhà thơ tham dự hội nghị lần này, tôi thấy 90% các nhà thơ đã mang một giọng nói hoàn toàn khác biệt. Trong đó, những câu hỏi dằn vặt nhất ta là ai, thế nào là ý nghĩa của đời sống này với một cách đặt câu hỏi và câu trả lời khác biệt.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Họ đã và đang bắt đầu có một đời sống khác, một ngôn ngữ khác và một tư duy khác. Nếu một người trẻ chỉ là một bản sao của những thế hệ đi trước thì đó là sự tàn lụi.

Họ phải khác biệt và mới mẻ trên một nền tảng cơ bản nhất đó là thái độ của anh ta đối với bản thân mình và thái độ của anh ta với đời sống xã hội. Chúng ta không nên đặt ra việc phải có một đội ngũ đông đảo các nhà văn danh tiếng. Văn chương đầy khắc nghiệt.

Chúng ta đừng đòi hỏi một số đếm như của một phong trào. Như thế chúng ta sẽ không công bằng với người viết và không hiểu thấu công việc của sáng tạo nghệ thuật. Chúng không thể đòi hỏi tất cả những người cầm bút đều phải trở thành tác giả quyết định hay đóng ghim vào thời đại.

Tôi muốn nói một điểm mà lâu nay chúng ta hay ngờ vực, rằng những người trẻ ích kỷ, hay cá nhân trong trang viết của họ. Nhưng thực ra, kể cả những trang viết về cá nhân một cách liều lĩnh nhất thì họ cũng đang đi tìm câu trả lời cho chính họ.

Nhưng cũng có một thực tế rằng, trong thời đại hôm nay, ảnh hưởng, tiếng vang của một tác giả trong đời sống hiện nay khó khăn hơn gấp nhiều lần so với chúng tôi thời xưa.

Chúng tôi ra một cuốn sách như thế, có thể tiếng vang sẽ hơn. Nhưng bây giờ thì không dễ dàng như thế. Bây giờ bạn đọc cũng khác, một nhà văn trẻ hay già đều tạo ra một khu vực bạn đọc riêng của mình.

Số lượng sách ra nhiều hơn, tác giả đông hơn. Lúc này, đòi hỏi vượt lên là một đòi hỏi ghê gớm và trong thời đại này, ai vượt lên để có ảnh hưởng đến bạn đọc là điều chúng ta đang mong đợi. Nhưng có một điều tôi nhận thấy rõ, tôi đọc những người trẻ và tôi nói với bạn bè rằng mình đã trở nên già nua.

Đấy là cách nhìn của tôi với những người trẻ, cách nhìn của một nhà văn, một người đọc nghiêm cẩn và trân trọng họ. Cứ để cho họ đi trên cuộc đời này. Mưa gió sẽ làm cho họ lớn lên.

Tôi luôn nói với những nhà văn trẻ mà tôi có cơ hội tâm sự: hãy đọc tất cả, nhưng khi ngồi xuống viết hãy quên tất cả đi. Hãy tin họ. Và chúng ta phải nhớ một điều rằng: chúng ta không có khả năng đi mãi cùng họ.

Nhà văn Đỗ Nhật Phi: Văn chương không phải trò chơi của số đông

Có ý kiến cho rằng, văn học trẻ đang "chết yểu". Thật tình, tôi chẳng hiểu vì sao người ta lại nghĩ thế? Đúng là văn học bây giờ đã trở nên lép vế rất nhiều so với các loại hình giải trí khác, nhưng từ đó mà đánh giá cả một thế hệ sáng tác, một phân khúc nền văn học thì thật là phiến diện.

Nhà văn Đỗ Nhật Phi.

Tôi không biết có phải họ đang so sánh một vài năm gần đây với cả một thế kỉ trước đó hay không? Văn chương chưa bao giờ là trò chơi của số đông. Những cái ta nhìn thấy bao giờ cũng chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Nếu như cho rằng văn học trẻ đang chết yểu vì những sáng tác kiểu yêu đương, trẻ con thì lớp văn học trước, trừ đi những gì thuộc về chân giá trị, cũng nhằm đáp ứng một nhu cầu nào đó thôi. Văn học trẻ đang trở mình, đang vươn vai, ở những góc cạnh mà đứng trên cao không dễ mà thấy được.

Trong cái tảng băng chìm ấy, tôi biết rằng, có nhiều tác giả trẻ đang ngụp lặn, đang nỗ lực sáng tạo và tìm tòi. Họ luồn sâu vào cái tôi, vào nỗi đau cá nhân nhất mà cũng phổ quát nhất, vào những "miền mộng ảo mới", chứ không phải là hớt bọt hiện tượng rồi hằn học đả kích. Họ trẻ, họ yếm thế, họ mò mẫm, làm sao mà dễ dàng nhìn ra họ đến thế được?

Chúng ta có  Nguyễn Dương Quỳnh với "Đỏ", "Thị trấn của chúng ta"; có Quang Vinh với "Biến mất"; có Bá Diệp với "Urem"; Lãng Diệp với "Bình yên tạm bợ", "Đường một chiều" và rất nhiều những cái tên khác nữa.

Bên cạnh những tác giả viết đáp ứng nhu cầu thị trường - đại thể kiểu "Tạm biệt, em sẽ ổn" -  thì các tác giả trẻ (tạm gọi là viết tử tế) viết nhiều về đời sống đô thị, sự cộc lệch của xã hội, nỗi cô đơn, lạc lõng, một nhóm khác thì lần mò trong fantasy, sci-fi (khoa học viễn tưởng)… 

Điều đáng nói nhất là, với sự thiếu sót tất yếu của trải nghiệm, vốn sống, các yếu tố khác như trí tưởng tượng, suy nghiệm và tri thức lại có điều kiện phô bày nhiều hơn. Các tác giả trẻ thể hiện được "gu" với nghệ thuật, với sự thưởng thức.

Tác phẩm của họ có những tham chiếu tới triết học, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ. Nói là làm màu cũng được, mà nói là phản chiếu đời sống hiện đại thì càng đúng, như lời một nhà phê bình văn học nào đó từng nói.

Hà - Dung (ghi)
.
.
.