Hài Tết 2017: Có tránh được nhạt, nhảm?

Thứ Hai, 16/01/2017, 15:41
Tết được coi là mùa chạy show của các danh hài, không chỉ ở các sự kiện tạp kỹ mà còn ở các băng đĩa, chương trình hài Tết. Trong thời buổi nhà nhà làm hài, người người làm hài, hài Tết 2017 có tránh được nhảm và nhạt?


Nỗ lực đổi mới

Ý thức được việc mấy năm gần đây, hài Tết thường bị chê tơi tả vì nhảm, nhạt. Và trong thời buổi lấn sân của các gameshow truyền hình, của đĩa lậu, các đạo diễn hài không khỏi lo lắng, tìm hướng đi mới cho hài Tết 2017.

Ngoài những series được kể tiếp, “Làng ế vợ”, “Chôn nhời”, “Đại gia chân đất”… hài Tết 2017 vẫn khai thác bối cảnh dân gian với những tình huống dở khóc dở cười, những câu chuyện sau lũy tre làng, với ước mơ đổi đời, gái ế xấu mong thành thiên nga.

Những đề tài cũ vẫn lặp lại trong hài Tết 2017.

Những đề tài muôn thuở của hài phục vụ tầng lớp bình dân và thói quen xem hài Tết của khán giả miền Bắc. Đạo diễn Phạm Đông Hồng bật mí chùm 3 phim hài tết “Enter”, “Bờm”, “Chôn nhời 4” sẽ không thua kém gì Táo Quân khi đả kích sâu cay những vấn đề nóng của xã hội trong năm qua, chuyện “chọn cá hay chọn thép”, kinh doanh thực phẩm bẩn, chuyện xây chuồng gà và dọn rác cũng phải xin phép, rồi chuyện bán hàng đa cấp, trào lưu câu like sống ảo.

Theo đạo diễn Phạm Đông Hồng, đây là những khác biệt mà ông đưa vào thị trường hài Tết năm nay, cũng là một cách làm mới một món ăn đã quá cũ và nhàm. Tuy nhiên, đề cập đến những vấn đề thời sự cũng là một thử thách với những người đã quen làm hài dân dã, kể những câu chuyện dân gian.

Đạo diễn Bình Trọng, không đổi mới về đề tài, vẫn thủy chung khai thác hai series ăn khách trước đó, “Đại gia chân đất 7” và “Làng ế vợ 3”.  Nhưng vị đạo diễn được coi là của tầng lớn bình dân này đầu tư kỹ lưỡng hơn về kịch bản, thiết bị ghi hình và bối cảnh.

“Làng ế vợ 3” khai thác câu chuyện tình trắc trở của những chàng trai chưa có gia đình nhưng có những thước phim được quay tận bên Nga. Một loạt những tình huống bi hài được đầu tư kỹ lưỡng, với những diễn viên chuyên nghiệp như NSND Trung Hiếu, diễn viên Chiến Thắng, hy vọng “Đại gia chân đất 7” sẽ thoát khỏi cái bóng cũ và nhảm, thậm chí có một số cảnh dung tục của các series trước.

Vượng Râu cũng trình làng sản phẩm hài “Cưới đi kẻo ế” với sự góp mặt của nhiều diễn viên nổi tiếng Bắc - Nam. Hài Tết năm nay cũng thu hút nhiều gương mặt mới, Lê Thị Dần - người gây ấn tượng với khán giả từ chương trình “Thách thức danh hài”, ca sĩ Lâm Chí Khanh, diễn viên truyền hình phía Nam Tường Vy, MC Thảo Vân, ca sĩ Long Nhật…

Đặc biệt, thị trường hài Tết năm nay đánh dấu sự xuất hiện của hai tên tuổi mới toanh đó là đạo diễn Mai Hồng Phong và biên kịch Doãn Tâm với đĩa hài “Ra phố tìm con”.

Đạo diễn Mai Hồng Phong vốn là đạo diễn nổi tiếng của nhiều bộ phim truyền hình từng “làm mưa làm gió” trên sóng truyền hình như: “Những ngọn nến trong đêm”, “Đèn vàng”, “Phía cuối cầu vồng”, “Blog nàng dâu”, “Lời ru mùa đông”, “Lời thì thầm từ quá khứ”… và đây là lần đầu tiên anh bắt tay vào đạo diễn hài Tết.

Tuy nhiên, trong thời buổi “nhà nhà làm hài, người người làm hài” như hiện nay, liệu những gương mặt mới có làm nên sắc màu mới cho hài Tết 2017.

Vì sao hài Tết nhạt?

Đa phần các đĩa hài Tết đều tiếp nối lối khai thác truyền thống với những câu chuyện dở khóc dở cười phía sau luỹ tre làng của đám trai làng ế vợ, thói hám danh - hám lạ của những kẻ “trưởng giả học làm sang”, những câu chuyện bi hài về phẫu thuật thẩm mỹ, sự đổi thay của những người dân ở thôn quê khi lên thành thị, những người trẻ mải mê chạy theo mạng ảo rồi ảo tưởng về bản thân… Quẩn quanh những đề tài cũ, câu chuyện cũ.

Nhiều gương mặt cũ trong hài Tết 2017.

Chính Nghệ sĩ ưu tú Minh Vượng cũng phải thở dài mà nói rằng, những tiếng cười thị trường đang chiếm lĩnh đời sống. Chưa bao giờ những tính từ “nhạt”, “nhảm” được dùng để chỉ hài Tết nhiều như những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Bình Trọng: “Không có hài nhảm, hay hài nhạt, điều quan trọng là có lấy được tiếng cười của khán giả và khiến họ thích thú hay không”. Vì thế, anh vẫn tiếp tục với series “Làng ế vợ” và “Đại gia chân đất” của mình, mặc dù năm ngoái bị chê là cũ và nhảm.

Thực tế có nhiều tiểu phẩm hài Tết nhạt nhẽo vì thiếu kịch bản hay, diễn viên chạy show nhiều, không có thời gian đầu tư kỹ lưỡng cho kịch bản. Hầu hết các đĩa hài Tết đặt yếu tố câu khách lên hàng đầu, khai thác các vấn đề nhạy cảm, gợi dục, nhiều lời thoại khiếm nhã.

Nội dung nhạt cố bám víu vào những chi tiết nhạy cảm phòng the khiến nhiều tình huống trở nên kệch cỡm. Sự lựa chọn đó cũng là cách chiều thị hiếu đám đông, nhưng xem ra là một hướng đi hoàn toàn sai lệch của các nhà sản xuất, khi làm rẻ rúng, dung tục hài.

Quang Thắng và Minh Hằng trong “Chôn nhời”.

Hơn nữa, trong cuộc chiến không cân sức với băng đĩa lậu, hài Tết lựa chọn cách nuôi sống mình bằng quảng cáo. Hiện tượng “một phút nội dung, ba phút quảng cáo” không còn lạ khi xem các đĩa hài Tết.

Đó gần như cũng là nguồn thu chính để các nhà đầu tư lấy lại vốn trong cuộc chiến ngổn ngang này. Nghĩ cũng buồn và có chút cảm thông với nhà sản xuất, diễn viên khi những nỗ lực của họ trở thành công cốc vì các nhà quản lý đang bất lực với băng đĩa lậu.

Lâm Chi Khanh lần đầu thử sức với hài.

Nhưng sự lạm dụng thái quá quảng cáo khiến hài Tết gây cảm giác thiếu tôn trọng khán giả. Chưa hết, nhiều băng đĩa hài còn mạnh bạo cắt cúp sao cho phim ít mà quảng cáo nhiều. Những sản phẩm hài Tết bỗng chốc trở thành những bộ phim trá hình quảng cáo thương hiệu cho các sản phẩm.

Chưa kể, sự tràn ngập các gương mặt cũ trong các phim hài Tết cũng khiến món ăn vốn dĩ hấp dẫn này trở nên nhàm. Dạo quanh thị trường băng đĩa, người xem không khỏi ngán ngẩm khi bìa tiểu phẩm nào cũng luẩn quẩn những gương mặt cũ mèm.

Tết được coi là mùa chạy show của các danh hài. Tự Long, Công Lý, Quang Thắng, Quang Tèo, Giang Còi, Chiến Thắng, Trung Hiếu, Hồng Vân, Minh Hằng, Kim Oanh - những danh hài chỉ nghe tên khán giả đã biết nhưng nếu lặp lại nhiều lần với lối diễn quen thuộc cũng làm người xem chán nản.

Việc chọn diễn viên cũ, gương mặt quen, nổi tiếng cũng là một chiêu hút khách của nhà sản xuất, nhưng lạm dụng quá nhiều những tên tuổi “10 năm nay vẫn thế” khiến khán giả không còn mặn mà với hài Tết.

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh thẳng thắn: “Đĩa hài Tết bây giờ khó sống, bởi bao nhiêu năm rồi, nội dung vẫn nói đi nói lại những câu chuyện đã biết từ lâu, cũng chừng ấy nhân vật.

Hài Tết bây giờ phải cạnh tranh với mạng xã hội, với Youtube, các trò chơi gameshow trên truyền hình nên cũng không có nhiều khán giả như trước. Trong khi đĩa chưa phát hành thì đĩa lậu đã được tuồn ra thị trường, đấy là một thực tế khiến nhiều người, kể cả nghệ sĩ không còn mặn mà với hài Tết”.

Nsưt Minh Vượng: Mọi người đang lạm dụng tiếng cười thị trường

Tôi vẫn tham gia một số chương trình hài Tết của năm nay. Có seris “Chuyện trong nhà ngoài phố” làm cho kênh ANTV. Đó là những câu chuyện mang tính cảnh giác cao về giao thông, đi lại những ngày Tết, nhất là cảnh giác việc uống rượu bia. Tôi muốn qua tiếng cười, mang đến một thông điệp nào đó cho mọi người về một cái Tết bình yên, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Hài lúc nào cũng có giá trị bởi cuộc sống vốn quá nhiều áp lực, mệt mỏi rồi, hài mang đến tiếng cười nhẹ nhõm, biến chuyện to thành chuyện nhỏ. Người nghệ sĩ ra đĩa hài cũng mong được khán giả đón nhận. Tuy nhiên có những tác phẩm hay, ý nghĩa nhưng có nhiều tác phẩm dễ dãi. Nghệ sĩ dễ dãi, công chúng dễ dãi, báo chí tung hô thái quá với những nhân vật mới làm nên một trào lưu không tốt đối với hài. Với tôi, hài phải mang tính định hướng về thẩm mỹ và giáo dục, gửi gắm một thông điệp nào đó cho mọi người.

Bây giờ nhà nhà làm hài, người người làm hài, tự dưng cảm giác thể loại này trở nên dễ dãi. Hài đến với mọi đối tượng khán giả, từ ông già đến trẻ em, những lời nói dung tục, sáo rỗng đó sẽ ảnh hưởng đến thẩm mỹ giáo dục các em như thế nào. Tôi có cảm giác như bây giờ cứ hài là phải dung tục, ăn mặc hở hang, nhiều khi tôi cũng không dám xem.

Tôi nghĩ, từ phía các nghệ sĩ phải có sự trân trọng với tác phẩm của mình, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Còn công chúng, nhiều lúc tôi thấy chạnh lòng buồn vì có những công chúng quá dễ dãi. Tôi và thế hệ tôi làm một tác phẩm phải cẩn trọng từng dấu chấm, phẩy, không để bị cuốn theo tiếng cười thị trường. Các cụ ngày xưa vẫn nói rằng, có tiếng cười tâm lý và tiếng cười sinh lý.

Tiếng cười tâm lý mang đến những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, giải trí mà vẫn sâu cay, còn tiếng cười, nhảm nhí bây giờ đang tràn lan trong các tiểu phẩm hài. Cho nên cần thiết, các ngành chức năng phải có sự kiểm duyệt các đĩa hài Tết trước khi ra mắt công chúng để chúng ta được thưởng thức những tác phẩm hài đúng nghĩa trong những ngày xuân

PV
.
.
.