Ronaldo và đội bóng “một người”

Thứ Tư, 15/06/2016, 08:00
Cứ mỗi khi Bồ Đào Nha (BĐN) bước vào một giải đấu lớn, bình luận dễ bắt gặp nói về BĐN là: Đội bóng một người. Euro 2016 không phải ngoại lệ.


Sau Euro 2004, bóng đá BĐN bước vào cuộc suy thoái tài năng trầm trọng. Thế hệ Rui Costa, Figo bước xuống nhưng lớp kế cận tìm mãi chẳng thấy đâu.

Hơn 10 năm trôi qua, Cristiano Ronaldo, từ lúc còn gán mắc “tài năng” cho tới khi đã trở thành “ngôi sao”, đã luôn bước ra sân đấu với trách nhiệm cao cả, là gánh vách ĐTQG.

Ronaldo và đội bóng “một người”.

Trong hoàn cảnh ấy, vai trò của Ronaldo chưa bao giờ phai nhạt, mà chỉ thêm rõ nét qua từng ngày. Các đời HLV luôn tìm mọi phương án chiến thuật xoay quanh Ronaldo.

Đầu tiên là tiền vệ trái, sau đó là tiền vệ phải, kế tiếp tiền đạo cắm rồi đi tới kết luận: Ronaldo đá đâu cũng được, miễn sao anh thấy thoải mái.

Gọi BĐN là đội bóng một người vì nhẽ ấy. Nhắc tới BĐN, ngay lập tức NHM sẽ thốt ra hai chữ “Cristiano Ronaldo” như phản xạ tự nhiên.

Thành công hay thất bại, người ta đều lấy Ronaldo ra làm trung tâm vũ trụ. Tại Euro 2016, khi Ronaldo vừa giành ngôi vô địch Champions League cùng Real, một lần nữa, bài ca muôn-năm-cũ vang lên.

Tờ A Bola, nhật báo thể thao lớn nhất BĐN cũng không thoát khỏi luồng suy nghĩ ấy. “Thắng hay thua, Ronaldo là người quyết định”, trang nhất số ra hôm qua trước trận mở màn gặp Iceland.

Nhưng “đội bóng một người” là khái niệm gây ra nhiều tranh cãi. Bởi đơn giản, bóng đá là môn thể thao của 11 người. Cứ tạm coi Ronaldo ghi toàn bộ số bàn thắng của BĐN tại một giải đấu, ai là người chuyền cho anh ghi bàn, hay tự anh solo, đi bóng từ đầu tới cuối sân rồi dứt điểm?

Vả lại, phải tùy vào hoàn cảnh, diễn biến cụ thể trên sân mới có thể đưa ra định nghĩa chính xác về “đội bóng một người”. Và trên hết, bản thân Ronaldo có thi đấu cùng tinh thần “mọi người vì một người” không, hay anh ta không ích kỷ như chúng ta thường mặc định.

Diễn biến ở St-Etienne cho ta biết những gì? Trong hiệp 1, trước bàn mở tỷ số của Nani, cơ hội ngon ăn nhất BĐN tạo ra về phía khung thành Iceland bắt nguồn từ đường tạt bóng như đặt của… Ronaldo.

CR7 trong hiệp một chỉ tung ra 2 pha dứt điểm, ít hơn tiền vệ trung tâm Joao Moutinho. Trong 15 đường chuyền Ronaldo thực hiện, có 3 lần bóng tìm đến vị trí mà người nhận bóng trong tư thế thoải mái dứt điểm.

Đấy là hiệp 1, khi BĐN hoàn toàn làm chủ cuộc chơi, sớm có bàn dẫn trước. Ronaldo sẵn sàng hòa mình vào lối chơi ấy, vì anh hiểu rằng khi 11 cái đầu đang hưng phấn, chẳng tội gì làm giảm cơ hội ăn bàn của đội nhà chỉ vì vài tình huống cá nhân thừa thãi.

Nhưng tới hiệp 2, Iceland thay đổi chiến thuật, tăng cường áp sát và tích cực tạt cánh, BĐN dần mất thế trận. Họ vẫn cầm bóng, nhưng là sự kiểm soát thụ động. Ronaldo lại thay đổi.

Anh tích cực đi bóng, cố định ở trung tâm hàng thủ đối phương và ra chân ngay khi đối phương hở ra khoảng trống.

Ronaldo không cố tình biến BĐN thành “đội bóng một người”. Vì trong 45 phút còn lại của trận đấu, đồng đội của anh đâu có uyển chuyển, mượt mà như hiệp 1? Không một pha dàn xếp đáng chú ý từ tuyến hai, chẳng phải “cá nhân” là lựa chọn duy nhất của Ronaldo hay sao?

Đừng lãng phí thời gian vào những cuộc tranh cãi vô bổ về Ronaldo và BĐN. Trên hết, tự bản thân Ronaldo là cầu thủ xuất chúng. Anh biết nên làm gì, phải làm gì, ở đâu, lúc nào, khi nào.

“Đội bóng một người”, vì thế, chỉ là khái niệm mang tính tương đối, thiên nhiều về xúc cảm mà thôi.

Khải Huyền
.
.
.