Nhìn từ EURO 2016: một châu Âu hỗn loạn

Thứ Sáu, 17/06/2016, 14:14

Những gì đang diễn ra tại EURO 2016 đã chỉ ra một thực trạng của châu Âu hôm nay, một châu Âu bấn loạn và hỗn độn…

Kể từ vụ đánh bom Paris, đề tài được nhắc đếnnhất xoay quanh sự kiện EURO 2016 lúc nào cũng là mối đe doạ khủng bố. Mối đe doạ ấy càng lớn hơn khi trước khi khai mạc EURO không lâu, Brussels cũng bị đánh bom, đúng vào dịp các ĐTQG tập trung đá giao hữu. Một mối liên hệ mờ đã được đưa ra, giữa bóng ma khủng bố và những dịp CĐV bóng đá được dịp tụ tập lại với nhau ở các sân bóng. Còn gì đáng sợ hơn nếu một vụ nổ bom xảy ra giữa một sân vận động đang kín hàng chục ngàn người? Đó sẽ là bi kịch kinh hoàng nhất mà loài người phải trải qua, nhất là khi mỗi sự kiện giữa trung tâm châu Âu ấy hội tụ hàng chục camera hiện đại, sắc nét để truyền tải trực tiếp mọi hình ảnh diễn ra trên sân.

Nhưng EURO đã khởi đầu một cách êm đềm trước mối đe dọa đáng sợ kia. Công tác an ninh được đề cao hết mức đã giúp người hâm mộ có thể an tâm tề tựu nhau ở các khu fanzone, các vận động trường để họ được thưởng thức không khí lễ hội mà bóng đá mang lại ở mỗi năm chẵn. Song không phải là EURO đã mang tới những hình ảnh đẹp về một châu Âu như mơ chỉ vì mối đe doạ kia đang được đẩy lùi. Ngược lại, EURO năm nay đã lột tả một châu Âu đầy hỗn loạn, một châu Âu bế tắc đầy rẫy những rạn nứt tưởng như đã được chôn vùi từ rất lâu.

Khi trọng tài nổi hồi còi mở màn trận đấu giữa Thụy sỹ và Albani ở lượt đấu đầu tiên của bảng A, không nhiều người nhận ra rằng đội tuyển mà lá quốc kỳ màu đỏ có in hình con đại bàng đen kia đã từng là một chứng nhân lịch sử vĩ đại mang đầy tính nhân văn của loài người ở một thời đoạn. Đó là thời kỳ Thế chiến thứ II, thời kỳ của nghĩa phát xít đang là bóng ma trùm lên cả lục địa già. Albania chính là quốc gia duy nhất ở châu Âu lục địa khi đó có lượng người Do Thái sinh sống sau Thế chiến II đông hơn so với trước thời điểm cuộc tận diệt người Do Thái của Đức quốc xã bắt đầu. Đơn giản, dù là những người theo Hồi giáo nhưng trong văn hóa, lịch sử của mình, người Albania không bao giờ nuôi dưỡng một tư tưởng bài Do Thái. Dân Albania đã giúp người Do Thái trốn lẫn trong gia đình mình, cung cấp căn cước giả cho họ, đón nhận những người Do Thái trốn chạy từ các quốc gia láng giềng sang, che giấu họ, nuôi dưỡng họ. Sau Thế chiến II, người Albania thực sự đã để lại một tấm gương nhân bản mà nhiều dân tộc khác phải ngưỡng mộ. Nhưng, tấm gương ấy ngày hôm nay đã không còn được ai soi chiếu nữa. Để từ đó, EURO 2016 trở thành điểm nhấn nhức nhối về vấn nạn kỳ thị chủng tộc được hình thành từ rất nhiều nguyên nhân, kể cả là từ nỗi sợ hãi thường trực của chính mình.

Những đụng độ giữa CĐV Anh với cư dân gốc nhập cư Hồi giáo ở Marseille, ở Lille đã khiến tất cả phải giật mình thực sự vì sự lớn mạnh của phong trào bài Hồi giáo ở châu Âu, mà điển hình là phong trào EDL (English Defence League) tại Anh. Xuất phát từ nỗi sợ hãi từ những vụ khủng bố mà Hồi giáo cực đoan mang lại, được cộng hưởng với phong trào Brexit (kêu gọi Liên hiệp Vương quốc Anh rời khỏi EU), EDL lớn mạnh với tốc độ khủng khiếp và nó nhiễm sâu vào các tập đoàn (firm) hooligans trên khắp nước Anh. Song, đụng độ giữa những CĐV Anh cực đoan đó với cư dân bản xứ gốc Hồi giáo nhập cư không phải là những sự kiện gây shock lớn nhất. Việc các hooligans Nga, Ukraine hoành hành, đặc biệt săn lùng các đối thủ chủ yếu của mình (Anh – Đức) mới khiến hình ảnh của châu Âu trở nên xấu xí vô cùng. Họ, với chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đề cao giá trị của người Slavs, đã sẵn sàng “tìm và diệt” những người da màu, những người Caucasus, người gốc Á, người Do thái. Và bất chấp cảnh báo của UEFA về một lệnh trừng phạt nghiêm khắc, họ coi việc hạ gục các đối thủ thuộc các chủng tộc khác trở thành nhiệm vụ tối thượng và vinh quang.

Thực chất, mối đe doạ này đã xuất hiện lẻ tẻ từ 4 năm trước, khi Ukraine là đồng chủ nhà của EURO 2012. Lúc đó, những đe doạ đặc biệt nhắm tới các cầu thủ, các CĐV da màu đã khiến chính phủ Anh cảnh báo công dân mình không nên mạo hiểm đến Ukraine. Thậm chí, một số tuyển thủ Anh còn không dám đưa vợ con sang Ukraine vì lý do an toàn. Hôm nay, vấn nạn kỳ thị chủng tộc ấy đã càng hiển lộ rõ ràng hơn, khi những thù địch đã được đẩy đến mức độ sâu sắc nhất bởi rất nhiều sự kiện đã dồn dập xảy ra trên thế giới suốt vài năm qua và nó cũng đưa ra một cảnh báo cụ thể về khả năng thế giới sẽ bị chia rẽ mạnh mẽ vì chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chúng ta từng nói ở trên về tấm gương Albania và chúng ta cũng nên quay lại với chính Albania để thấy châu Âu đã biến đổi thế nào. Hai năm trước, ở vòng loại EURO 2016, trên sân của Serbia , trận cầu giữa Serbia và Albania đã phải ngưng lại ở phút thứ 42. Đó là lúc trên khán đài, CĐV Serbia, những người rất gần với chủ nghĩa phát xít mới, đã hát vang câu "Ubij, ubij, Šiptara" (Hãy giết hết bọn Albania – trong tiếng Albania, Siptara là cách người Albania gọi dân tộc mình). Và cũng đồng thời điểm đó, một chiếc máy bay được điều khiển từ xa (drone) mang quốc kỳ Albania và biểu ngữ “Đại đế quốc Albania” đã lượn quanh sân như chọc tức những người Serbia. Ẩu đả đã xảy ra và UEFA đã xử Serbia thua 0-3, một án phạt góp phần rất lớn để Albania trở thành đội bóng tới EURO kỳ này thay vì Serbia. Vâng, EURO 2016 thực tế đã khởi động như thế, từ 2 năm trước và đến bây giờ, khi nó đang bày ra cho thế giới thấy nó không chỉ là những sân bóng mà còn là những trận địa trong đô thị giữa các phe nhóm mang đầy hận thù chủng tộc, chúng ta sẽ thấu rõ hơn châu Âu đang bấn loạn ra sao và hỗn độn thế nào.

Và trong lúc ấy, các cuộc đình công ở Pháp vẫn chưa chịu hạ nhiệt, với màu sắc bắt đầu qúa khích hơn và thậm chí, với những mánh lới bắt đầu “bẩn thỉu” hơn.

Phải chăng, tương lai của châu Âu, sẽ như những gì bà Vanga đã nói, trong một tiên tri kinh hoàng???

Hà Quang Minh
.
.
.