Bảng B, Chủ nhật ngày 12-6, 02h00, sân Velodrome:

Anh – Nga: Ấn tượng nào cho Tam Sư?

Thứ Bảy, 11/06/2016, 09:54
Ấn tượng đầu tiên luôn là ấn tượng khó phai nhất. Cách một đội tuyển chơi trận mở màn trong một giải đấu lớn sẽ nói lên nhiều điều, đặc biệt khi Anh có mặt trong một bảng đấu tương đối khó lường là bảng B. Ở trận đầu tiên, Anh sẽ gặp Nga – một đối thủ mà họ thường thắng một cách khó nhọc. Ở 4/5 lần đối đầu gần nhất, Tam Sư đã vượt qua Những Chú Gấu với tỉ số 1-0.

“Đội tuyển Hollywood”

Như thường lệ, cứ trước một giải đấu lớn, đội tuyển Anh lại là tâm điểm của những lời bàn ra tán vào. Liệu ngôi sao A có được triệu tập lên đội tuyển? Vì sao cầu thủ B không mấy danh tiếng lại được góp mặt? Chiến thuật C liệu có được áp dụng? Nền truyền thông mạnh mẽ của nước này thường gặp cảnh “gậy ông đập lưng ông” khi họ thúc đẩy những áp lực lớn bao trùm lên bầu không khí đội tuyển.

Tương tự, trước thềm Euro 2016, sóng gió lại nổi lên. Liệu Wayne Rooney có xứng đáng “chắc chắn đá chính” chỉ vì những lý do như đang là đội trưởng, có thâm niên cống hiến? Vì sao huấn luyện viên Roy Hodgson lại một mực bảo vệ việc triệu tập Jack Wilshere? Đây được xem là hai trường hợp bị chê bai nhiều nhất, bởi Rooney đã có phong độ không cao trong năm qua, trong khi đó Wilshere thậm chí đã chấn thương tới 95% thời gian mùa giải.

Đội tuyển Anh vẫn nhận nhiều sự nghi ngờ.

Nhưng sau cùng, Hodgson đã đưa ra quyết định, và giờ thì có bàn tán mãi cũng không thể thay đổi được danh sách đăng ký của Tam Sư. Và thế là báo giới Anh chuyển sang một hướng công kích khác: lối chơi.

Chiến thuật nào cho vừa?

Đến phần này, chúng ta sẽ phải nhắc tới những con số, sắp xếp thành các sơ đồ chiến thuật: 4-4-2, 4-5-1, 4-2-3-1. Kể từ sau World Cup 2014, ông Hodgson sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 một cách hạn chế hơn, bởi đây chính là hệ thống dẫn tới mùa hè Brazil đáng thất vọng của Anh.

Nhưng điều đáng nói lại chính ở vấn đề này. Trước thềm World Cup 2014, Hodgson đã cho đội tuyển Anh chơi thử các sơ đồ 4-5-1 và 4-4-2 kim cương khá thành công, nhuần nhuyễn. Nhưng rồi chỉ vì muốn có vị trí tiền vệ tấn công cho Wayne Rooney, ông gạt hết thử nghiệm để dùng 4-2-3-1. Hậu quả là rất rõ ràng: Anh bị loại từ vòng bảng.

Thời gian vừa qua, Anh đã cố gắng thử nghiệm các sơ đồ 4-5-1 và 4-4-2 kim cương, nhưng người hâm mộ Tam Sư đang lo lắng rằng ông Hodgson sẽ lại một lần nữa... đổi ý bất ngờ. Chỉ ít ngày trước khi trận mở màn bảng B diễn ra, người ta đã nhìn thấy trợ lý Ray Lewington cầm một tập giấy, mà ở bìa ngoài viết những cái tên, được sắp xếp thành... 4-3-2-1 (sơ đồ cây thông).

Tóm lại, kỳ vọng vào đội tuyển Anh vẫn sẽ là một sự... mạo hiểm. Không ai có thể biết được rằng rốt cục thì họ sẽ chơi bóng như thế nào, nhân sự sắp xếp ra sao.

Không khó để dự đoán đội hình xuất phát của đội tuyển Anh nếu chỉ dựa vào phong độ của cầu thủ trong năm qua. Nhưng nếu nhìn từ góc độ “cảm tình” của Roy Hodgson, sẽ lại có một đội hình rất khác.

Rốt cục thì sau nhiều năm, đội tuyển Anh vẫn mắc căn bệnh “đội tuyển Hollywood”: đẹp đẽ, hào nhoáng, nhưng lại không có thực lực, chủ yếu vì tác nhân bên trong tự “diễn biến”.

Ở Việt Nam, phần lớn khán giả yêu bóng đá đều theo dõi Ngoại hạng Anh thường xuyên, và cũng vì thế muốn theo dõi đội tuyển Anh. Nhưng cũng chỉ vài giây trước khi người viết thực hiện phần bình luận này, một khán giả kỳ cựu đã quay sang nói rằng, chẳng bao giờ nên chờ đợi Anh...

Dự đoán: Anh - Nga:1-1

Bóng đá cần “chuyên môn”!

Vòng chung kết Euro trong nhiều năm đã qua vẫn thường được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, tương tự như việc vòng chung kết World Cup được đánh giá cao về tính chất đa dạng văn hóa túc cầu. Nhưng giờ thì điều đó nhiều khả năng sẽ không còn.

Lý do vòng chung kết Euro được đánh giá cao là bởi nó chỉ bao gồm 16 đội. Một vòng sơ loại diễn ra giữa hơn 50 liên đoàn bóng đá thành viên để giành 15 tấm vé (không tính suất trao cho chủ nhà) được xem là một phép loại trừ chất lượng, bởi tính cạnh tranh là rất cao.

Michel Platini không còn điều hành UEFA.

16 đội tuyển lọt vào vòng chung kết ấy thường tạo ra một bầu không khí tích cực về chuyên môn, bởi trừ khi họ là một đội tuyển lớn với truyền thống và thực lực cao cấp (như Đức, Pháp, Italia...) thì chặng đường nào cũng mang tính “nằm gai nếm mật”. Mới chỉ 2008 thôi, đội tuyển Anh còn không lọt nổi vào vòng chung kết, dù sở hữu một lứa cầu thủ hảo hạng.

Năm nay, vòng chung kết Euro thay đổi về quy mô. Sẽ là 24 đội có mặt tại Pháp mùa hè này, thay vì 16. Euro 2020 cũng được dự kiến sẽ có quy mô tương tự. Và thậm chí, nhìn vào những phát biểu của Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) trong những năm qua, có thể dự đoán rằng vòng chung kết Euro sẽ không bao giờ giảm xuống dưới con số 24 nữa.

Tất cả đã thay đổi vì cách điều hành đậm màu sắc chính trị của các vị lãnh đạo cấp cao của UEFA. Thậm chí, có thể chỉ ra một cái tên nổi bật: Michel Platini.

Chính Platini là một trong những người đầu tiên đưa ra ý tưởng về một vòng chung kết với 24 đội tham dự, và tới nay, sự thay đổi chính thức về quy mô vẫn được xem là “con đẻ” của Platini.

Ý tưởng này chính là một trong những lý do chính dẫn đến sự “độc tôn” về vị thế của Platini tại UEFA, trong thời gian ông tự ứng cử và làm Chủ tịch UEFA. Lý do rất đơn giản: ông đã “thu phục” lá phiếu của những liên đoàn bóng đá nhỏ bé. Sự thật là lá phiếu của Bắc Ireland, Romania, Albania cũng có sức nặng tương đương lá phiếu của Anh, Đức, Italia.

Mở rộng quy mô vòng chung kết cũng đồng nghĩa rằng cơ hội dự vòng chung kết cho các nước nhỏ tăng lên. 53 đội tuyển cạnh tranh cho 23 “vé” rõ ràng hơn là 16 “vé”.

Nhưng cũng vì thế, chúng ta sẽ phải chứng kiến những trận đấu như Bắc Ireland gặp Ukraine, hay Romania gặp Albania thường xuyên hơn tại vòng chung kết Euro. 70% số trận của giải sẽ chỉ dùng để loại bớt 30% số đội. Một vòng bảng dài đằng đẵng và chán ngán nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Rõ ràng bóng đá cần có một sự điều hành giàu tính chuyên môn hơn là chính trị.

Du Phong

Dũng Lê
.
.
.