TP.HCM:

Nhiều sinh viên không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Thứ Tư, 17/11/2004, 10:53
Hầu hết sinh viên TP. Hồ Chí Minh mới ra trường đều có tư cách đạo đức tốt, chăm chỉ,  nhưng không ít SV rất lúng túng khi trả lời câu hỏi như: "Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh là ai, hay trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam là TP nào?".

Bà Trần Thị Đường - nguyên Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú - cho rằng: "Trình độ của SV ra trường còn nhiều hạn chế, cả về lý thuyết lẫn thực hành. Kiến thức về chuyên môn kỹ thuật chênh lệch quá xa so với những tiến bộ kỹ thuật hiện tại. Vì vậy, khi tiếp cận với thiết bị hiện đại, với công nghệ mới, SV rất bỡ ngỡ, hầu như phải học từ đầu".

Đáng buồn hơn nữa là có trường hợp SV mắc 7-8 lỗi chính tả trong một trang viết tiểu luận. SV vẫn thiếu tính chủ động, sáng tạo, làm việc thụ động, chờ ý kiến cấp trên, không tự lập trong công việc. Đây là những điểm yếu khiến nhiều SV bị loại khỏi vòng tuyển dụng. Tại Công ty Dệt Phong Phú hiện có gần 600 kỹ sư, khoảng 1.000 cán bộ trung cấp với mức lương hấp dẫn, có người hưởng trên 1.000 USD/tháng, nhưng mỗi đợt tuyển dụng Công ty chỉ thu nạp được khoảng 10% trong số người dự tuyển.

Hằng năm, số SV TP. Hồ Chí Minh ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo chỉ chiếm khoảng 25%. Còn lại phải làm trái nghề hoặc nằm nhà chờ việc. Đánh giá trên được đưa ra tại Hội thảo "Giáo dục và đào tạo đại học - cao đẳng đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh".

Một loạt các điểm yếu khác mà SV thường vấp phải là chưa đáp ứng được yêu cầu sức khỏe, khả năng chịu áp lực công việc kém, không đáp ứng nổi những chuyến công tác dài ngày hay khi làm việc ở cường độ cao.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giải thích, nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do số lượng và cơ cấu đội ngũ giảng viên khối đại học - cao đẳng khu vực TP. Hồ Chí Minh nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về nâng cao chất lượng và năng lực giảng dạy theo yêu cầu đổi mới. Trang thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm cho sinh viên ở nhiều trường hiện vừa thiếu, vừa lạc hậu so với trình độ hiện tại. Có môn học, sinh viên được thực hành trên thiết bị được sản xuất cách đây 30-40 năm. Tài liệu nghiên cứu, tham khảo biên dịch cũng như giáo trình, giáo án từ nhiều năm trước, thiếu cập nhật…

Theo Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp - Phó Giám đốc Trường Cao đẳng Bán công Hoa Sen TP. Hồ Chí Minh, yếu tố quan trọng để tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển công nghiệp TP là làm sao người tốt nghiệp phải đáp ứng được tối đa nhu cầu về ngành nghề của công nghiệp. Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp nói: "Lối giảng dạy đại học theo phương thức trao cho SV những chìa khóa để mở những ổ khóa có sẵn là vô cùng nguy hiểm".

Các nhà khoa học dự báo, tất cả những kiến thức công nghệ mà chúng ta sử dụng hiện nay chỉ bằng 1% của kiến thức mà chúng ta biết vào năm 2050. Doanh nghiệp nào đáp ứng tốt với thay đổi và hội nhập kịp thời với thế giới sẽ phát triển, ngược lại sẽ bị đào thải nhanh chóng. Mối giao lưu giữa doanh nghiệp và nhà trường phải là "xa lộ hai chiều". Không nên nghĩ "ai cần ai hơn" mà phải hiểu rằng "phải cần đến nhau". Nhất thiết các trường không trở thành "tháp ngà" thiếu sức sống...

Huyền Nga
.
.
.