Uẩn khúc sau cái chết của cặp vợ chồng bán nước mía

Thứ Hai, 08/06/2015, 10:32
Sáng 6/6, tại xã Lưu Sơn (Đô Lương, Nghệ An), gia đình và người dân phát hiện đôi vợ chồng trẻ - anh Chu Đức Hải (32 tuổi) và chị Trần Thị Hằng (30 tuổi) nằm chết bên vũng máu.

Vào khoảng 16h chiều cùng ngày, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Nghệ An kết hợp Công an huyện Đô Lương đã khám nghiệm xong hiện trường vụ án, tử thi, sau đó gia đình, họ hàng anh em đã tổ chức mai táng theo phong tục địa phương. 

Được biết, anh Hải làm nghề thợ mộc còn chị Hằng bán nước mía gần chân cầu Đô Lương. Vợ chồng anh Hải chị Hằng hiện có hai cháu, cháu đầu 9 tuổi học lớp 3 cháu thứ hai mới 5 tuổi đang học mẫu giáo lớn. Chị Hằng đang mang bầu cháu thứ 3 được hai tháng.

Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, hiện trường vụ việc không thấy có sự xáo trộn các đồ đạc trong nhà và cũng không phát hiện dấu vết người lạ. Trước khi ông Chu Văn Tạo (69 tuổi, bố anh Hải) mở cửa vào nhà thì cánh cửa đã được khóa trái. Thi thể anh Hải có một vết thương rất sâu ở bụng, trong khi người vợ có hai vết thương sâu ở cổ, 1 vết thương ở bụng. Sàn nhà nơi phát hiện hai thi thể có nhiều vết máu. Đặc biệt trong căn phòng, cơ quan điều tra phát hiện một con dao dài chừng 30cm dính máu, nghi là hung khí của vụ án mạng.

Sáng 7/6, chúng tôi đã về tận địa phương hai vợ chồng xấu số, vừa đặt chân đến thị trấn Đô Lương, bước vào một quán nước người dân đều bàn tán, thương xót cho đôi vợ chồng trẻ. 

Một  người làng xóm với gia đình vợ chồng anh Hải cho biết, hai vợ chồng nạn nhân từ trước vốn sống hòa nhã, hiền lành. Anh Hải tuy bị tật ở chân nhưng có tài làm thợ mộc và rất chăm chỉ. Chị Hằng ngoài việc làm đồng áng, phụ giúp chồng còn tranh thủ mở thêm quán nước mía gần chân cầu Đô Lương vào mùa nắng nóng để kiếm thêm thu nhập. 

Nhưng theo dư luận nhân dân nguyên nhân thảm án trên có thể xuất phát từ quán nước mía bởi từ ngày mở quán nước mía thì mâu thuẫn vợ chồng ngày càng căng thẳng hơn.

Quán nước mía của chị Hằng cũng như nhiều quán khác về mùa hè nóng bức này thường mở muộn hơn cho nên dọn quán cũng khuya hơn. Anh Hải thời gian gần đây có biểu hiện khác thường, lầm lì ít nói nhưng lại hay cục cằn với vợ nên nhiều lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” bởi trong thâm tâm anh Hải khi nào cũng nghĩ có một người đàn ông xã bên thường ngồi uống nước mía ở quán của vợ mình khuya hơn. Và theo một người dân sống gần gia đình anh Hải cho biết trong đêm xảy ra vụ việc, họ có nghe tiếng cãi vã lớn giữa hai vợ chồng vọng ra từ nhà nạn nhân.

Vào đến gia đình nạn nhân nhiều người không cầm được nước mắt khi nhìn trên bàn thờ nghi ngút khói hương là hai di ảnh vợ chồng trẻ đang cười trong những ngày hạnh phúc nhất. 

Bên bàn thờ cháu trai con đầu anh Hải mới 9 tuổi chưa biết gì về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bố mẹ đang khóc nức nở: “Bố mẹ ơi về với chúng con....” rồi gục mặt vào bàn thờ, phải nhờ người thân đỡ cháu dậy nhưng đôi mắt vẫn chằm chằm vào di ảnh bố mẹ. Còn cháu bé con chị Hằng theo người nhà những ngày này phải cho cháu ở bên ông bà nội bởi cứ nhìn thấy ảnh bố mẹ là cháu khóc.

Ra về giữa cái nắng chang chang như đổ lửa ở miền Trung mà lòng chúng tôi quặn đau. Rồi đây hai cháu sẽ sống ra sao khi mất cả bố lẫn mẹ. Nhưng nỗi đau hơn cả là sự ảnh hưởng  tâm lý của các cháu sau này khi biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của người sinh thành.

Đào Bình
.
.
.