“Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” - mô hình hay giúp người lao động ổn định cuộc sống

Thứ Ba, 26/12/2023, 08:31

Hà Nội là một trong những địa phương tập trung nhiều công ty, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, thu hút đông đảo lao động từ các địa phương đến làm việc. Để giúp công nhân lao động ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, các cấp Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và lực lượng Công an triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ANTT tại khu vực có đông công nhân lao động thuê trọ. Tiêu biểu là triển khai mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”.

Tại đây, công nhân lao động không chỉ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, họ còn thường xuyên được phổ biến kiến thức pháp luật và được quan tâm chăm lo tốt hơn về đời sống vật chất, tinh thần.

ca.jpg -0
Cán bộ Công đoàn xã Hải Bối phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, nhắc nhở chấp hành việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân.

Được triển khai từ năm 2012, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” do Liên đoàn Lao động phối hợp với Công an TP Hà Nội phát động triển khai đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn Thủ đô, góp phần giúp các địa phương làm tốt việc phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật.

Giai đoạn 2018-2023, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công tác phối hợp giữa Liên đoàn Lao động TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội càng thêm chặt chẽ. Liên đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp Công đoàn phối hợp với lực lượng Công an cơ sở xây dựng kế hoạch phối hợp, đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Điểm nhấn đáng chú ý, đã có nhiều mô hình mới được xây dựng, phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ANTT, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, qua triển khai, nhân rộng mô hình, đến nay, toàn TP Hà Nội đã hình thành 92 “tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” với trên 20.000 công nhân, lao động tham gia. Mô hình như vòng tay Công đoàn mở rộng, bảo vệ hàng chục ngàn công nhân lao động ngoại tỉnh về Thủ đô sinh sống, làm việc.

Ghi nhận thực tế cho thấy, Công đoàn các cấp đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, lực lượng Công an và các tổ chức đoàn thể tại địa phương duy trì tổ chức các lớp tuyên truyền tại các Tổ tự quản nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, phòng chống tội phạm cho hàng ngàn lượt công nhân lao động; tổ chức nhiều chương trình biểu diễn văn nghệ “hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Đến nay, 100% tổ tự quản đã xây dựng được “Quy ước tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”.

Các tổ tự quản đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm ANTT tại địa bàn cơ sở, góp phần trong công tác phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Điển hình như, Tổ tự quản thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân số 1 - khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối (huyện Đông Anh), Công đoàn xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn), được đánh giá là các tổ tự quản tiêu biểu. Đáng nói, Tổ trưởng Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, đồng thời là chủ nhà trọ xã Quang Tiến (Sóc Sơn), xã Hải Bối (Đông Anh), ngoài việc đảm đương vai trò xung kích giữ vững ANTT, còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giảm 100% tiền thuê trọ cho lao động mất việc.

Đi sâu tìm hiểu về mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh), nơi có gần 4.000 công nhân lao động thuê trọ được biết, bám sát chỉ đạo của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, Công đoàn xã Hải Bối đã chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền và Công an xã Hải Bối tổ chức tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước bằng nhiều hình thức, như: Thiết lập nhóm Zalo với sự tham gia của tất cả các chủ nhà trọ để thông qua chủ nhà trọ tuyên truyền đến công nhân thuê trọ; thông qua công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng để tuyên truyền trực tiếp cho công nhân; tuyên truyền qua Tủ sách pháp luật, Tủ sách Công đoàn đặt tại khu nhà trọ và điểm sinh hoạt văn hóa công nhân hay tuyên truyền qua cổng thông tin điện tử của thôn, xã…

Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều người lao động ngoại tỉnh bị mất việc, thiếu việc làm, thu nhập giảm, đời sống khó khăn. Thấu hiểu những khó khăn của công nhân, lao động thuê trọ, nhiều chủ nhà trọ tại các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và quận Nam Từ Liêm đã chủ động giảm giá cho thuê trọ từ 20-50%, thậm chí nhiều tổ trưởng “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”, đồng thời là chủ nhà trọ ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh), xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn) còn không thu tiền thuê trọ đối với người lao động mất việc. Đồng thời, luôn tuyên truyền, nhắc nhở công nhân lao động thực hiện nghiêm phòng, chống dịch, đảm bảo ANTT tại khu nhà trọ.

Theo chia sẻ của chị Lê Thị Thoa, quê ở Thanh Hóa, là công nhân lao động tại Khu công nghiệp Thăng Long, thời điểm dịch COVID-19, cả gia đình chị thuộc diện F1 phải cách ly tại phòng trọ, chủ nhà trọ và những người trong khu trọ cùng Công đoàn xã Hải Bối và lực lượng Công an xã rất quan tâm, nhiệt tình động viên, hỗ trợ. Hàng xóm giúp mua đồ dùng thiết yếu, chủ nhà trọ giảm tiền thuê phòng, cho nợ tiền phòng trong thời điểm giãn cách xã hội, Công an xã, Công đoàn xã Hải Bối đến tận nơi thăm hỏi, trao hỗ trợ… những điều đó đã giúp gia đình chị có thêm động lực để vượt qua khó khăn.

Có thể khẳng định, thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Công đoàn với chính quyền và lực lượng Công an các cấp đã tạo thành sức mạnh tổng hợp, nắm chắc tình hình, triển khai nhiều hoạt động thiết thực góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH, đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh để cán bộ, công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô yên tâm sinh sống, làm việc, cống hiến, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.

 Trong 5 năm qua, các “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân” tại Hà Nội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hòa giải, giải quyết 155 vụ việc; cung cấp thông tin, góp phần điều tra, làm rõ 35 vụ phạm pháp hình sự. Đặc biệt, trên địa bàn có một số điểm tranh chấp đất đai, vi phạm trật tự xây dựng… có tính chất phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm, các tổ tự quản đã chủ động phối hợp, tuyên truyền vận động nhân dân hiểu và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

            

Tâm Phạm
.
.
.