Thí sinh đừng nhìn vào độ khó, dễ của đề minh họa mà chủ quan

Thứ Năm, 02/03/2023, 07:59

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và đề thi minh họa để học sinh, giáo viên tham khảo, từ đó có định hướng dạy học, ôn tập phù hợp. Theo nhận định của nhiều giáo viên, đề minh họa năm 2023 có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi chính thức 2022. Tuy vậy, học sinh cũng cần phải có kế hoạch ôn tập khoa học, không nên nhìn vào độ khó dễ của đề tham khảo mà dẫn đến chủ quan.

Cấu trúc đề thi phù hợp để xét tốt nghiệp

TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)  đánh giá, cấu trúc và độ phân hoá của đề minh họa môn Ngữ văn năm nay về cơ bản giống các năm trước. Về cấu trúc, đề thi gồm 2 phần: đọc hiểu (3,0 điểm), làm văn (7 điểm), trong đó câu nghị luận xã hội 2 điểm và nghị luận văn học 5 điểm. Ở phần đọc hiểu, đề minh họa đưa ra ngữ liệu đoạn thơ, nằm ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông, thí sinh cần tham khảo, lưu ý. Phần này có 4 câu hỏi phân loại theo các cấp độ nhận biết-thông hiểu-vận dụng-vận dụng cao. Phần làm văn, câu nghị luận xã hội giúp thí sinh dễ dàng ghi điểm khi nêu quan điểm, góc nhìn cá nhân hợp lý. Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất với 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian.

d7404320-a9f7-4aa9-b2b5-46d3c2ddbf42.jpeg -0
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào cuối tháng 6. (Ảnh minh họa)

“Nhìn chung, đề tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không có sự thay đổi đột biến so với đề thi các năm trước. Sự ổn định này sẽ mang lại cho học sinh, giáo viên tâm lý thoải mái, yên tâm ôn luyện”, cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ.

Giáo viên tổ Toán của hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, cấu trúc đề minh họa thi tốt nghiệp THPT môn Toán năm nay giữ được tính ổn định, không nhiều thay đổi so với đề thi chính thức năm 2022. Điều này hoàn toàn hợp lý, không gây ra xáo trộn trong việc ôn tập của thí sinh, phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu hỏi ở dạng mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ mang tính thử thách dành cho những thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.

Còn theo nhận định của giáo viên tổ Ngoại ngữ, cấu trúc đề minh họa môn Tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 giữ được tính ổn định cả về độ khó và các dạng câu hỏi. Các đơn vị kiến thức được hỏi chủ yếu nằm trong chương trình Tiếng Anh lớp 12. Số lượng câu trong mỗi phần không thay đổi, không xuất hiện dạng câu hỏi mới, lạ, câu hỏi cực khó. Với đề thi này, học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản và chăm chỉ luyện tập là có thể đạt điểm cao.

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thi thành phần là Vật lí, Hóa học và Sinh học, không xuất hiện các câu hỏi thuộc nội dung đã được tinh giản. Các câu hỏi phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (chiếm 90% số câu hỏi trong đề thi), còn lại là phần kiến thức thuộc chương trình lớp 11. Khoảng 70-75% số câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, 25%-30% số câu hỏi còn lại thuộc mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Với mức độ đề như hiện tại, chỉ cần ôn tập và nắm chắc kiến thức sách giáo khoa là có thể đạt được điểm 6-7 điểm. Ở bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội với các môn thi thành phần gồm Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, nội dung đề thi về cơ bản giữ ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2022. Riêng đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp năm 2022 do độ nhiễu của các phương án lựa chọn phức tạp hơn và tăng tỷ lệ câu hỏi thông hiểu khoảng 10%.

Nguy cơ “lạm phát” điểm chuẩn ở một số ngành?

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học của hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ: Đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Sinh học đã có sự thay đổi rất tích cực, trả lại bản chất vốn có của môn Sinh học, một môn Khoa học tự nhiên. Đề minh họa tăng cường các câu hỏi vận dụng thực tiễn như Bộ GD&ĐT đã thông tin trước đó. Tỷ lệ câu hỏi lý thuyết đã tăng lên đến 80%, nhiều nhất từ trước đến nay, số câu hỏi bài tập tính toán còn 20%. Với đề thi như hiện nay, học sinh phải hiểu rõ bản chất, giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy theo hướng xây dựng năng lực nhiều hơn cho học sinh.

“Xét về độ phân hoá là vừa phải, đáp ứng được tính chất của kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nếu độ khó này giữ nguyên ở đề thi chính thức thì điểm chuẩn đại học ở nhiều ngành có thể dẫn đến “lạm phát” do nhiều trường vẫn đang sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh đại học, nhất là khối ngành Y dược thì gần như là toàn bộ chỉ tiêu nằm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khối ngành này hiện nay cũng chưa có kỳ thi riêng, điểm chuẩn trong những năm gần đây luôn tiệm cận mức 30 điểm. Bộ GD&ĐT sẽ phải tính toán kỹ về độ phân hoá của đề thi nhằm đảm bảo hài hoà giữa việc trả về đúng kì thi tốt nghiệp THPT, đồng thời có thể kiểm soát “lạm phát” điểm chuẩn đại học ở nhiều ngành”, thầy Hiền đặt vấn đề.

Lưu ý thêm với các em học sinh, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, đây chỉ là đề thi minh họa, giúp cho học sinh có thể hình dung được cấu trúc đề thi, nhưng không biết được độ khó thật sự của đề thi chính thức. Do đó, các em học sinh vẫn cần ôn tập thật tốt, chuẩn bị kiến thức vững vàng, chứ không nên nhìn vào độ khó dễ của đề thi tham khảo mà chủ quan dẫn đến kết quả không như mong đợi.

Đồng quan điểm này, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên môn Lịch sử của Tuyen sinh247.com cho biết, đề minh họa môn Lịch sử có cấu trúc tương đối giống với đề thi chính thức năm 2022. Đáp án của đề minh họa khá dễ, độ phân hoá học sinh chưa thật sự cao, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT song có thể sẽ đẩy điểm chuẩn đại học của một số ngành lên cao. Cũng theo thầy Hiển, việc Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa sớm sẽ có lợi cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học và ôn thi. Mong đề thi chính thức sẽ tiệm cận và hay hơn, nâng độ phân hoá hơn để một mặt đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp song vẫn tạo thuận lợi cho các trường đại học trong việc tuyển sinh.

Huyền Thanh
.
.
.