Ông chủ xưởng gỗ tật nguyền cảm hóa thanh, thiếu niên hư

Thứ Hai, 15/12/2014, 11:16
Không may bị tàn tật khi còn nhỏ, nhưng anh Lê Tiến Vỹ (37 tuổi, trú tại thôn Tri Phương, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) đã nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng và trở thành ông chủ cơ sở điêu khắc có tiếng. Đáng quan tâm, cơ sở của anh Vỹ đã thu nhận, cảm hóa và tạo công ăn việc làm cho nhiều thiếu niên hư hỏng tại địa phương…

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, lúc lên 4 tuổi, sau cơn sốt bại liệt, đôi chân của Vỹ bắt đầu teo tóp, không cử động được. Thương con, ba mẹ Vỹ đã bán hết đồ đạc chữa trị, nhưng rồi “lực bất tòng tâm”. Vỹ đành mang trong mình nỗi đau tàn tật và phải nương nhờ vào đôi nạng gỗ trong việc đi lại. Được sự động viên của gia đình và bạn bè, Vỹ đến trường học chữ bằng đôi nạng gỗ. Song, học hết cấp 2, Vỹ phải gác lại ước mơ học hành; vì con đường từ nhà đến trường quá xa.

Anh Vỹ đang hướng dẫn thợ điêu khắc.

Bây giờ, ngồi kể chuyện cũ, anh tâm sự: “Hồi đó, muốn đi học mình phải đi hơn 10 cây số. Đường đồi núi mà mình phải lê lết trên đôi nạng gỗ. Có nhiều lúc mình bị xỉu giữa đường. Thấy vậy, ba mẹ khuyên nên ở nhà phụ việc kinh tế gia đình”. Tuy vậy, ở nhà chỉ làm được công việc lặt vặt, anh nghĩ sao mình vô dụng, không giúp được gì cho gia đình. Thế là, anh lén đi xin việc làm. Nhưng, tới đâu anh cũng nhận cái lắc đầu.

Trong lúc bi quan, chán nản, anh tình cờ đi ngang qua xưởng điêu khắc gỗ Âu Lạc ở thôn Cẩm Phú và thấy ấn tượng với những vật dụng bằng gỗ được điêu khắc tinh xảo. Thấy anh đam mê và yêu thích nên ông chủ xưởng Âu Lạc tận tình chỉ bảo. Sau gần 2 năm học hỏi, rèn luyện, nó trở thành miếng cơm manh áo của anh cho đến ngày hôm nay. Vỹ kể tiếp rằng, sau 10 năm làm thuê, năm 2009, trong một lần tham dự triển lãm điêu khắc gỗ ở Hội An, sản phẩm của anh được một công ty ở Hà Nội đặt mua với giá 80 triệu đồng. Có được số tiền lớn, anh quyết định thành lập cơ sở riêng cho mình để thực hiện ước mơ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Cơ sở điêu khắc Lạc Việt được ra đời, do anh làm chủ, ban đầu được dựng trên phần đất trống của gia đình chỉ bằng tấm bạt và vài ba người thợ. Sau một thời gian ngắn, với số tiền tích góp được anh đầu tư mở rộng. Rồi dần dần công việc làm ăn suôn sẻ giúp xưởng của anh thu nhập gần tỷ đồng mỗi năm…

Chúng tôi đến thăm cơ sở điêu khắc gỗ của Vỹ tại thôn Thi Phương vào một ngày trung tuần tháng 12/2014. Từ đầu ngõ xóm đã vọng lại tiếng đục, đẽo gỗ của gần 20 người thợ. Đa số là những thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, tuổi từ 16 – 20; cá biệt còn có những em từng hư hỏng, bỏ học giữa chừng, ăn chơi lêu lổng. Vỹ tâm sự: “Xưởng của mình, thợ lớn tuổi nhất chỉ mới có 20 tuổi thôi, nhưng đã có đến 7 năm làm nghề. Từ thợ đến học viên đều là con em người dân ở đây. Các em đều như mình ngày trước, rất khó khăn, có em còn mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhận các em về đây mình muốn truyền cho các em cái nghề để mưu sinh, giúp đỡ cuộc sống của gia đình”.

Lãnh đạo Công an xã Điện Phong cho biết, trong số thợ ở cơ sở Lạc Việt có khoảng 10 thiếu niên, ngày trước nghiện game, hư hỏng và đã được gia đình gửi vào đây học nghề. Anh Vỹ thu nhận và nhiệt tình truyền nghề, không nhận một cắc thù lao nào. Anh thường dành thời gian động viên, an ủi các em nên từ đó các em dần thay đổi tính nết, bỏ thói hư, tật xấu mà chuyên tâm học nghề.

Hiện, cơ sở điêu khắc gỗ Lạc Việt của anh Vỹ đang ăn nên làm ra, nhận được đơn đặt hàng của các thương nhân trong và ngoài tỉnh. Vì thế, nhiều học viên cũng có mức lương mỗi tháng 3 triệu đồng. Học viên sau 2 năm, khi tay nghề đã cứng, được anh Vỹ trả lương mỗi tháng từ 5–6 triệu đồng... Khi tâm sự với chúng tôi, anh bày tỏ rằng, điều mà anh mong muốn chính là sự trưởng thành của những thanh, thiếu niên hư hỏng do chính anh vận động và truyền nghề. Anh rất vui khi các học viên ở cơ sở của mình trở thành những công dân tốt, có nghề nghiệp ổn định…

Những tác phẩm nghệ thuật trên gỗ do anh Vỹ tạo ra được giới điêu khắc trong và ngoài nước ghi nhận. Năm 2004, anh Vỹ nhận giải thưởng sáng tạo kiểu dáng sản phẩm của VCCI với bộ đèn gỗ mang tên Thôn nữ. Vừa qua, anh tiếp tục nhận giải nhì tại Hội thi sản phẩm lưu niệm TP Hội An, với tác phẩm Bình phố Hội.
Kim Thái
.
.
.