Ở nơi 27 học sinh ăn bữa cơm trị giá…18.000 đồng

Thứ Bảy, 26/09/2015, 10:10
Mỗi giờ ra chơi, đám trẻ chạy ùa về khu nhà bếp, mắt thèm thuồng nhìn như dán vào miếng thịt, khúc cá trên khay cơm của các bạn gia đình có điều kiện hơn. Nỗi khao khát đơn giản ấy mãi là giấc mơ bởi cuộc sống khó khăn, gia đình các em quá nghèo…

Đều đặn ba bữa mỗi ngày, 27 em học sinh người Trường tiểu học Kiên Thành, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) lại ào vào khu bếp ăn để nhận phần cơm của mình. Bữa cơm của các em chỉ có cơm trắng và chút thức ăn bé như đầu ngón tay được chia sẵn và một nồi canh rau lớn ăn chung. Dù vậy, các em đều ăn rất ngon lành và tự giác, bát cơm nào cũng hết sạch.

Thầy Đỗ Văn Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết khu nội trú thuộc điểm trường chính, nằm ở trung tâm xã Kiên Thành, không phải thôn đặc biệt khó khăn, do vậy, không đủ điều kiện để được hưởng các chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số.

Nồi thức ăn nhỏ xíu này là tất cả thức ăn mặn của 27 học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn.

100% học sinh nội trú đến từthôn Đồng Ruộng-thủ phủ của người Mông trong xã, bản có quá nửa là hộ nghèo. Quãng đường đi học của các em hết sức khó khăn, có em mới 6, 7 tuổi đã phải đi bộ vượt 15km để đến trường. Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa đường rừng lầy lội, có những khi các em đến lớp mà mặt mũi, quần áo, sách vở lấm lem bùn đất. Phụ huynh quá bận rộn làm nương rẫy chạy cơm từng bữa, không có điều kiện đưa đón con đến trường, đa phần các em đều có nguy cơ bỏ học.

Do còn quá nhỏ, không thể tự chăm sóc bản thân nên cần phải có người cấp dưỡng nhằm đảm bảo bữa ăn hàng cũng như đôn đốc, giúp đỡ các em trong sinh hoạt sau giờ lên lớp nên Ban giám hiệu nhà trường cùng bà Bùi Thị Quỳnh Hoa, nhân viên cấp dưỡng từ năm 2013 đã nghĩ ra cách “góp gạo thổi cơm chung” mỗi gia đình có con ở nội trú sẽ góp gạo, củi cùng với 10.000 đồng/học sinh/tuần nhằm đảm bảo cơm ba bữa cho các em.

10.000 đồngtiền ăn (tính ra mỗi bữa chỉ hơn 600 đồng) số tiền đóng 1 tháng là 40.000 và một năm là 360.000. Con số ấy quá nhỏ bé, tức là mỗi bữa cơm của 27 em học sinh chỉ có 18.000 đồng.

Dù thức ăn chỉ có rất ít nhưng tất cả các em đều ăn ngon lành.
Các em vẫn chưa có bàn ăn nên ăn luôn tại bếp hoặc bưng về giường.

Bà Hoa cho biết, đó chỉ là con số đặt ra mà thôi,trên thực tế, chỉ thỉnh thoảng mới có gia đình đóng tiền, vài gia đình khác góp rau, hầu hết là “ăn nợ”. Trong khi đó, giá cả tại địa phương rất đắt đỏ, số tiền thu được chỉ vừa đủ để mua muối, mắm, mì chính, dầu ăn. Lấy chỗ này, bù chỗ kia, thậm chí là bỏ tiền túi của mình ra, người cấp dưỡng cố gắng lắm mới xoay xở được một chút thức ăn mặn gọi là có cho các em hàng ngày.Mặc dù vậy, đây đã là một bước thay đổi lớn trong cuộc sống của 27 học sinh này. Tuykhông đầy đủ về chất nhưng các em được ăn no, đúng giờ đúng bữa, ăn chín uống sôi.

Trước đây chưa lâu, các em vẫn hì hụi tự nhóm lửa thổi cơm, lớn bé nhọ nhem, lem luốc mỗi em bê một bát cơm chan nước lã từ téc nước sinh hoạt làm canh. Đó là còn chưa kể đến việc gạo nước thất thường, cơm khi khê khi sống, sức khỏe của các em cũng không được đảm bảo.

Em Vàng Thị Nu, học sinh lớp 2A ngượng nghịu nói: “Đi học hôm nào cũng được ăn cơm no, sướng hơn ở nhà.” Ở bản Đồng Ruộng của Nu, nhiều nhà cơm vẫn còn độn sắn, độn khoai. Ban ngày người lớn đi nương cả, chỉ có mấy đứa trẻ ở nhà tự trông nhau. Cả ngày chỉ có nồi cơm nguội mẹ nấu từ sớm, kê trên kiềng bếp, đói thì tự lấy ăn, chơi chán thì ngủ.

Anh Sổng A Cau có ba con đều đang theo học ở trường và ở lại trong khu nội trú. Anh kể, trước đây, nhiều lần anh định cho con nghỉ học vì nhà không có tiền, có gạo cho con xuống trường, con lại bé, chưa biết tự chăm sóc. Nhưng khi xuống trường, thấy các con được nấu cơm cho ăn hàng ngày, lại biết chữ và nói tiếng Việt sõi hơn, biết chải đầu, buộc tóc, anh ứa nước mắt.

Người cấp dưỡng đang chia muối lạc vào từng bát cơm cho học sinh.

Ám ảnh nhất là mỗi giờ ra chơi, đám trẻ người Mông chạy ùa về khu nhà bếp, mắt thèm thuồng nhìn như dán vào miếng thịt, khúc cá trên khay cơm của các bạn gia đình có điều kiện hơn. Nỗi khao khát đơn giản ấy, bộc lộ một cách rất bản năng khi các em cố gắng đứng thật gần chỗ thức ăn, hít hà thật sâu mùi thức ăn vào lồng ngực.

Một bữa ăn ngon, có thịt đủ đầy là ước mơ không chỉ của các em mà còn là của cả cán bộ, giáo viên nhà trường. “Chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực liên hệ  xin tài trợ từ các nguồn. Chỉ mong muốn mỗi ngày có thêm một chút thức ăn để các em ăn ngon và đảm bảo dinh dưỡng hơn”, thầy Long trăn trở.

Cơm trắng là “món chính” thường xuyên của các em.

Trước đây để chung tay giúp đỡ các em, tập thể giáo viên Trường Tiểu học Kiên Thành đã duy trì được hoạt động tình nguyện, góp ít nhất mỗi người 20.000 đồng mỗi tháng đóng thành quỹ, trực tiếp cử người mua thức ăn hàng ngày giao nhà bếp để cải thiện bữa ăn cho các em. Tuy nhiên, do những vướng mắc, rắc rối liên quan đến vấn đề kê khai sổ sách mà quỹ này tạm thời ngừng lại.

Nhìn những em bé vùng cao Tây Bắc hồn nhiên chơi đùa với cây cỏ, bàn chân hoang dã không chịu nằm yên trong dép, chạy nhảy trước sân chờ tới giờ ăn bữa cơm đạm bạc mà xót xa đến lạ. Các em còn quábé bỏng với ước mơ được ăn cơm no với thịt, được mặc quần áo lành lặn mỗi ngày.

Các em học sinh Trường tiểu học Kiên Thành đang rất cần sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Mọi đóng góp xin trao liên lạc với thấy Hiệu trưởng Đỗ Văn Long: Điện thoại 0945754764. Số tài khoản của thầy Long 8703205042105, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trấn Yên, Yên Bái. 



Nam Phong
.
.
.