Ngắm phượng tím tuyệt đẹp trong tháng Ba Đà Lạt

Chủ Nhật, 13/03/2016, 14:11
Khi sắc hồng của mai anh đào chớm tàn, phố núi Đà Lạt lại tím biếc trong nhan sắc của loài hoa có nguồn gốc từ Nam Mỹ, hoa phượng tím.


Phượng tím lần đầu tiên xuất hiện tại Đà Lạt vào năm 1962, người có công di thực loại cây này về trồng là kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu.

Năm ấy, sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp), trong hành trang trở về quê nhà của kỹ sư Lương Văn Sáu có một số cây phượng tím.

Cây phượng tím đầu tiên của Đà Lạt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai ngay này đã trên 50 tuổi.

Không trồng trong khuôn viên riêng của gia đình, kỹ sư Lương Văn Sáu đem trồng ở một số tuyến đường trung tâm TP Đà Lạt với mong muốn có được con đường phượng tím giống như ở bên Pháp.

Tuy nhiên, phần lớn các cây phượng tím đều chết, chỉ duy nhất cây trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, lối vào chợ Đà Lạt ngày nay là bén rễ, phát triển tươi tốt và cho hoa.

Hiện đây là cây phượng đẹp nhất Đà Lạt, cho ra hoa nhiều, cành cây cổ thụ
Sau đó, kỹ sư Lương Văn Sáu tiếp tục chiết một số cành từ cây phượng tím này để trồng trước nhà hàng Thủy Tạ và Vườn hoa thành phố nhưng cũng chỉ có 1 cây ở Thủy Tạ sống sót.

Lúc bấy giờ, phương pháp nhân giống phượng tím chỉ được thực hiện theo cách duy nhất là chiết cành. Do ở Đà Lạt không có loài chim mỏ dài hút mật hoa phượng tím để có thể thụ phấn nên phượng tím tại Đà Lạt hầu như không cho quả, hoặc nếu có thì hạt cũng lép, không thể nảy mầm.

Quyết ươm mầm loài hoa đẹp cho Đà Lạt, kỹ sư Lương Văn Sáu đã kiên trì nghiên cứu, đến năm 1994 tìm ra loại hóa chất kích thích việc mọc rễ trong quá trình chiết cành nhân giống phượng tím.

Ngày nay, trên nhiều tuyến đường của Đà Lạt đã được trồng toàn bộ phượng tím như đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai.
Loài cây này cho hoa tím biếc, nổi bật trên nền trời mỗi khi tháng Ba về.

Ông cũng đúc kết kinh nghiệm chăm sóc cây con để tránh một số bệnh do ký sinh nhằm nâng cao tỷ lệ cây sống. Sau đó, một số cán bộ Vườn hoa thành phố và Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng vào cuộc và chiết ghép được vài trăm cây phượng tím.

Mãi đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, một số cơ quan nghiên cứu khoa học ở Đà Lạt mới nhân giống thành công loài phượng tím bằng phương pháp nhân giống vô tính. Từ đó có thể nhân giống loài hoa này với số lượng lớn, chất lượng tốt hơn và giờ đây phượng tím là nét đẹp đặc trưng của Đà Lạt mà bạn không thể không dừng lại để ngắm nhìn.


Tháng Ba, trong cái nắng vàng của Nam Tây Nguyên, phượng tím nổi bật trên nền trời xanh biếc, đó lại là một món quà quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt. Giờ đây, trên nhiều tuyến đường, hoa phượng tím đang làm mình làm mẫy với người dân và du khách.
Phượng tím cho hoa kéo dài tới 2 tháng mới tàn

Đà Lạt tháng Ba, tháng của những mùa hoa rực rỡ, đa màu sắc của hàng nghìn cây mai anh đào, hàng trăm cây phượng tím.

Phượng Tím có tên khoa học là Jacaranda Acutifolia với cánh hoa màu lam tím dịu dàng, bí ẩn có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó được di thực sang một số nước châu Âu; thường được trồng để làm đẹp đường phố, công viên.

Kim Ngân
.
.
.