Kit test nhanh COVID-19, máy SpO2 tăng giá: Vì sao “kịch bản” lặp lại?

Thứ Ba, 22/02/2022, 21:06

Những ngày qua, giá Kit test nhanh COVID-19, máy đo nồng độ ô xy máu (SpO2) và một số thiết bị y tế giá “tăng theo F0” một cách chóng mặt. Vì sao “kịch bản” này lặp lại như câu chuyện khẩu trang y tế tại thời điểm dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam?

Kit test nhanh COVID-19, máy SpO2 tăng giá: Vì sao “kịch bản” lặp lại? -0
Kit test nhanh COVID-19 và máy đo SpO2 bán ở các hiệu thuốc, cửa hàng thiết bị y tế giá vẫn còn cao

Khi F0 "mất giá"!

Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 (ngày 11/10/2021) về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Chỉ đạo trên được các bộ, ngành, địa phương và người dân đón nhận và thực hiện; sau hơn 4 tháng đã thu được nhiều kết quả rõ rệt. Nhiều mặt đời sống xã hội đã hoàn toàn trở lại bình thường, kể cả những nơi từng là tâm dịch như TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam. Dù số ca nhiễm COVID-19 ở một số địa phương vẫn tăng cao, song số ca nặng phải nhập viện, số ca tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với trước

Trước thực trạng số ca F0 tiếp tục tăng cao, Bộ Y tế cũng đã liên tục có những điều chỉnh trong điều hành, chỉ đạo phòng, chống dịch. Có những thay đổi rất lớn trong nhận thức và hành động với đại dịch COVID-19. "Vùng đỏ", "vùng vàng" ngày càng được thu hẹp; F0 từ chỗ đều phải nhập viện điều trị, đến tự cách ly, điều trị ở nhà; từ chỗ F0 khỏi bệnh được tổ chức "lễ" xuất viện, được các thầy thuốc tặng hoa chúc mừng... Đến lúc này thì F0 hoàn toàn "mất giá", tự ở nhà cách ly, điều trị, có diễn biến nặng mới phải nhập viện. Sự "mất giá" của F0 là hoàn toàn phù hợp với thực tế cuộc sống, là điều đã diễn ra từ nhiều tháng, hoặc 1 năm trước tại nhiều nước trên thế giới.

Điển hình, câu chuyện vẫn còn hiện hữu trong ông Nguyễn Văn Hải (ở Long Biên, Hà Nội) là một minh chứng. Vào đầu tháng 1/2022, con gái ông Hải nghi bị dương tính với SARS-CoV2. Theo hướng dẫn, sau khi qua Bệnh viện đa khoa Đức Giang test PCR và cho kết quả dương tính (F0), ông Hải đã ra Trung tâm y tế phường khai báo nhưng phải 4 ngày sau, gia đình ông mới được ông Tổ trưởng dân phố mang đến Quyết định cách ly y tế và 1 tấm biển nhỏ với nội dung khu vực cách ly y tế. Ngoài ra, cán bộ y tế hay chính quyền địa phương không có bất kỳ hướng dẫn hay cấp phát thuốc cho bệnh nhân khiến cho gia đình ông Hải không khỏi lo lắng.

Kit test nhanh COVID-19, máy SpO2 tăng giá: Vì sao “kịch bản” lặp lại? -0
Khi phóng viên quay trở lại phố Phương Mai hỏi mua Kit test thì nhiều hiệu thuốc, cửa hàng thiết bị y tế báo hết và chỉ còn loại Kit test của Việt Nam bán với giá 65.000đ/test

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hưng (ở Gia Lâm, Hà Nội). Mới đây, anh Hưng cũng phát hiện mình “dính” F0. Tuy nhiên, khi anh gọi điện đến Trung tâm y tế xã khai báo và hỏi về thủ tục cách ly của địa phương thì được cán bộ của trung tâm hướng dẫn tự ở nhà chăm sóc sức khoẻ chứ không có hỗ trợ gì.

Để thoát được F0, anh Hưng đã áp dụng những kinh nghiệm vốn có của bản thân cùng với kiến thức truyền nhau trên mạng. Cứ như thế, tất cả các thiết bị, dụng cụ y tế, thậm chí cả thuốc điều trị anh cũng phải nhờ người thân mua qua mạng về tự uống.

May mắn hơn các trường hợp trên, anh Vũ Khánh Toàn (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) chẳng may cũng bị dương tính với SARS-CoV2. Sau khi khai báo với Trung tâm y tế phường, anh và những người thân trong gia đình được nằm trong danh sách cấp phát thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 trong vòng 3 ngày. Mặc dù chỉ là những loại thuốc cảm cúm, trị viêm họng thông thường.

Xử lý nghiêm nếu phát hiện tăng giá

Có thể thấy, việc cơ quan chức năng hay chính quyền các cấp áp dụng thực hiện nội dung “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được chặt chẽ, nơi thì được quan tâm, nơi thì để cho người dân tự “bơi” tạo ra sự lộn xộn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá các thiết bị, vật tư y tế lên cao khi mà F0 tăng mạnh.

Trở lại con phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) vào chiều nay (22/2) – nơi được xem là “phố” mua bán thuốc, thiết bị y tế hỏi mua Kit test nhanh COVID-19, nhiều nhà thuốc, cửa hàng y tế lạnh lùng với câu trả lời: “Hết hàng!”, “Không có!” và “Hàng hiếm lắm!”... Mãi khi đến  một cửa hàng thuốc được xem gần như lớn nhất con phố này tôi mới mua được vài bộ Kit tets, nhãn hiện “TrueLine” với giá 65.000đ/test. Đây là bộ Kit test của Việt Nam chứ còn của Pháp và Hàn Quốc như ngày hôm qua được các cửa hàng nơi đây giao bán với giá tăng gấp đôi ngày thường cũng không còn. Vì ngay chiều qua, sau khi báo chí phản ánh, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, các nhà thuốc, cửa hàng thiết bị y tế đã nhanh chóng “đẩy” hàng hoặc cũng có thể “găm” hàng chờ cơ hội bán tiếp.

Kit test nhanh COVID-19, máy SpO2 tăng giá: Vì sao “kịch bản” lặp lại? -0
Đa số cửa hàng, nhà thuốc trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) từng là "thủ phủ" bán các loại thuốc cũng kêu khan hiếm hoặc hết Kit test nhanh COVID-19 khi khách hỏi mua.

Trao đổi với phóng viên về việc giá Kit test và các thiết bị y tế tăng cao đột biến, một lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, Phòng Y tế ở các địa bàn xảy ra sự việc tiến hành kiểm tra.

“Về việc giá các mặt hàng có tăng hay không thì cần đối chiếu theo quy định, các cửa hàng, cơ sở bán hàng phải công bố giá. Nếu các sản phẩm mà bán cao hơn giá công bố hoặc không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng khi kiểm tra phát hiện sẽ thì bị xử lý nghiêm!”, vị lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin từ các cơ quan báo chí, đơn vị cũng đã nhanh chóng yêu cầu các đơn vị của Cục siết chặt công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở liên quan đến việc tăng giá các thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh... Điển hình, trong ngày hôm nay (22/2) Đội QLTT số 12 cũng đang tiến hành kiểm tra tại Chợ thuốc Hapulico (ở quận Thanh Xuân).

“Liên quan đến Kit test nhanh COVID-19, tại Việt Nam mới chỉ có hơn chục đơn vị được Bộ Y tế cấp phép. Tuy nhiên, theo danh sách các đơn vị bắt buộc phải công bố giá trên website của Bộ Y tế nhưng một số đơn vị lợi dụng kẽ hở về việc không quy định là giá bao nhiêu nên đưa lên với giá rất cao, gần bằng giá bán tại các nhà thuốc. Đây là cũng điều chưa hợp lý khiến cho cơ quan chức năng xử lý gặp không ít khó khăn”, ông Chu Xuân Kiên chia sẻ.

Thanh Quang
.
.
.