Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về

Thứ Ba, 09/05/2023, 06:48

Theo thống kê, nạn nhân của tệ nạn mua bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Những người này sau khi được giải cứu hoặc tự giải thoát trở về thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều chiến dịch và các chương trình hỗ trợ được triển khai, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như kì vọng.

Cuối tháng 5/2000, thông tin về việc chị Nguyễn Thị H. (SN 1994) bất ngờ trở về nhà sau hơn 2 năm mất tích khỏi địa phương đã khiến người dân xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xôn xao. Chị H. là một thiếu nữ không bình thường, bị bệnh tâm thần phân liệt, nhưng vào khoảng tháng 3/2018, chị vẫn không thoát khỏi sự rình rập của những kẻ buôn người. Nghe theo lời dụ dỗ của người lạ, chị H. đã bị lừa bán sang Trung Quốc, ép làm vợ của một người đàn ông xa lạ. May mắn, trong một lần “nhà chồng” sơ hở, người này đã trốn về được Việt Nam.

Trở về địa phương, chị H. gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi bản thân bị bệnh tật, lại đang làm mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ gần 5 tuổi. Chị H. không làm chủ được hành vi, không thể giao tiếp, hằng tháng sống dựa vào bố mẹ già đã ngoài 60 tuổi cùng số tiền trợ cấp 720.000 đồng.

Hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về -0
Hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Để hỗ trợ chị Nguyễn Thị H. ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, chương trình dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do tổ chức Di cư Quốc tế IOM tại Việt Nam tài trợ, tháng 2/2023 Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã trao tặng chị H. gói an sinh trị giá 23.450.000 đồng, bao gồm hỗ trợ xây dựng 1 nhà vệ sinh, hỗ trợ mô hình sinh kế gà giống, mua sắm các đồ dùng, thiết bị sinh hoạt trong gia đình...

Chị Nguyễn Thị H. chỉ là một trong hàng trăm nạn nhân của tội phạm mua bán người diễn ra hằng năm, may mắn được giải thoát để trở về và được hỗ trợ trong cuộc sống. Trên thực tế hằng năm, tỉ lệ giữa nạn nhân bị mua bán và số người được giải cứu chênh lệch nhau rất lớn. Số liệu của Bộ Công an cho thấy, trong 5 năm (2016 - 2020), trên địa bàn cả nước có 2.912 nạn nhân bị mua, bán và nghi vấn mua, bán. Trong đó, những năm gần đây, mỗi năm các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ khoảng 260 vụ, 340 đối tượng liên quan tội phạm mua bán người. Số nạn nhân bị lừa bán là gần 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em (chiếm trên 90%), sống ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm, trình độ thấp... Tính riêng trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ với 247 đối tượng phạm tội mua bán người. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tiếp nhận, xác minh 476 trường hợp, trong đó xác định và hỗ trợ 255 trường hợp nạn nhân bị mua bán.

Tại Hà Tĩnh, mặc dù tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tuy chưa có những diễn biến phức tạp nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trên tuyến biên giới, số lượng người Mông Việt Nam cư trú trái phép ở Lào được trao trả qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng nhiều, cùng với đó, tình trạng sử dụng hộ chiếu người khác để xuất cảnh, trốn truy nã hoặc đưa người xuất cảnh trái phép có chiều hướng diễn biến phức tạp. Số lượng công dân Hà Tĩnh ở nước ngoài cần được bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng ngày càng tăng. Các hình thức tuyển chọn, môi giới, giới thiệu đi du học, lao động, thương mại... không theo quy định của pháp luật còn xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển.

Thực trạng này cũng diễn ra nhiều ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và TP Hải Phòng. Do đó, trong năm 2023 các địa phương này đã được tổ chức Di cư Quốc tế IOM tại Việt Nam chọn để đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống mua bán người. Các hoạt động hỗ trợ từ tổ chức này chủ yếu tập trung vào các hoạt động như trao đổi thông tin về thực trạng tình hình di cư trên địa bàn; chú trọng vào nhóm dân số dễ trở thành mục tiêu của tội phạm mua bán người là học sinh PTTH và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và nhóm cha mẹ học sinh; các hình thức truyền thông hiệu quả…

Mặc dù vậy, theo đánh giá thì trước thực trạng nạn nhân mua bán người đang có xu hướng ngày càng gia tăng, cùng với đó số lượng người được giải cứu, hoặc tự giải thoát trở về ngày càng nhiều đã đặt ra không ít khó khăn trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng. Tại một địa phương có tệ nạn này nhức nhối như tỉnh Nghệ An, thực tế đã ghi nhận có không ít người từ nạn nhân của tệ nạn này, vì lợi nhuận đã trở thành tội phạm, sau khi bị bán sang các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc đã quay trở về Việt Nam, móc nối với nhiều đối tượng khác, hình thành nên các đường dây khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ từ địa bàn nội địa, khu vực biên giới và ở nước ngoài; núp bóng dưới nhiều vỏ bọc, bằng nhiều chiêu thức khác nhau để lừa bán người quen, thậm chí người thân ra nước ngoài.

Theo số liệu Công an Nghệ An, trong thời gian 3 năm (2020 - 2022), lực lượng chức năng Nghệ An đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 31 vụ, 36 đối tượng phạm tội mua bán người, mua bán trẻ em. Cũng trong thời gian nói trên, các lực lượng chức năng đã tiến hành tổ chức tiếp nhận, xác minh 307 nạn nhân của việc mua bán người.

Trong 3 năm, các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã phối hợp, tổ chức gần 3.500 cuộc họp khối, xóm, thôn, bản, làng có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người; tổ chức cho trên 13.000 lượt người cam kết, không vi phạm pháp luật, tham gia các tệ nạn xã hội, tích cực tố giác tội phạm mua bán người... Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả gần 10.000 tổ tự quản về ANTT; 21 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia bảo vệ ANTT và nhân rộng ra 320 điểm. Tỉnh Nghệ An hiện cũng chỉ có duy nhất một cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân của tệ nạn mua bán người là Trung tâm công tác xã hội Nghệ An.

Trong 3 năm nói trên, đơn vị này chỉ tiếp nhận và hỗ trợ được 3 nạn nhân. Những người này đều là trẻ em, sau khi tiếp nhận đến nay, các cháu vẫn đang được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm. Số nạn nhân còn lại, sau khi được giải cứu trở về chủ yếu sinh sống tại gia đình và phần lớn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn cũng như tham gia các tổ chức, đoàn thể để tái hòa nhập cộng đồng.

Việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn cuộc sống, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập. Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, cùng với việc các địa phương cần chú trọng công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn, giải quyết lao động, việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có khả năng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người thì việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người cũng la yêu cầu cấp thiết.

Thiên Thảo
.
.
.