Dốc sức giữ rừng U Minh Hạ trong mùa khô hạn
- Rừng tràm U Minh Hạ căng mình lo phòng cháy
- Cà Mau: 25.000ha rừng U Minh Hạ bị khô ở mức báo động
- "Đại gia đình nông dân" giữa rừng U Minh Hạ
Bên cạnh diện tích rừng tràm đặc dụng, VQG U Minh Hạ còn có vùng đệm rộng hơn 25.000ha do các đơn vị khác quản lý. Đến U Minh Hạ khi mùa khô đang bước vào giai đoạn dữ dội, khốc liệt nhất mới cảm nhận đầy đủ sự hy sinh lặng lẽ của những người giữ rừng ở cuối đất phương Nam…
Trưa 24-2, nắng như đổ lửa, chúng tôi được một cán bộ pháp chế của VQG hướng dẫn đường xuyên rừng đến Trạm Kênh Đứng, cách trụ sở làm việc VQG khoảng 5km. Tường, người dẫn đường cho biết anh là dân Thới Bình, vốn là sinh viên trường luật. “Tốt nghiệp xong cũng có một vài cơ hội nhưng bỗng dưng lại muốn vô rừng, góp sức giữ rừng”.
Mực nước dưới chân rừng U Minh Hạ xuống thấp, khả năng cháy rừng được cảnh báo cấp độ 3. |
Hỏi chuyện liên quan đến chuyên môn, Tường nói rào rào như mưa rừng nhưng hỏi chuyện thu nhập, anh nói gọn lỏn, giọng pha chút dí dỏm: “Nếu đi đám tiệc là không đủ, đừng nói có bạn gái”. Là nhân viên duy nhất đảm nhận công việc pháp chế của một VQG nhưng anh lại chỉ được hưởng mức lương chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng. Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, Tường lại cười: “Mình chấp nhận gắn với rừng thì tính toán thiệt hơn làm gì”.
Đến Trạm Kênh Đứng, chúng tôi cùng Tường leo lên tháp canh cao 18m. Từ độ cao này, chúng tôi nhìn được một vài con kênh nằm trong lõi rừng đã kiệt nước; rừng phủ đầy dây choại bám theo thân tràm chết khô… Rừng tràm đang đối diện với nguy cơ cháy rất cao. Tường cho biết từ trước Tết Nguyên đán đến giờ, anh em của Vườn phải bám rừng, chưa ai được về thăm nhà.
Căn nhà cấp 4 nằm giữa cánh rừng tràm bạt ngàn là nơi ăn, ở, làm việc của 4 cán bộ kiểm lâm thuộc Trạm Kiểm lâm Kênh Đứng. Nguyễn Đình Dũng, Trạm trưởng hơn 40 tuổi nhưng có thâm niên 16 năm gắn với công tác bảo vệ rừng tại VQG U Minh Thượng. Khi chúng tôi ghé Trạm cũng là lúc vợ anh, chị Hà ẵm con vượt chặng đường gần 20km sang thăm anh. Hai anh chị đều quê ở Hà Tĩnh. Chị làm giáo viên dạy âm nhạc của Trường THCS Khánh Thới, huyện Thới Bình.
Đã có 14 năm gắn bó với nghề nhưng hiện chị vẫn phải ở nhà tập thể. Không thân thuộc họ hàng nên mỗi khi lên lớp, chị phải gởi con cho bạn bè, người quen trông giữ. Cảm thông và thấu hiểu sự vất vả nhưng yêu rừng của chồng, chị kể: “Chị và anh Dũng cưới nhau đến nay gần 4 năm. Con trai mới 3 tuổi. Mỗi tuần chị đứng lớp 18 tiết. Biết chồng đang vào cao điểm canh giữ rừng nên mỗi khi sắp xếp việc dạy tại trường được là chị chẳng ngại đường xa, chạy ngay vào trạm phụ giúp nội trợ cho chồng và anh em cùng đơn vị”.
Anh Dũng cho biết: “Tôi đang theo học đại học chuyên ngành lâm sinh, đến 2018 là xong. Hồi trước, nói không có điều kiện học hành thì được, giờ không thể mãi đổ thừa. Rừng đang cần mình…”.
Tới giờ Dũng phải cùng đồng đội tiếp tục tuần tra. Trên đường di chuyển bằng vỏ lãi, chạy dọc theo các con kênh có nước nâu nâu giống như cánh gián, đang kiệt nước từng giờ, anh Dũng kể thêm, Trạm chịu trách nhiệm trông coi 800 ha rừng tràm 30 tuổi. Do đây là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, để tuần tra các anh thường xuyên đi bộ sâu trong rừng, rất vất vả. “Trạm có 4 người. Anh em trên tháp canh lửa đã căng mắt, anh em lội rừng còn vất vả hơn nhiều. Mùa này, dân giữ rừng sợ nhất là người vào rừng bắt cá và lấy mật ong. Chỉ cần một tàn thuốc thôi là rừng bốc cháy”.
Do đặc thù công việc giữ rừng mùa khô nên dù công tác chung một chỗ nhưng chẳng mấy khi anh em cùng đơn vị gặp mặt nhau. Người này về đến trạm nghỉ, người kế tiếp cũng vừa lên đường tuần tra. Công việc canh rừng, giữ rừng đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, vì cả ngày phải lội rừng, làm việc dưới nắng nóng. Đáng quý là tuy cực nhọc nhưng anh em ai cũng nhiệt huyết, gác lại mọi việc riêng, dồn sức, siết tay nhau cùng bám rừng, bảo vệ rừng an toàn trong đợt hạn hán lịch sử…
Chúng tôi cũng có cuộc làm việc với ông Lê Thanh Dũng – Phó Giám đốc Vườn. Ông Dũng cho biết hiện tại, diện tích bị khô hạn chiếm gần 2/3 lâm phần (5.134ha). Diện tích báo cháy cấp độ 1 là 1.687ha; cấp độ 2 là 2.948ha và cấp 3 là 505,9ha. Lâm phần có 14 trạm cố định, mỗi trạm chịu trách nhiệm quản lý từ 500ha đến 1.500ha, tùy theo khu vực trọng yếu. “Nắng nóng, nước dưới chân rừng xuống rất nhanh. Tại khu vực nghiêm ngặt, mực nước xuống tới đáy kênh chỉ còn 1,9m; so với năm trước thấp hơn 30cm” - ông Dũng cho biết.
Lãnh đạo VQG U Minh Hạ cho biết đang khẩn trương triển khai hàng loạt công việc, trong đó 100% quân số được huy động trực 24/24h; tăng cường thêm 11 chốt, bố trí tại các khu vực trọng yếu; huy động thêm 5 tổ máy bơm. “Đến cuối tháng này, chúng tôi sẽ tăng cường thêm 6 tổ máy đến các khu vực trọng yếu. Lực lượng trực tại các chốt, đài quan sát phải báo cáo về trung tâm 15 phút/lần. Chúng tôi cũng đã hợp đồng với hàng trăm người dân sống quanh vùng đệm, bố trí đầy đủ lực lượng tại các chốt, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra cháy… ” - ông Dũng nói.