Điểm tựa mô hình 'Tiếp sức hoàn lương'

Thứ Tư, 11/02/2015, 12:47
Mô hình "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi ra đời như chiếc cầu nối để những người một thời lầm lỗi vững vàng bước chân hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời…

Nhiều năm qua, cơ sở đá hoa cương của anh Nguyễn Phú Quốc (26 tuổi, ở thôn Vinh Thọ, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ít ai ngờ rằng, chủ cơ sở này đã một thời lầm lỗi…

Công an huyện Nghĩa Hành tặng xe đạp cho con của người hoàn lương có hoàn cảnh khó khăn. 

Anh Quốc kể, sau khi thi hành xong án phạt tù trở về địa phương, anh gần như tuyệt vọng bởi cảnh nghèo khó. Nhưng rồi anh được chính quyền và Công an huyện thăm hỏi, động viên, cho anh vay vốn mở cơ sở sản xuất đá hoa cương. Nhờ siêng năng, chịu khó làm việc, cơ sở làm ăn ngày càng uy tín.

Đến nay, mỗi năm cơ sở anh thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong đó, có không ít lao động là thanh niên không có việc làm, được anh khuyên nhủ nhận vào cơ sở sản xuất, có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.

“Con người ai cũng có lúc sai lầm. Với những người mới ra tù, được trở lại làm công dân bình thường, cái họ cần nhất là sự chia sẻ và giúp đỡ của gia đình và xã hội để có thêm niềm tin vào cuộc sống”, anh Quốc tâm sự.

Thượng tá Nguyễn Tấn Chuân, Trưởng Công an huyện Nghĩa Hành cho hay, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện có 476 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong số đó, nhiều người đã có việc làm ổn định, hoặc đầu tư kinh doanh đạt hiệu quả, không còn tái phạm.

Với con số 51% người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao.

Do đó, để góp phần giải quyết thực trạng đó, mô hình "Tiếp sức hoàn lương" của Công an huyện Nghĩa Hành ra đời với mục đích kêu gọi sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... giáo dục, thuyết phục cảm hóa người lầm lỗi hoàn lương.

Đồng thời, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ về vật chất cho những gia đình có người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ yên tâm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống…

“Với những ý nghĩa nhân văn đó mô hình đã đón nhận được nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục vận động, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... ủng hộ cho mô hình để có thể hỗ trợ được nhiều hơn nữa về vật chất cũng như tinh thần cho những người chấp hành án xong có điều kiện hòa nhập cộng đồng, trở thành người tốt”, Thượng tá Chuân bày tỏ.

Trà Câu
.
.
.