Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Quảng Ninh:

Điểm nhấn của nông thôn mới

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:15
Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả. Các sản phẩm OCOP góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. OCOP khẳng định thương hiệu riêng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ninh.

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune one product - OCOP) được tỉnh Quảng Ninh xây dựng và triển khai từ tháng 10-2013. 

Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho dân cư nông thôn và giảm nghèo thông qua việc phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống (nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ...) có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn Quảng Ninh theo hướng phát triển nông thôn nội sinh và gia tăng giá trị hàng hóa; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất, tại các địa bàn nông thôn sẽ giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn vững ổn định nông thôn…

Hàng hóa trong chương trình OCOP.

Mục tiêu quan trọng của chương trình OCOP chính là “Thực hiện phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...)”. Trên cơ sở đó, chương trình OCOP xác định rõ vai trò của các chủ thể là các tổ chức kinh tế và tập trung vào phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Thời gian tới, các địa phương tại Quảng Ninh tiếp tục xác định, lựa chọn các sản phẩm tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP; nâng cao chất lượng kiểu dáng, mẫu mã bao bì sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc biệt cần tháo gỡ những khó khăn về vốn, tạo cú hích cho sản xuất nông nghiệp. 

Các địa phương nhất là các huyện tập trung sản xuất nông nghiệp tập trung đầu tư và phân công cán bộ chuyên trách, phối hợp với Ban Xây dựng Nông thôn mới tích cực triển khai, mang lại hiệu quả tích cực.

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh có 120 sản phẩm tham gia chương tình OCOP, trong đó có 30 sản phẩm, nhóm dịch vụ thực hiện từ chu trình 2014 được hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất. Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuộc thi sáng tác nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm OCOP. Đồng thời xây dựng được hệ thống điểm bán hàng và trung tâm OCOP cấp huyện tại Hoành Bồ, Quảng Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Đông Triều... với doanh thu từ 17-20 triệu đồng/tháng/trung tâm. 

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung cấp tỉnh. Cấp huyện đã hoàn thành 100% quy hoạch nông thôn mới, trong đó có quy hoạch sản xuất của từng xã. Một số HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP đã lập xong quy hoạch chi tiết vùng. Sau gần 2 năm triển khai chương trình OCOP, đã có 35 HTX/92 tổ chức kinh tế, tổ hợp tác tham gia, để sản xuất 70/120 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó có 25 HTX được thành lập mới.

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban điều hành OCOP Quảng Ninh, chương trình OCOP được triển khai đồng bộ và sâu rộng đến các địa phương, nhận được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế. 

Đến nay có trên 100 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ đăng ký, phân loại thành 34 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ theo 6 nhóm chính: Thực phẩm - Ẩm thực (Food); Đồ uống (Drink); Thảo dược (Herbal); Vải và may mặc (Fabric); Lưu niệm - trang trí - nội thất (Decor) và Dịch vụ (Service) du lịch, lễ hội gắn với truyền thống văn hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, như: mực Cô Tô, miến dong Bình Liêu, ba kích Ba Chẽ, trứng gà Tân An, chả mực Hạ Long, hoa Hoành Bồ... Sau khi triển khai tái cơ cấu theo hướng sản xuất tập trung, phần lớn các sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. 

Hiệu quả bước đầu khá tích cực, nhiều sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, “cung không đủ cầu” như: gà Tiên Yên, nếp cái hoa vàng Yên Đức, trứng vịt biển, củ cải Đầm Hà... Trong 30 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia OCOP, nhiều đơn vị đăng ký, đơn vị thành lập mới do phối hợp với địa phương.

Không chỉ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp của chương trình thể hiện cả ở việc thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì sản phẩm, website theo hướng hiện đại. Nhãn hiệu OCOP được đăng ký sở hữu trí tuệ, được in trên tất cả các sản phẩm. Thông qua các hội thảo, các cuộc tập huấn, hội nghị triển khai ở các địa phương các cán bộ các cấp cơ sở và đồng dân cư, tổ chức kinh tế và người tiêu dùng đều thay đổi nhận thức và chủ động tích cực vào cuộc. 

Ban Điều hành chương trình OCCP tỉnh Quảng Ninh xây dựng, ban hành Bộ tài liệu hướng dẫn triển khai làm cơ sở cho toàn bộ hoạt động; xây dựng khung chính sách thực hiệm. Các địa phương thành lập Ban Điều hành cấp huyện, Tổ giúp việc, Tổ chuyên trách OCOP gắn với hệ thống tổ chức chương trình xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương như: Lào Cai, Quảng Trị, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên đến Quảng Ninh tìm hiểu về chương trình OCOP.

Đăng Hùng
.
.
.