Đi tìm nghịch lý vùng đất có “báu vật” của Giàng

Thứ Sáu, 02/01/2015, 10:16
Sâm Ngọc Linh là một loài cây dược liệu quý hiếm, ở trên núi cao Ngọc Linh. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở rẻo cao Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), gọi cây sâm là “thuốc giấu”, là “báu vật” của Giàng; nỗ lực giữ gìn, trồng và phát triển cây thuốc quý này. Có một nghịch lý, trên thị trường, mỗi ký sâm Ngọc Linh có khi bán đến 100 triệu đồng; song người dân ở Nam Trà My vẫn chật vật trong đói nghèo…

Sau khi vượt chặng đường gần 200 cây số bằng xe máy, từ TP Tam Kỳ (Quảng Nam) để đến trung tâm huyện Nam Trà My, chúng tôi phải tiếp tục cuộc hành trình đi bộ và mất hơn một ngày nữa mới đến được nóc Măng Lùng, thuộc xã Trà Linh, huyện Nam Trà My. Vùng đất rừng có độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển này là nơi có cây sâm quý.

Hỏi các già làng người Xê Đăng, ai cũng bảo, khi họ sinh ra thì tổ tiên đã truyền lại cây “thuốc giấu” để chữa bệnh. Tổ tiên họ bảo, đây là “báu vật” của Giàng ban tặng cho người Xê Đăng sinh sống trên núi Ngọc Linh. Cho nên, nhiều đời nay, các thế hệ người Xê Đăng thay nhau chăm sóc, giữ gìn và phát triển cây sâm quý, để khi đau ốm, hoặc bị thú dữ cắn, bị ngã gãy cái chân, cái tay… có thuốc chữa trị.

“Nhờ cây “thuốc giấu” mà nhiều người bị bệnh nguy cấp được cứu sống, chứ khiêng về tới được Trạm Y tế để cấp cứu phải  đi bộ nhiều ngày trời, đến nơi người bệnh đã chết rồi”, một già làng giãi bày…

Điều đáng trân trọng, cây sâm trên núi Ngọc Linh được đồng bào Xê Đăng xem là “báu vật” của Giàng ban tặng cho họ; nhưng những năm kháng chiến, bà con vẫn mang sâm tặng bộ đội để chữa bệnh, “để cái chân bộ đội được khỏe mà vượt Trường Sơn đi đánh giặc cứu nước”. Cũng nhờ đó, công dụng của cây sâm ở đây bắt đầu được biết đến.

Người dân nóc Măng Lùng, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, Quảng Nam chăm sóc vườn sâm quý.

Theo tài liệu để lại, năm 1968, trong chuyến công tác ở vùng núi Ngọc Linh, kỹ sư thực vật Vũ Đức Minh đã được các già làng “bật mí” và anh đã phát hiện một loại dược liệu quý, tìm được vài củ đem về chữa vết thương cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Có kết quả điều trị tốt, anh báo cáo lên Ban Quân y Khu 5.

Tháng 6/1972, Khu ủy Khu 5 đóng tại Trà My thành lập đoàn điều tra thuộc Ban Y tế Trung Trung Bộ và tháng 10, đoàn tiến hành tìm kiếm loại cây trên theo 2 hướng Đắk Tô (Kon Tum) và Trà My (Quảng Nam). Ngày 18/3/1973, nhóm của Dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang đã tìm thấy một cá thể loại cây này ở độ cao hơn 1.800m thuộc mạn Nam Ngọc Linh.

Quá trình nghiên cứu đã kết luận: Cây dược liệu đó là một loại nhân sâm vô cùng quý hiếm. Từ đó, Khu ủy Khu 5 chỉ đạo tiến hành khoanh vùng bảo vệ, khai thác làm thuốc chữa bệnh, trị thương cho cán bộ, chiến sĩ. Đến những năm đầu thế kỷ 21, khi những tài liệu khoa học về dược tính của sâm Ngọc Linh được công bố rộng rãi, giá trị của nó đã tăng đến chóng mặt. Từ chỗ chỉ là “thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, thì giá mỗi ký sâm hiện nay có thể bán ra thị trường từ 50-100 triệu đồng/kg tùy loại…

Nhưng, cho dù Sâm Ngọc Linh rất có giá trị như vậy, đồng bào Xê Đăng trên núi Ngọc Linh vẫn còn nhiều nghèo khó. Nguyên nhân là do sự bất cập trong quản lý, trồng và phân phối cây sâm giống; do thiên tai tàn phá và “cạm bẫy” tư thương trong việc mua bán sâm quý.

Một củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi.

Nói đến hậu quả của thiên tai, ông Hồ Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho biết: Chính quyền xã có chủ trương khuyến khích người dân trồng và bảo tồn cây sâm quý để xóa đói giảm nghèo. Nhưng bão, lũ thường gây thiệt hại nặng nề.

Đơn cử, cơn bão số 9 năm 2009, ngoài việc thiệt hại về người và nhà cửa thì bà con ở xã Trà Linh trồng được 30.000 gốc sâm quý cũng bị lũ cuốn trôi. Tất nhiên sau bão, lũ, người dân lại bắt tay vun xới trồng lại vườn sâm, nhưng rồi nạn tư thương cứ rủ bán sâm giống, sâm non, lại khiến người dân nơi đây nhiều phen lao đao… Cũng vì thế, nguồn giống sâm quý trong dân vốn đã không nhiều, lại bị khai thác, bán mua vô tội vạ, nên đã ít lại càng thêm hiếm. Bây giờ, tất cả đều trông chờ vào Trạm dược liệu Trà Linh, nơi có chức năng bảo tồn và phát triển nguồn giống quý hiếm này.      

Nhưng cũng từ đây nảy sinh rất nhiều vấn đề nan giải. Người muốn trồng thì thiếu giống, kẻ có giống thì chỉ cung cấp nhỏ giọt theo kiểu ban phát, cầm chừng.

Một cán bộ huyện Nam Trà My nói thẳng: Sâm giống, giá Trạm dược liệu Trà Linh bán rất đắt so với giá Nhà nước quy định; bà con mua không nổi nên bà con thiếu giống trồng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị họ phải có trách nhiệm với địa phương, nhưng không được như ý. Bởi cây sâm giống bán cho tỉnh khác giá cao, còn bán cho dân tại chỗ rất ít vì giá rẻ. Thêm vào đó, vì ham lợi nhuận trước mắt mà một số người trồng sâm lại bán sâm non… Từ những hệ lụy đó mà người dân Trà Linh, nơi Giàng cho cây sâm quý, họ đã giữ gìn, phát triển thì vẫn còn đó trên 50% hộ dân đói nghèo.

Từ thực tế, mới thấy, việc trồng sâm Ngọc Linh còn có một ưu điểm đặc biệt là luôn gắn liền với công tác bảo vệ rừng. Bởi loại dược liệu quý hiếm này chỉ mọc được dưới tán rừng già nguyên sinh. Nếu chính quyền địa phương có biện pháp tốt, đồng bào Xê Đăng sẽ bảo vệ rừng nghiêm ngặt và gìn giữ, bảo vệ, phát triển mạnh mẽ cây sâm quý trên đất rừng này…

Thành Nhân
.
.
.