Đề phòng mưa lớn dồn dập do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2

Thứ Năm, 11/08/2022, 12:17

Mối nguy hiểm hiện nay do ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 2 chủ yếu là gió hoàn lưu sau bão, gió Đông Nam tương đối mạnh, đề phòng gió giật cấp 6, cấp 7. Các khu neo đậu vẫn phải đảm bảo an toàn.

Lũ xuất hiện trên các sông, suối ở Bắc Bộ

Sáng 11/8 tại cuộc họp ứng phó với bão số 2, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Đến 7h sáng 11/8, bão số 2 MULAN đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực tỉnh Quảng Ninh.

Về lượng mưa, theo thống kê của trực ban thì nhiều nơi trên 150mm, trong sáng 11/8, nhiều khu vực ở Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, tiếp tục có mưa to đến khoảng 13h ngày 11/8 sau đó giảm dần.

Đối với khu vực phía Tây như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu sẽ có mưa kéo dài, phổ biến từ 50-100mm. Lượng mưa ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ sẽ giảm hẳn và sau chiều 11.8 cho đến hết ngày mai lượng mưa chỉ còn 20-50mm.

“Mối nguy hiểm hiện nay chủ yếu là gió hoàn lưu sau bão, gió Đông Nam tương đối mạnh, đề phòng gió giật cấp 6, cấp 7. Các khu neo đậu vẫn phải đảm bảo an toàn. Đối với khu vực đồng bằng tình hình ngập úng vẫn có nguy cơ cao trong sáng 11/8.

Đề phòng mưa lớn dồn dập do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 -0
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó hoàn lưu bão số 2.

Đối với vùng núi các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và xuống phía dưới là vùng núi Thanh Hóa phải đề phòng lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao trong sáng 11/8, chiều nay sẽ tập trung nguy cơ cao vào khu vực Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình” - ông Lâm cảnh báo.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến 12/8, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Biên độ lũ lên ở khu vực thượng lưu các sông từ 3-5m, hạ lưu từ 1-3m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ, thượng lưu các sông khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động (BĐ)1-BĐ2: Các sông nhỏ ở Thanh Hoá lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Mực nước đỉnh lũ khu vực hạ lưu các sông chính ở dưới mức BĐ1.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt cục bộ tại vùng trũng thấp tại các tỉnh khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các khu đô thị, các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh (TP Hạ Long, Cẩm Phả), Thanh Hóa.

Sẵn sàng sơ tán hơn 114.000 dân trong vùng nguy cơ lũ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, tại Quảng Ninh và Hải Phòng, hiện có tổng số 13.465 khách du lịch (Quảng Ninh 8.736; Hải Phòng 4.729); trong đó có 4.333 khách du lịch (Quảng Ninh 204; Hải Phòng 4.129) trên các đảo.

Hải Phòng đã di chuyển 1.147 tàu với 4.129 khách du lịch từ Cát Bà vào bờ; 2.982 khách trên đảo được bố trí nơi ở an toàn.

Về rà soát số dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An là 114.895 người (Cao Bằng 3.219, Lạng Sơn 8.632, Thái Nguyên 279, Bắc Kạn 7.552, Hà Giang 315, Tuyên Quang 375, Lai Châu 9.580, Điện Biên 13.300, Sơn La 9.690, Hoà Bình 16.010, Phú Thọ 12.225, Thanh Hóa 33.718). Các tỉnh đã sẵn sàng phương án sơ tán dân theo diễn biến thực tế mưa, lũ.

Trong sáng 11/8,  Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản yêu cầu các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình yêu cầu thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Còn đối với các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An sẵn sàng phương án di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu.

Chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cử lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện để đảm bảo an toàn.

Ngọc Yến
.
.
.