Có nên biến dải đất thương cảng sầm uất thành nhà ở, biệt thự?

Thứ Tư, 23/08/2023, 08:05

Việc TP Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối từ TP Thủ Đức sang quận 7 với chiều cao tĩnh không thông thuyền chỉ cao 10m theo thiết kế trước đây đã nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cơ quan quản lý.

Tại hội thảo “Ảnh hưởng của cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch cảng Sài Gòn” vừa được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn nêu ra. 

TS Trần Du Lịch cho rằng, sau khi di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, việc khai thác hàng trăm ha đất của thương cảng quốc tế một thời mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử cần được cân nhắc kỹ. Nơi đây cần được định hướng khai thác thương mại, du lịch thế nào để đảm bảo trở thành điểm nhấn của TP Hồ Chí Minh. Không nên biến dải đất dài gần 1,8km ven sông Sài Gòn thành biệt thự, nhà ở mà cần phải khai thác lợi thế của một trung tâm du lịch tàu biển, thương mại dịch vụ, kinh tế đêm gắn với khu vực trung tâm thành phố. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần xác định rõ mục đích khai thác dải đất ven sông Sài Gòn sau khi di dời các cảng biển rồi mới tính toán đến việc làm tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 cao bao nhiêu mét chứ không thể làm ngược như hiện nay.

Có nên biến dải đất thương cảng sầm uất  thành nhà ở, biệt thự? -0
Đoạn sông Sài Gòn ở khu vực thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4.

Cho rằng không nên để mất thương hiệu thương cảng Sài Gòn, TS Sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề thành phố muốn định danh khu vực này như thế nào trong tương lai. Cả nước đã có nhiều địa phương có cảng biển quốc tế, nhưng chỉ có một vài thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh được gắn với định danh thành phố cảng, có giá trị lịch sử cả trăm năm.

Nếu tàu du lịch quốc tế phải neo đậu từ xa rồi dùng xe ôtô hay phương tiện khác vận chuyển khách du lịch đường thủy vào thành phố thì đã tự làm mất đi lợi thế về du lịch đường thủy, du lịch đường biển quốc tế. Lưu ý việc phát triển kinh tế rất quan trọng, nhưng việc lãng phí thời gian và nguồn lực bởi quy hoạch để rồi phải phá đi làm lại sẽ gây thiệt hại lớn hơn. TS Dương Trung Quốc đề nghị thành phố cần phải sửa lại thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4.

Theo PGS TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nhìn tổng thể, TP Hồ Chí Minh sẽ có đại lộ ven sông Sài Gòn, nhưng bị dải đất vốn là thương cảng Sài Gòn diện tích chỉ 30ha chặn lại là không hợp lý. Thành phố cần tận dụng mọi nguồn lực, lợi thế mở gắn với sông nước ven sông và trên sông để phát triển cho dài hạn.

“Nhìn xa hơn cho TP Hồ Chí Minh, những con sông thuần Việt, chỉ nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam như sông Sài Gòn, Đồng Nai… là rất hiếm và có giá trị rất lớn về nhiều mặt, cần được bảo vệ. TP Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam bộ khi làm bất kỳ vấn đề gì cũng phải tính đến việc giữ lấy các con sông thuần Việt này”, PGS TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh chia sẻ, đến năm 2025 sản phẩm du lịch đường thủy của thành phố sẽ được khai thác trên tất cả các tuyến sông và liên kết với các tuyến sông của Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre. Trong đó khu vực cảng Sài Gòn đang đảm bảo cho phục vụ khách nội địa và lượng khách quốc tế đến thành phố sẽ tập trung chủ yếu tại đây. Đây cũng là khu vực hoạt động về đêm của các tàu nhà hàng phục vụ ẩm thực chủ yếu cho khách quốc tế khi họ cập bến.

Theo bà Hiếu, để phát triển du lịch đường thủy, đầu tiên phải có hạ tầng đường biển. Muốn vậy, trước hết phải đảm bảo môi trường nước sông và tĩnh không cầu để đảm bảo cho tàu khách du lịch quốc tế loại lớn có thể tiếp cận với trung tâm thành phố thông qua cảng Sài Gòn.

Đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Đình Việt, Cục phó Cục Hàng hải bày tỏ sự ủng hộ việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của thương cảng Sài Gòn và kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm của thành phố.

Ông Việt cho biết, hiện quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cho các cảng biển của TP Hồ Chí Minh đã được Cục Hàng hải yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời cập nhật quy hoạch chi tiết, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất của thành phố ở khu vực thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4. Do đó, việc phát triển khu vực cảng Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu phát triển của thành phố. Vấn đề đặt ra là làm sao để cầu Thủ Thiêm 4 phù hợp với thiết kế cầu Phú Mỹ đã được xây dựng trước đây với tĩnh không lên đến 45m nhằm tránh lãng phí trong việc khai thác tĩnh không cầu.

Bảo Sơn
.
.
.