Từ vụ cháy nhà dân khiến 2 cháu bé tử vong ở TP Hòa Bình:

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ khi kết hợp nhà ở với kinh doanh

Chủ Nhật, 16/07/2023, 06:19

Khoảng 3h ngày 15/7, một số người dân sinh sống  trên đường Lạc Long Quân, tổ 4, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình dậy sớm, trong đó có ông Trần Thanh Minh. Khi mở cửa ban công, ông Minh nghe thấy tiếng người hô "mọi người cứu cháu với" từ tầng 3 của ngôi nhà số 2 đối diện. Ông Minh chạy sang thì thấy lửa cháy to bao trùm kín ngôi nhà này.

Ông dùng xà beng cùng với bà con hàng xóm phá cửa cuốn nhưng không  được. Một người khác dùng xe ôtô bán tải lùi xe vào phá cửa thì cùng lúc Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hòa Bình và các lực lượng chức năng đến ứng cứu… Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh điều 4 xe chữa cháy, 1 xe chở phương tiện, 1 xe cứu thương cùng 40 cán bộ, chiến sĩ chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường do Đại tá Nguyễn Thành, Phó Giám đốc Công an tỉnh trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ khi kết hợp nhà ở với kinh doanh -0
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ cháy tại TP Hòa Bình.

Ngôi nhà bị cháy là loại nhà ống 3 tầng, 1 tum, trước đây kinh doanh bia - lẩu - nướng nhưng gần đây chuyển sang kinh doanh bán sỉ, bán lẻ giày dép. Chủ hộ là anh Đào Duy Dũng (SN 1985) và vợ là Nguyễn Thị Nữ (SN 1983). Tổ công tác chữa cháy và CNCH khi đến hiện trường đã tiến hành phá dỡ cửa sổ nhà vệ sinh tầng 3, cứu thành công em Đ.T.Q. (SN 2005, ở cùng gia đình anh Dũng) ra ngoài an toàn.

Sau đó, lực lượng chữa cháy tiếp tục dùng lăng phun nước tiếp cận ngôi nhà theo lối thang bộ, đưa 3 người mắc kẹt ở tầng 3 và tầng tum, gồm: Anh Đào Duy Dũng, chị Nguyễn Thị Nữ và cháu Đ.G.L. (SN 2014, con anh Dũng) ra ngoài, sau đó đưa tất cả đến bệnh viện cấp cứu. Hiện anh Dũng bị bỏng 70%, được chuyển tuyến điều trị tại Bệnh viện Lê Hữu Trác (Hà Nội). Còn cháu Đ.G.L. (SN 2014) bị bỏng 30%. Chị Nguyễn Thị Nữ và em Đ.T.Q. bị hoảng loạn, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến khoảng 5h30', đám cháy được dập tắt, lực lượng chữa cháy phát hiện 2 người đã tử vong tại tầng 3 là cháu Đ.A.T. (SN 2009) và Đ.A.C. (SN 2011), con của anh Dũng.

Sáng 15/7, tổ công tác của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH do Thiếu tướng Nguyễn Đình Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH làm Trưởng đoàn đã đến hiện trường vụ cháy, cùng với Công an tỉnh Hòa Bình, UBND TP Hoà Bình xử lý vụ việc và hỗ trợ gia đình. Ngoài ra, tổ công tác của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cũng có mặt phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Trước đó,  đoàn công tác do đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến hiện trường, thăm, động viên gia đình nạn nhân. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Đức Hinh đã trao hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình xảy ra vụ cháy được trích từ Quỹ cứu trợ tỉnh. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao hỗ trợ 8 triệu đồng cho các trường hợp trẻ em thương vong trong vụ cháy. Quỹ cứu trợ TP Hoà Bình trao hỗ trợ cho 3 người bị thương 2 triệu đồng/người và 3 triệu đồng cho chủ nhà bị bỏng nặng 70%.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Hòa Bình, từ đầu năm đến nay, tỉnh Hòa Bình xảy ra 14 vụ cháy, thiệt hại về người không có, do đó đây là vụ cháy lớn, gây thương vong, là hồi chuông báo động cho mỗi người dân, hộ gia đình trong công tác PCCC khi nhà ở kết hợp với kinh doanh. Khu vực cháy của ngôi nhà là toàn bộ tầng 3, tầng tum cháy cửa ra vào phòng thờ.

Do bán hàng online, bán buôn nên ngôi nhà là nơi tập kết hàng hóa, chứa nhiều đồ vật dễ cháy như các hộp đựng giầy, dép, túi xách, ba lô… để dọc kín hành lang từ tầng 1 lên tầng 3, và cả cầu thang. Khi lửa bùng phát từ phòng ngủ tầng 3 của vợ chồng anh Dũng đã nhanh chóng lan nhanh bao vây khu vực thoát nạn, vì vậy mà người ở trong phòng ngủ khó thoát ra ngoài dù có cửa ban công… Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy nghi do chập điện, tuy nhiên nguyên nhân chính thức và thiệt hại cụ thể của vụ cháy đang được lực lượng chức năng điều tra làm rõ.

Ông Bùi Xuân Thái, Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam cho biết, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta có đặc thù là được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có một lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1. Bên cạnh đó, trong các nhà ống có thể sử dụng lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.

Ông Bùi Xuân Thái cho rằng, các đồ đạc, vật dụng trong nhà phải được bố trí một cách khoa học để không làm cản trở các lối thoát nạn khi ngôi nhà xảy ra sự cố cháy, nổ.  Để đảm bảo các điều kiện về PCCC, người dân cần lưu ý đảm bảo bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên như: lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái và không có đồ vật cản trở. Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy, kể cả trẻ em. Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà. Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ (xăng, dầu...) trong nhà.

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn, khi phát hiện ra cháy phải bình tĩnh suy xét, báo động cho tất cả mọi người mau chóng thoát ra ngoài, nếu cửa ra bị khói bao trùm cần tìm lối thoát khác qua ban công, qua cửa sổ sang nhà bên cạnh, dùng thang thoát xuống mặt đất… tuyệt đối không thoát trong phòng hay nhà vệ sinh, nếu buộc phải băng qua lửa hãy dùng chăn ướt cuốn quanh người để thoát ra ngoài, nếu phải băng qua khói hãy dùng khăn ướt che kín miệng, mũi và cúi thật thấp để tránh ngạt khói, men theo bức tường để đến lối thoát an toàn. Biết cách thoát nạn, bạn sẽ có thể cứu được mình và mọi người.

Minh Hiền
.
.
.