Cần kiểm soát cơn giận để tránh hậu quả đáng tiếc

Thứ Bảy, 05/11/2022, 08:19

Thời gian vừa qua có những vụ án xảy ra làm gây rúng động dư luận, đau thương, tan nát cả gia đình mà chính những người thân gây ra chỉ từ nhưng mâu thuẫn trong đời sống.

Những vụ việc đau lòng như con gái dùng chất độc xyanua đầu độc khiến cha ruột tử vong, con rể chém chết cha vợ vì không được thăm con ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; vợ giết chồng, chồng giết vợ, giết người yêu xảy ra ở nhiều nơi; anh em chém giết lẫn nhau vì tranh giành đất đai cha mẹ để lại; 3 người con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên chỉ vì liên quan đến đất đai… Cái "tính ác" đó có thể nảy sinh chỉ vì sự nóng giận nhất thời, sự bột phát, sự thiếu suy nghĩ phán xét; hay cũng có thể do sự thiếu hiểu biết về việc mà bản thân họ đang làm, gây ra cho chính người thân của mình đó chính là hệ quả của những cuộc đời đen tối.

Thực tế các vụ án cho thấy, khi vướng phải những mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình, họ đã chọn cách hành xử không đúng. Cho dù có nhiều lý do được đưa ra, nhưng xét về góc độ nào đi nữa thì những hành vi đó không thể chấp nhận được về cả pháp luật và đạo lý. Xảy ra những vụ án bị thương như vậy, cũng cần tìm nguyên nhân và phải nhìn nhận có một phần lỗi của bị hại. Giá như các bậc phụ huynh xem xét, cân nhắc lại việc dùng những lời la mắng, quát nạt, đánh đập con tái diễn nhiều lần như một cách để giáo dục, dạy dỗ con. Giá như gia đình vợ không ngăn cản việc con rể thăm con là quyền thiêng liêng giữa  cha mẹ - con cái mà luật định không đức ngăn cấm. Giá như không có sự chửi bới, sự ngăn cản, thách thức đánh nhau thì làm gì có chuyện con rể ra đánh nhau dẫn đến án mạng…

Cần kiểm soát cơn giận để tránh hậu quả đáng tiếc -0
Đông đảo người dân tham gia buổi tư vấn pháp luật phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Theo luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: "Để tránh xảy ra những hệ lụy đáng tiếc cho đứa trẻ, không đẩy những người con đến tận cùng của sự bế tắc rồi gây ra những chuyện đau lòng, các bậc cha mẹ cần thay đổi phương pháp giáo dục con của mình, đó chính là nhận thức. Cha mẹ cần hiểu, con cái là của mình, và giáo dục bằng đòn roi, bằng những lời mạt sát, mắng nhiếc, ngăn cản thì sẽ không đem lại hiệu quả như mình mong muốn". Khi người ta hành động mà không nghĩ đến phạm trù đạo đức nữa, chỉ nghĩ đến việc giải quyết mong muốn cái tôi của họ trong thời điểm nhất định thì hậu quả khó lường.

Như từ các vụ việc vợ giết chồng hoặc ngược lại, ban đầu là cãi vã do mâu thuẫn nhỏ trong đời sống, nhưng nếu có sự thách thức từ đối phương, dẫn đến không kiểm soát được lời nói cũng như hành vi. Cứ như vậy, mức độ mâu thuẫn ngày càng lớn dẫn đến thói vũ phu hoặc người vợ trở nên hung hăng, nóng nảy và có người hành động giết người mà trước đây họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ làm vậy. Nhà biên kịch Lê Như (ở TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "Để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc, mỗi người cần kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Đối với vợ chồng cần thực hiện theo lời dạy của tiền nhân "cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê", đối với con cái cần hiếu thảo với cha mẹ, người với người sống để thương nhau…".

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong gia đình, vợ chồng cần phân công việc nhà, mỗi người mỗi việc cùng nhau làm để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nếu người này bận thì người kia làm thay, không sao cả. Nhưng nhiều gia đình, vợ chồng đều đi làm nhưng việc nhà và chăm sóc con cái thì người vợ phải làm hết, dẫn đến mệt mỏi, trong khi chồng không phụ giúp, khi vợ nói chồng làm giúp thậm chí còn bị la mắng, lâu dần dẫn đến mâu thuẫn…

Từ các vụ án giết người thân thời gian qua, ở mức độ nào đó có thể phòng ngừa để nó không xảy ra dưới góc độ của người bị hại. Đa phần các vụ án trên đều do mối quan hệ tương tác giữa nạn nhân và đối tượng. Trong đó, nguyên nhân là mâu thuẫn cá nhân, đồng thời người bị hại cũng có phần lỗi hoặc có cư xử chưa đúng dẫn đến bùng phát thành hành vi phạm tội của người kia. Việc bị hại có ứng xử chưa đúng hoặc khiêu khích, thách đố, xúc phạm… đối với đối tượng là điều kiện và là một trong các yếu tố thúc đẩy dẫn đến hàng vi giết người. Điều này một phần nguyên nhân xuất phát từ chính nạn nhân.

Để không xảy ra tình trạng này, mỗi người không nên ứng xử tiêu cực để rồi tự mình có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mà trước đó mối quan hệ từng tốt đẹp.

Nguyễn Cảnh
.
.
.