Bài trừ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Năm, 07/09/2023, 07:52

Những hủ tục ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, tiềm thức của người dân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, tinh thần của bà con. Ở huyện biên giới Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, chính quyền và các đoàn thể đã có nhiều cố gắng để cùng bà con xóa dần hủ tục, góp phần xây dựng nếp sống văn minh nơi làng quê.

Đẩy lùi những hủ tục lạc hậu

Bù Gia Mập là huyện biên giới, giáp Vương quốc Campuchia. Trong 8 xã, có 3 xã và 22 thôn đặc biệt khó khăn. Số hộ DTTS chiếm 36,6% dân số toàn huyện, trong đó có 1.172 hộ nghèo. Trước đây, những dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện như Stiêng, Mnông vẫn tồn tại những hủ tục trong việc cưới, việc tang. Hủ tục “thách cưới” là một gánh nặng thực sự đối với nhiều gia đình. Bà con quan niệm, thách cưới càng cao thì hạnh phúc càng bền chặt. Do đó, không ít gia đình rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, dẫn đến đói nghèo. 

hu tuc1.jpg -0
Tổ chức đâm trâu trong một nghi lễ của người đồng bào Stiêng ở Bình Phước.

Quan niệm “chết tốt, chết xấu” cũng khiến nhiều gia đình rơi vào lao đao. Những trường hợp bị chết do rủi ro, người chết không được đưa về chôn tại nghĩa trang của buôn làng, người trong buôn sẽ không ghé đến chia sẻ, an ủi. Thậm chí, những hộ gia đình sống gần gia đình có người “chết xấu” còn dời nhà đi nơi khác để tránh ma xấu ám theo. Hủ tục đã gây chia rẽ đoàn kết trong bà con.

Một vấn đề nhức nhối khác chính là tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng nhưng vẫn tồn tại.

Ông Điểu Mun, thường gọi là Ba Mun (73 tuổi, thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, dân tộc Stiêng, nguyên Trưởng Công an huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Phước) được xem là người đi đầu trong tuyên tuyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ông Ba Mun cho biết, tỉnh Bình Phước có đến 41 dân tộc anh em sinh sống, chiếm gần 20% trong tổng dân số. Ông sinh ra giữa rừng già, từ nhỏ, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu gia đình phải khốn khổ, tiêu điều vì những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. “Trước đây có những đám cưới tốn đến hơn 100 triệu, ăn nhậu ròng rã mấy ngày. Đám cưới kết thúc là nảy sinh nợ nần chồng chất. Thấy vậy tôi đến tận nhà hay tổ chức họp buôn làng để tuyên truyền, vận động bà con không nên hoang phí vô ích thế. Làm riết làm riết nên nay đã giảm nhiều”, ông Ba Mun nói.  

Ông Ba Mun kiên trì đến từng nhà vận động để thuyết phục về việc thực hiện nếp sống mới. Lần đầu không nghe ông đến tiếp lần hai, lần ba. Trong các buổi họp thôn, dịp lễ, Tết gặp mặt đông đủ bà con, ông cũng tranh thủ lồng ghép tuyên truyền cho mọi người hiểu. Năm này qua năm khác, nhận thức của nhiều người dân đã được nâng cao, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi đã giảm nhiều. Bà con đã ý thức được việc tiết kiệm trong chi tiêu, các dịp lễ lạt, cưới hỏi.

Xây dựng nếp sống văn minh

Ông Tạ Hồng Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập cho biết: “Để cả cộng đồng chấp nhận từ bỏ một tập tục đã tồn tại bao đời nay, nhất là trong nếp nghĩ của những người lớn tuổi, có uy quyền trong dòng tộc, trong cộng đồng không phải là việc làm đơn giản. Cần phải có nhiều giải pháp, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, huy động nhiều lực lượng cùng tham gia trong việc tuyên truyền, vận động”.

Để giúp người dân thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục “chết tốt, chết xấu” huyện đã tổ chức các lực lượng phụ giúp, hỗ trợ gia đình (có người chết do rủi ro) làm mai táng. Chính các gia đình được hỗ trợ, động viên, bây giờ đã trở thành lực lượng tham gia vận động người dân khác. Để xóa bỏ nạn tảo hôn, Đảng ủy, chính quyền xã và các cấp hội phụ nữ cùng các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tập trung tuyên truyền đến từng thôn, từng hộ. Đặc biệt, chính quyền xã nhất quyết không làm các thủ tục đăng ký kết hôn, không cho tổ chức tiệc cưới nếu như vợ chồng chưa đủ tuổi. “Mỗi hủ tục, sẽ có cách tuyên truyền khác nhau. Có những vấn đề cần sự mềm mỏng, nhưng cũng có những vấn đề cần sự can thiệp của pháp luật mới có sự răn đe”, ông Quảng nói.

Với chủ trương “lấy cái đẹp để dẹp cái xấu”, các cấp chính quyền, đoàn thể trong huyện  đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh. Trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm như: thành lập các câu lạc bộ dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc để gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc; truyền dạy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cho thể hệ trẻ; thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng Nông thôn mới gắn với vệ sinh nhà cửa, môi trường, đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở, ăn uống hợp vệ sinh...

“Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở huyện Bù Gia Mập còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt từ huyện đến cơ sở, những hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS đã được đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước trên địa bàn huyện.

Đức Trí
.
.
.