Sử dụng thực phẩm có chất tạo nạc sẽ phá hủy AND và gây ung thư

Thứ Bảy, 12/12/2015, 17:42
Việc sử dụng chất cấm như Salbutamol hay vàng O trong trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm đang diễn biến phức tạp, trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội... PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) với mong muốn giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ hơn trong vấn đề này.

* Thưa bà, bà có thể cho biết những đặc tính của chất tạo nạc và vàng ô đang được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm hiện nay?

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo: Chất vàng O có tên hóa học là Auramine O là một chất nhuộm màu trong công nghiệp dệt, tan tốt trong nước, ethanol và cấm sử dụng trong thực phẩm. Chất tạo nạc là các chất thuộc nhóm β2-agonist (gồm các chất clenbuterol, ractopamin và salbutamol...) là các hợp chất tổng hợp phenethanolamine được sử dụng làm tác nhân để trị các bệnh về hô hấp trong y học. Các hợp chất này có cấu trúc tương tự với các dẫn xuất amine của catechol bao gồm dopamine, norepinephrine và epinephrine.

Salbutamol được sử dụng để làm giảm co thắt phế quản trong các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Salbutamol sulfate thường được dùng qua đường hít có tác dụng trực tiếp đến cơ trơn phế quản nên được sử dụng chủ yếu để điều trị co thắt khí quản cũng như bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Ngoài ra, Salbutamol cũng được sử dụng trong sản khoa dưới dạng dịch truyền như là thuốc đỡ đẻ, làm giãn cơ mềm tử cung có tác dụng làm chậm sự đẻ non. Các β2-agonist còn có tác dụng làm tăng hàm lượng protein, kích thích tăng trưởng nhờ quá trình chuyển hóa hàm lượng mỡ tích tụ thành các mô cơ ở vật nuôi. Lợi dụng tác dụng này nên người chăn nuôi đã cho vào thức ăn cho vật nuôi để thu lợi nhuận.

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo.

+ Những năm gần đây, Salbutamol được sử dụng khá tràn lan trong chăn nuôi để lợn nhiều nạc, còn chất vàng O cũng được trộn vào thức ăn để tạo màu vàng đẹp mắt cho da gà. Xin bà nói rõ hơn  những độc hại cấp tính cũng như mãn tính của Salbutamol và chất vàng O với sức khoẻ con người?

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo: Sử dụng Salbutamol và chất vàng O, tác dụng phụ thường thấy nhất là run, lo lắng, đau đầu, rút cơ, khô họng và hồi hộp. Các triệu chứng phụ khác có thể bao gồm mạch đập nhanh, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ cơ tim và rối loạn giấc ngủ và hành vi. Salbutamol dùng với lượng lớn sẽ gây hiện tượng tim đập nhanh, hệ thống thần kinh hưng phấn quá mức. Khi con người ăn phải thịt có chứa các chất β-agonist sẽ gây ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe có thể tích lũy trong cơ thể gây hậu quả kéo dài hoặc dẫn tới gây nhiều triệu chứng xấu tới sức khỏe con người như huyết áp, tim mạch, có thể gây ung thư.

Chất vàng O dùng trong thực phẩm rất nguy hiểm với người, như gây dị ứng cho mắt, độc hại khi tiếp xúc với da, dị ứng cho da, dị ứng cho hệ hô hấp. Nó đã được cảnh báo trong một số nghiên cứu có thể phá hủy ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương. 

+ Để tránh ăn phải thực phẩm không an toàn, người tiêu cùng có cách nào để nhận biết thịt gia súc có chất tạo nạc không thưa bà?

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo: Bằng mắt thường không thể nhận biết được chính xác thịt có chứa chất tạo nạc và vàng ô.

+ Là nhà chuyên môn, bà có khuyến cáo gì về với mọi người về chất tạo nạc và chất vàng ô?

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo: Từ năm 2002, Bộ NN&PTNT đã cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng một số hóa chất, kích thích tố trong chăn nuôi, trong đó có Salbutamol. Hơn nữa, việc sử dụng các chất như Salbutamol và vàng ô sẽ tác động xấu đến sức khỏe con người, vì thế, không được phép sử dụng. Người chăn nuôi cần hiểu rằng, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chính là một cách đầu độc đồng bào mình. Để tránh mua phải thực phẩm không an toàn, người dân khi đi mua thịt lợn hay gà, nên mua của các cơ sở có uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.

+ Cám ơn bà đã trao đổi!

Ngày 11-12, Chính phủ đã nhận định việc “sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm, trong chăn nuôi diễn biến rất phức tạp, đang là vấn đề bức xúc, nguy hại cho sức khỏe người dân” và đã chỉ đạo các ngành liên quan, nhất là Bộ NN&PTNT,  Bộ Công Thương, Bộ Công an tăng cường kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chuyển xử lý hình sự…

Đầu tháng 12-2015, Bộ Y tế đã phát hiện Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol nhiều hơn số lượng cho phép tới 200kg và bán Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không được phép, phần nào phản ánh việc sử dụng chất Salbutamol không đúng mục đích hiện nay. Dĩ nhiên, đó chỉ là vi phạm của một đơn vị chứ chưa phải là tất cả. Vì thế, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp không nhập khẩu 2 nguyên liệu này vì đây là các nguyên liệu sản xuất thuốc đang bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi để tạo nạc.

PGS.TS Lê Văn Thọ, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh: Auramine O được dùng trong công nghiệp nhuộm sợi, da và giấy, cũng có thể được dùng để in ấn, tạo màu trong các loại mực, nên được khuyến cáo tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm hoặc chất phụ gia trộn vào thức ăn cho người và động vật.

Nghiên cứu trên động vật cho thấy, Auramine O gây ung thư ở chuột cống và chuột nhắt. Như vậy, nếu chất Auramine O được trộn vào thức ăn cho gà hoặc pha nước nhúng gà sau khi đã giết mổ để tạo màu vàng hấp dẫn thì người ăn vào có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Thịt gà bình thường có màu da trắng hồng hoặc màu vàng chanh rất nhạt. Vì vậy, không nên mua những con gà đã làm sẵn có màu da bất thường. Chỉ có sự tẩy chay của người tiêu dùng, thì người sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc người giết mổ mới không cố tình tạo màu bằng những chất không được phép sử dụng.

Dạ Miên

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.