An toàn vệ sinh thực phẩm: Tết đến lại lo

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:42
Càng gần đến Tết Nguyên đán, nỗi lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm lại hiện hữu khi số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết đang nườm nượp đổ về các chợ đầu mối, mà phần nhiều trong số đó là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng lậu và hàng sử dụng hóa chất bảo quản… Hàng loạt vụ việc thực phẩm bị ngâm hóa chất, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo đã bị phát hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là những phần nổi của “tảng băng chìm”.

Bài 1: Nông sản tẩm hóa chất, thịt trâu nhập lậu đội lốt thịt bò

Măng khô đ c năm vn không mc

Có mặt tại chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, chợ bán buôn các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến lớn nhất Thủ đô, dù chưa vào hẳn “vụ” Tết nhưng lượng hàng hóa đổ về đã tràn ngập. Các cổng vào chợ luôn chật kín người qua lại và hàng hóa bốc dỡ từ các xe tải xuống. Quầy hàng nào cũng đông khách đến lấy hàng, nhộn nhịp, huyên náo. Trong năm, thời điểm Tết Nguyên đán là mùa các mặt hàng nông sản như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương... bán chạy nhất. Tuy nhiên, chất lượng của các mặt hàng này tại đây đều rất mơ hồ, phần lớn không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều mặt hàng chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy có sự bất thường đáng lo ngại.

Tại khu quầy bán lâm thổ sản, các loại măng từ măng nứa, măng vầu, măng mai, măng lưỡi lợn, măng xé… được chất thành nhiều bao tải chồng lên nhau. Những tải măng vàng ruộm, bóng bẩy bắt mắt. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn lấy buôn với số lượng lớn, chủ một quầy hàng nhanh nhảu cho biết, lấy ngay cả tấn cũng có, hàng đang để trong kho gần đây. Người bán hàng khẳng định chắc nịch: “Yên tâm, măng này để thoải mái cả năm chả làm sao. Chợ ẩm thấp thế này, măng chất ngay trên nền bê tông mà mấy tháng có sao đâu. Vẫn đẹp mã thế này cơ mà, em cứ yên tâm lấy về bán”. Cả một góc chợ Bắc Qua tràn ngập măng. Vụ măng được thu hoạch ở các địa phương miền núi phía Bắc từ tháng 8-9. Sau khi được phơi khô, măng được đóng bao tải, bán cho các đầu mối thu gom và chuyển xuống các tỉnh, thành lớn tiêu thụ.

Nếu nhìn bằng mắt thường, phần lớn các loại măng ở chợ Bắc Qua đều có màu cánh gián rất đẹp. Trong khi đó, những lần chúng tôi đi công tác ở miền núi, người dân bản địa phơi măng khô tự nhiên để ăn, măng có màu nâu xỉn, quắt queo và chỉ cần để hai, ba tháng đã có dấu hiệu bị mốc. Với những người kinh doanh loại nông sản này, muốn măng sáng đẹp chỉ có cách ngâm bột sắt để nhuộm màu và xông lưu huỳnh khi sấy để chống ẩm mốc.

Theo kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng măng khô, măng tươi trên cả nước vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, Bộ Y tế đã phát hiện nhiều mẫu măng có tồn dư hóa chất lưu huỳnh và sulfite có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây là chất đã bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm ở nước ta. Mới đây, vụ việc 43 tấn măng tươi được “tắm” hóa chất độc hại được phát hiện tại ba cơ sở kinh doanh măng tươi bên quốc lộ 1A, khu phố 7, phường Tân Thới, quận 12 (TP HCM) đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Bởi theo lời khai nhận của các chủ cơ sở trên, chỉ cần 1 thìa cà phê hóa chất pha với 200 lít nước là đủ để ngâm 140kg trong 1 năm không thối hỏng và có khả năng biến măng đen thành trắng nõn. Loại hóa chất này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được bán với giá hơn 20.000 đồng/kg.

Măng có mùi khét của diêm sinh là do sấy bằng lưu huỳnh.

Nông sn nhp lu - tht bn vn tràn lan

Tết Nguyên đán cũng là cao điểm để hàng lậu, hàng không nhãn mác, nguồn gốc tràn vào thị trường. Cũng trong tháng 1, Đội Quản lý thị trường số 2 cùng với Cảnh sát môi trường – Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện gần 2 tấn củ cải khô tại số 4 ngõ 40, đường Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, Hoàn Kiếm được đóng trong nhiều bao nilon có ghi chữ Trung Quốc. Chủ hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nào của lô hàng trên. Toàn bộ số hàng này đã bị tiêu hủy. Trước đó, cũng tại chợ Đồng Xuân, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ, tiêu hủy hai lô hàng hoa quả khô và váng đậu không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 12/2014 đến nay, đơn vị này đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ thực phẩm giả, thực phẩm nhái. Đơn cử như vụ việc 15 tấn thịt trâu không rõ nguồn gốc được nhập lậu với giá chỉ 40.000 đồng/kg chuẩn bị được gán mác thịt bò tuồn ra thị trường. Nếu trót lọt, số thịt trâu “trôi nổi” trên sẽ được bán với giá hơn 200.000 đồng/kg. Trong cuộc họp về kiểm soát thực phẩm Tết Nguyên đán với lãnh đạo UBND TP Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Ngô Đại Ngọc cho biết, khó khăn lớn nhất đối với TP hiện nay nằm ở việc quản lý khâu giết mổ gia súc, gia cầm. Cơ quan chức năng, dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể kiểm soát hết lò mổ tư nhân, lò mổ "chui", gây ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng vệ sinh ATTP…

Thêm vào đó, trong tổng số 12.000ha rau sạch của Hà Nội, ngành chức năng mới dán tem chứng nhận rau an toàn cho khoảng 5.000ha, số còn lại chưa thể kiểm soát được chất lượng. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lo ngại, thời điểm Tết Ất Mùi, lượng thịt và rau quả được tiêu thụ sẽ tăng gấp 2-3 lần. Và như mọi năm, các loại rau trái vụ nhập theo đường tiểu ngạch không kiểm soát được chất lượng sẽ lại xuất hiện tràn lan tại các chợ trên địa bàn TP.

Ngọc Yến – Thanh Hằng
.
.
.