Xung quanh vấn đề “vi chất” trong sữa học đường

Thứ Bảy, 04/01/2020, 09:18
Những ngày qua, câu chuyện bổ sung 21 vi chất vào sữa học đường (SHĐ) đã tạo ra dư luận nhiều chiều, thậm chí trái chiều xung quanh Thông tư 31 “Quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình SHĐ” do Bộ Y tế ban hành ngày 5-12-2019.


Có thể khẳng định, việc ban hành Thông tư này (dù muộn hơn kỳ vọng),  với “điểm nhấn” 21 vi chất đã trở thành một công cụ pháp lý quan trọng, cần thiết cho cả cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình SHĐ mang đậm tính nhân văn.

Đã có nhiều bài báo, trong đó có cả Báo CAND viết rằng, việc Bộ Y tế quyết định con số “21 vi chất” là hoàn toàn có cơ sở khoa học, dựa trên những nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong thời gian dài, vì đây là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về dinh dưỡng của người dân. Đúng, sai sẽ có cơ quan này chịu trách nhiệm. Như vậy đã rõ ràng!

Niềm vui của trẻ khi được uống sữa học đường.

Khi đã có cơ quan chịu trách nhiệm về “21 vi chất” thì việc tranh luận, mổ xẻ “cơ sở khoa học nào cho việc bổ sung vi chất” là không cần thiết, vì về nguyên tắc, để đưa ra một kết luận khoa học, Viện Dinh dưỡng quốc gia sẽ có nhiều nghiên cứu và chịu trách nhiệm về những nghiên cứu đó, trong đó có cả những nghiên cứu đòi hỏi phải có chuyên môn sâu mới hiểu được.

Thực tế các sản phẩm SHĐ thực hiện trước khi Thông tư 31 ra đời, dựa trên các khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng cũng như dự thảo Thông tư đã được đăng tải trên website Cục An toàn Thực phẩm từ 2018, các hãng sữa đều đã bổ sung đa vi chất vào sữa tươi học đường. Hiện nay, 3 công ty đang cung cấp sữa học đường tại nhiều địa phương trên cả nước là Nutifood, Vinamilk, TH True Milk đều có bổ sung các vi chất với số lượng và hàm lượng khác nhau.

Trước khi Thông tư 31 ra đời, vì không có cơ sở thống nhất nên các địa phương lại có những “đề bài” rất khác nhau về bổ sung vi chất; dẫn đến thực tế là có nơi thì SHĐ có 3 vi chất, có nơi thì 17, có nơi bổ sung 5 vi chất hoặc cũng có địa phương chỉ dùng sữa tươi nguyên chất không bổ sung vi chất nào, khiến doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sữa rất vất vả trong việc sản xuất mẫu bao bì, gây tốn kém chi phí.

Thông tư 31 ra đời sau rất nhiều cuộc họp nâng lên đặt xuống, sau rất nhiều tranh luận, bàn thảo gay gắt đã giải tỏa “cơn khát” đòi hỏi có chuẩn vi chất trong SHĐ mà lâu nay khiến các địa phương băn khoăn; chấm dứt tình trạng “trăm hoa đua nở”; chấm dứt tình trạng tự bơi của doanh nghiệp, giúp cho việc triển khai Chương trình SHĐ đang thực hiện ở nhiều tỉnh, thành phố “đi đúng đường ray”.

Một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho chúng tôi hay: “Sở dĩ chúng tôi chưa dám triển khai Chương trình SHĐ bởi không biết theo chuẩn nào, bao nhiêu vi chất, trong khi thông tin trên mạng xã hội thì rất khó định hướng. Chúng tôi nhìn sang địa phương khác, mỗi lần triển khai SHĐ lại phát văn bản hỏi Bộ Y tế, hỏi Viện Dinh dưỡng quốc gia vi chất nào là phù hợp, rất mất thời gian. Nếu Thông tư có sớm hơn thì không phải 20 tỉnh mà có khi lên đến 63 tỉnh, thành đã thực hiện Chương trình SHĐ rồi”.

Sự cẩn trọng của nhiều địa phương là đúng vì Chương trình SHĐ dính một phần ngân sách nhà nước, là chương trình xã hội hóa với sự tham gia của 3 nhà: Nhà nước 30%, doanh nghiệp 20% và phụ huynh 50%. Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, khi có quy định rõ ràng lượng vi chất thì mọi doanh nghiệp cung ứng SHĐ đều phải tuân thủ, địa phương cũng có hành lang pháp lý rõ ràng khi xây dựng đầu bài thầu, hồ sơ thầu cho tỉnh mình.

Cách đây mười mấy năm, trước khi có chủ trương “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, sữa Việt luôn bị lép vế trước sữa ngoại vì nghèo nàn dinh dưỡng. Với tâm lí sính hàng ngoại, người tiêu dùng cho rằng uống sữa ngoại nhiều vi chất con họ tăng trưởng phát triển tốt và thực tế cũng tốt thật. Hiện nay, sữa tươi ngoài thị trường của hầu hết các hãng sữa (từ Nutifood, cô gái Hà Lan, Vinamilk, TH True Milk…) đều bổ sung vi chất mục đích cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, nâng cao thể lực cho trẻ.

Sự nhanh nhạy, tiên phong của một số doanh nghiệp sữa Việt Nam đã kịp thời đầu tư công nghệ, nghiên cứu phát triển để bổ sung vi chất vào các sản phẩm sữa đã giúp sữa Việt giành lại thị phần, được người Việt tin dùng. Các doanh nghiệp yên tâm bổ sung vi chất vì toàn bộ các vi chất dinh dưỡng đều được sử dụng trên cơ sở Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, đồng thời dựa trên Bảng Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016 do Bộ Y tế ban hành.

Mặc dù việc quyết định bao nhiêu vi chất không phải trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng hầu hết các doanh nghiệp sữa đều đồng thuận “21 vi chất” và nhận được sự thống nhất cao từ Hiệp hội Sữa Việt Nam, vì hiện tại dây chuyền sản xuất sữa của các doanh nghiệp đều hiện đại, tuy có phát sinh thêm chi phí, nhưng doanh nghiệp đều sẵn sàng vì muốn dành điều tốt nhất cho trẻ.

Ngay tại cuộc họp ngày 18-6-2019 do lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì bàn về vi chất, các doanh nghiệp có mặt đều khẳng định, họ đủ năng lực và công nghệ để bổ sung vi chất. Với chuẩn “21 vi chất”, từ nay chúng ta sẽ có một sản phẩm SHĐ thống nhất trên toàn quốc, giúp cho Chương trình SHĐ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ giá trị nhân văn ra cộng đồng.

Sữa tươi bán ngoài thị trường và SHĐ giống và khác nhau ở điểm nào? Trả lời câu hỏi này, một chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho chúng tôi biết, điểm giống nhau giữa hai loại sữa này là đều bổ sung vi chất.

Điểm khác là SHĐ sản xuất phù hợp với độ tuổi (từ 2 – 12 tuổi, là độ tuổi được uống ly SHĐ trong một thời gian cố định), khi có Thông tư 31, SHĐ sẽ thống nhất về số lượng vi chất (trong khi sữa ngoài thị trường có số lượng vi chất rất phong phú đa dạng).

Điểm khác nữa là sữa ngoài thị trường, phụ huynh bỏ tiền ra mua hoàn toàn, trong khi SHĐ có sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, phụ huynh chỉ mất một nửa chi phí. Việc uống SHĐ được kiểm tra, giám sát thường xuyên, uống đúng giờ; còn uống sữa ngoài thị trường là tự do, tùy nhu cầu và trẻ cũng không chịu sự giám sát chặt chẽ.

Chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia còn cho biết, khi hầu hết các sản phẩm sữa tươi trên thị trường đều có vi chất, trẻ uống hằng ngày rồi thì những lo ngại, chỉ trích về SHĐ khi bổ sung vi chất là rất vô nghĩa. Càng không thể nói “SHĐ khi thêm 21 vi chất sẽ thành sữa công thức, cho trẻ uống sữa có 21 vi chất là uống thuốc, biến SHĐ thành thực phẩm chức năng”. Cách hiểu đó là ấu trĩ, lệch lạc, nhằm gây khó khăn cho công tác quản lý, gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Thu Phương
.
.
.